Tới Singapore, đi đến đâu cũng thấy một màu xanh của thiên nhiên. Bước ra đường phố đông đúc với những tòa nhà chọc trời vẫn thấy những khoảng xanh của “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”. Mật độ cây xanh che phủ cao đã khiến không gian đô thị được “mềm hóa” và cải thiện chất lượng môi trường nói chung.

Bước ra đường phố đông đúc với những tòa nhà chọc trời vẫn thấy những khoảng xanh của “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”. 

Nếu như nhiều thập kỷ trước kia, Singapore phát triển theo mô hình “vườn trong phố”, thì hiện nay, chính quyền lại tập trung đưa đảo quốc trở thành “phố trong vườn”. Có nghĩa cả đất nước này sẽ là một khu vườn xanh ngát và phố xá nằm bình yên trong vườn cây đó.

Mặc dù Singapore có mật độ dân cư vào loại cao nhất trên thế giới, với hơn 90% dân số sống trong các khu chung cư, nhưng cây xanh vẫn luôn hiện diện ở khắp mọi nơi. Màu xanh không chỉ hút mắt tại hơn 300 công viên lớn, nhỏ nằm rải rác khắp đảo quốc, mà nó còn xuất hiện xen giữa những tòa nhà cao tầng hay thậm chí là ở trên nóc những khu thương mại, các khách sạn, bãi giữ xe…

Tại Singapore, dù diện tích chật chội nhưng xu hướng thiết kế từ căn hộ cho tới nhà phố đều ưu tiên 20%-30% diện tích dành cho phủ xanh. Đất nước này rất coi trọng thiết kế và thi công các tường xanh, mái nhà xanh, thậm chí trồng cây ngay trong lòng tòa nhà để người cư trú hay đi mua sắm trong các khu thương mại luôn cảm nhận sự gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.

Những khu vườn thẳng đứng

Singapore đã thành công trong công tác quy hoạch đô thị và phủ xanh thành phố với mục tiêu tăng cường mật độ cây, củng cố mỹ quan, nâng cao môi trường sống và giải trí cho người dân. Sau nhiều thập kỷ, Singapore đã đạt tỷ lệ phủ xanh hơn 50% diện tích mặt đất theo chiều ngang, và hơn 75% cả chiều dọc theo đúng quốc sách phát triển “vườn thẳng đứng”.

Những khu vườn thẳng đứng là một giải pháp xanh hoàn hảo cho kiến trúc của Singapore trong bối cảnh đất nước khiêm tốn về mặt diện tích và có đến 80% dân số sinh sống trong các tòa chung cư. Bên cạnh đó, những công trình xanh này đã tạo dựng hình ảnh đất nước Singapore với một diện mạo hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia khác trên thế giới. 

“Vườn thẳng đứng” là nỗ lực của các nhà quy hoạch đô thị cũng như giới kiến trúc sư của Singapores nhằm đưa không gian xanh vào các công trình mới được xây dựng trên khắp đất nước. Tính đến cuối năm 2022, đã có khoảng 55% các tòa nhà tại Singapore được phủ xanh.

Chính phủ đưa ra các quy tắc xây dựng, tiêu chuẩn và hệ thống chứng nhận xanh. Cùng với đó, đưa ra các ưu đãi như lợi ích về thuế hoặc trợ cấp cho các dự án công trình xanh. Nhà chức trách Singapore cũng đưa ra các khuyến khích tài chính, chẳng hạn như trợ cấp hoặc cho vay lãi suất thấp, có thể khuyến khích các nhà phát triển và xây dựng đầu tư vào các tính năng của công trình xanh, vốn chi phí ban đầu còn cao. Ngoài ra, còn một số biện pháp như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ, nguyên vật liệu bền vững phục vụ các công trình xanh, hay thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trong năm 2021, chính phủ Singapore phát động Kế hoạch Xanh 2030, một phong trào giúp mọi người có động lực để biến quốc đảo thành một thành phố phát triển bền vững trên toàn cầu.

Kế hoạch này gồm 5 trụ cột liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh cuộc sống. Trong đó trụ cột đầu tiên là chiến lược xây dựng thành phố trong thiên nhiên. Theo đó, đến năm 2030, Singapore sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh và tăng diện tích đất công viên thiên nhiên lên hơn 50% so với năm 2020. Đến năm 2035, đảo quốc sư tử sẽ có thêm 1.000 ha không gian xanh và mỗi hộ gia đình chỉ cách công viên 10 phút đi bộ.

Một thành phố giữa thiên nhiên, một cuộc sống bền vững với nguồn năng lượng tái tạo, nền kinh tế tuần hoàn và một tương lai tự cường là những gì mà Singapore đang tiếp tục nỗ lực hướng tới. 

Bảo Đức

Singapore đã xử lý hàng nghìn tấn rác thải mỗi ngày như thế nào?Singapore dù có diện tích nhỏ nhưng cũng là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới. Năm 2022, Singapore đã tạo ra khoảng hơn 7 triệu tấn chất thải rắn. Vậy, Singapore đã xử lý hàng nghìn tấn rác thải mỗi ngày như thế nào?
Share.