Nền y tế Mỹ nổi tiếng với chất lượng cao và công nghệ hàng đầu nhưng kèm theo là viện phí đắt đỏ bậc nhất thế giới. Theo thống kê, 41% dân số Mỹ đang có một khoản nợ y tế. Hàng triệu người trì hoãn đi khám chữa bệnh vì không kham nổi chi phí. Bảo hiểm y tế là con đường duy nhất giúp giảm gánh nặng nhưng đôi khi cũng không trả hết mọi khoản. 

VietNamNet đăng tải loạt bài viết “Chi phí y tế đắt không tưởng ở Mỹ” chia sẻ góc nhìn về vấn đề viện phí ở Mỹ so sánh với một số nước phát triển khác trên thế giới cùng những hoàn cảnh éo le của người bệnh tại đây. 

Bài 1: Chưa được chữa trị đã mất trăm triệu đồng ở bệnh viện tại Mỹ

Bài 2: Phá sản vì viện phí

Thiếu bảo hiểm, khoản đồng thanh toán cao và các công ty từ chối chi cho một số phương pháp điều trị khiến nhiều người Mỹ phải tự bỏ tiền túi ra trả viện phí. Cửa khẩu biên giới San Ysidro ở miền nam California (Mỹ) luôn đông đúc. Nhiều người Mexico trở về nhà sau một ngày dài làm việc ở Mỹ trong khi nhiều người Mỹ xuất cảnh với mục đích chăm sóc sức khỏe.

Biểu đồ số người nước ngoài tới Mexico khám chữa bệnh hằng năm (triệu người). Một nửa trong số đó là người Mỹ. Đồ họa: Market.us

Ngay khi rời khỏi lãnh thổ Mỹ, chỉ cần đi bộ qua đường, mọi người sẽ nhìn thấy một hiệu thuốc lớn. Cách đó khoảng 50m là một bệnh viện đầy đủ dịch vụ. Dọc theo những con đường ngoằn ngoèo từ cửa khẩu là hàng chục phòng khám y tế và nha khoa, nhiều nơi có bảng hiệu nổi bật bằng tiếng Anh.

Tất cả tiện ích đều phục vụ cho ngành du lịch y tế đang gia tăng do chi phí chăm sóc sức khỏe đắt đỏ ở Mỹ khiến hơn 1 triệu người sang Mexico mỗi năm để tìm kiếm những lựa chọn rẻ hơn. 65-70% số bệnh nhân có nhu cầu liên quan tới sức khỏe răng miệng. 

Melissa Jackson, làm việc tại một thẩm mỹ viện ở New Jersey, bị lạc nội mạc tử cung. Theo New York Times, để thoát khỏi những cơn đau đớn quằn quại, cô buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Do không có bảo hiểm, Melissa đối mặt với khoản chi phí 20.000 USD tại Mỹ. Nhưng nếu sang Mexico, cô sẽ chỉ cần trả 4.000 USD. 

Ahmed Abu, người gốc Kenya, đã sống ở thành phố San Diego (bang California) được khoảng 20 năm. Ông Abu nói với The National: “Tôi đã đến Tijuana (thành phố của Mexico) suốt 15 năm để làm mọi việc, thậm chí đưa mọi người đến đó để khám chữa bệnh. Tôi cũng đi sửa kính, khám nha. Bảo hiểm y tế của tôi ở Mỹ không chi trả nhiều thứ”. 

Là một tài xế taxi, Abu đã chở nhiều người dân bang California cũng như các vùng khác khắp nước Mỹ đến Mexico để kiểm tra sức khỏe. 

thanh pho.jpg
Ở thành phố Tijuana (Mexico) sát biên giới với Mỹ có rất nhiều bệnh viện. Ảnh: National News

Khoảng 9% dân số Mỹ không có bảo hiểm y tế và ngay cả những người có bảo hiểm tốt cũng thường phải chịu “các khoản đồng thanh toán” và khấu trừ cao khiến chi phí tăng thêm hàng nghìn USD. Ngoài ra, các công ty bảo hiểm có thể từ chối chi trả cho một số phương pháp điều trị được coi là “tự chọn” như chỉnh nha, nghĩa là hàng triệu người Mỹ phải bỏ tiền túi ra trả hoặc không được chăm sóc.

Năm 2021, người Mỹ đã tốn khoảng 433 tỷ USD cho các dịch vụ y tế và nha khoa.

Trong khi đó, Mexico cung cấp dịch vụ tư nhân với mức giá rẻ hơn nhiều. Theo Tổ chức Bệnh nhân Không Biên giới, khoảng 1 triệu người Mỹ đến Mexico mỗi năm tiết kiệm được từ 40 đến 65% chi phí y tế và nha khoa. Chẳng hạn, phẫu thuật bắc cầu mạch vành ở Mexico có giá khoảng 27.000 USD nhưng ở Mỹ lên tới 144.000 USD.

Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc ở Mexico tương đối dễ dàng. Người Mỹ chỉ cần hộ chiếu hợp lệ để vào Mexico theo visa 6 tháng. Chính quyền thành phố Tijuana cho phép khách du lịch y tế vào nước này thông qua một làn đường đặc biệt, đẩy nhanh quá trình nhập cư.

Adina Smith, cư dân lâu năm ở San Diego (Mỹ), đã đến Tijuana nhiều lần để làm dịch vụ nha khoa. Cô nói: “Tôi biết khoảng 7 người đi thường xuyên. Tôi đã nghe bạn tôi kể về trải nghiệm tuyệt vời của cô ấy. Tôi cũng có ấn tượng rất tốt về dịch vụ ở đây. Văn phòng sạch sẽ và nha sĩ có trang thiết bị chất lượng, tôi chưa bao giờ bị nhiễm trùng hay bất cứ điều gì tương tự. Nha sĩ của tôi và các trợ lý thông thạo tiếng Anh”. 

Mia Nica, một người không có bảo hiểm, đã qua Mexico nhiều lần để được chăm sóc y tế. “Hầu hết thành viên trong đại gia đình và bạn bè của tôi ở California và Arizona đều đến Mexico, để làm răng. Các nhân viên y tế chuyên nghiệp, cơ sở vật chất sạch sẽ, thủ tục được giải thích rõ ràng và giá cả hợp lý. Chi phí tự trả ở Mexico vẫn hợp lý hơn có bảo hiểm ở Mỹ”. 

bac si nhiet tinh.jpg
Bác sĩ Sergio Aviles đã hành nghề chỉnh răng ở Tijuana được gần 50 năm. Ảnh: National News

Chất lượng dịch vụ ở Mexico nhìn chung khá cao – các bác sĩ muốn vào học tại những cơ sở của Mexico phải đối mặt với quá trình chuẩn bị nghiêm ngặt. Vì học phí của trường y ở Mexico chỉ bằng một phần nhỏ so với ở Mỹ nên một số sinh viên Mỹ muốn đào tạo thành bác sĩ cũng sang đây. 

Giáo sư Eduardo Tanori, Đại học California San Diego, người giúp các sinh viên tốt nghiệp trường y quốc tế chuẩn bị cho các kỳ thi hội đồng ở Mỹ, nói với ABC 10News rằng sinh viên được đào tạo ở Mexico có tỷ lệ đỗ hơn 90%.

Bác sĩ Sergio Aviles đã hành nghề chỉnh nha ở Tijuana được gần 50 năm. Ông giải thích, các chuyên gia trên khắp thế giới tới đây để hành nghề. “Nhu cầu tới kiểm tra sức khỏe ở Mexico tăng cao do ba yếu tố: giá cả, ngôn ngữ, và sự nhiệt tình của các y bác sĩ”, bác sĩ Aviles giải thích. 

Theo bác sĩ Aviles, điểm khác biệt duy nhất giữa chất lượng y tế ở Mexico và Mỹ là công nghệ. Ông nói: “Mỹ có chất lượng công nghệ cao nhưng về chất lượng con người, Mexico hoặc các nước khác có thể tốt hơn”.

phong nha.jpg
 Phòng khám nha của bác sĩ Sergio Aviles ở Tijuana. Ảnh: National News

Bác sĩ Sol Klaja, nha sĩ ở Thành phố Mexico, người điều trị cho nhiều bệnh nhân Mỹ hằng tháng, cũng đồng tình: “Chính chi phí và chất lượng dịch vụ đã đưa người Mỹ đến Mexico”.

Tiến sĩ Francisco Contreras, Giám đốc Bệnh viện Oasis of Hope chuyên điều trị ung thư, nói rằng bệnh nhân Mỹ đánh giá cao cách cư xử nhiệt tình của các bác sĩ Mexico. Ngoài ra, ở Mỹ, sai sót y khoa là mối lo ngại lớn nên các chuyên gia không muốn thử nghiệm các lựa chọn điều trị thay thế. “Bác sĩ ở Mỹ rất dễ bị kiện”, Tiến sĩ Contreras nói. 

Bệnh viện Oasis of Hope và các trung tâm điều trị ung thư khác ở Tijuana cung cấp các phương pháp điều trị không được sử dụng rộng rãi ở Mỹ do các hạn chế của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.

Du lịch y tế ở Mexico cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Trải qua thủ thuật xâm lấn và sau đó di chuyển về Mỹ sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn.

Năm 2019, 11 người Mỹ phẫu thuật ở Tijuana đã trở về nhà với tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm do kháng thuốc kháng sinh. Diễn đàn trực tuyến tràn ngập các câu chuyện kinh dị về một số lang băm gây ra sự cố khi phẫu thuật hoặc những loại thuốc đáng ngờ gây ra phản ứng nghiêm trọng.

benh vien 1a.jpg
Dù có những nhược điểm nhất định, các bệnh viện ở Mexico vẫn được đánh giá cao về chất lượng, dịch vụ tốt và giá cả phải chăng. Trong hình là Bệnh viện Oasis of Hope chuyên điều trị ung thư Ảnh: National News

Một số thành phố biên giới Mexico – Mỹ, nơi tập trung cơ sở hạ tầng du lịch y tế cao nhất, đều có mức độ hoạt động tội phạm và bạo lực cao. Tijuana là thành phố nguy hiểm nhất ở Mexico, với 138 vụ giết người trên 100.000 dân. Theo Liên Hợp Quốc, Mexico có tỷ lệ giết người cao gấp 7 lần so với Mỹ.

Một nhóm 4 người Mỹ đang tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Mexico bị bắt cóc ở Matamoros đầu năm 2023. Hai người đã bị giết.

Mặc dù vậy, khách du lịch y tế Mỹ vẫn tiếp tục đến.

“Lúc đầu, có thể đáng sợ nếu bạn không biết đường đi và không nói được ngôn ngữ của họ. Tuy nhiên, mọi người rất thân thiện và đều sẵn lòng giúp đỡ khi tôi nhờ”, Nica nói. Ông Abu cho biết thêm: “Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề gì. Nếu bạn đến đó vì mục đích y tế và ở những nơi uy tín, bạn sẽ an toàn”. 

Các điểm đến du lịch y tế quen thuộc của người dân Mỹ bao gồm Mexico, Argentina, Brazil, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Đức, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan… Những dịch vụ phổ biến gồm điều trị ung thư, chăm sóc nha khoa, điều trị sinh sản, cấy ghép nội tạng và mô, phẫu thuật giảm béo, thẩm mỹ và phi thẩm mỹ.

Ban Mai

Kiếm bộn tiền nhờ thu hút người nước ngoài tới chữa bệnh

Kiếm bộn tiền nhờ thu hút người nước ngoài tới chữa bệnh

Thái Lan chào đón khoảng 4 triệu người nước ngoài tới điều trị y tế, thu về 340 triệu USD mỗi năm.


Share.