Các sinh viên cùng lớp đã về quê ngay khi nhà trường cho nghỉ Tết, 1 tuần nay, Lê Thị Huế, sinh viên năm Nhất, Trường ĐH Đại Nam chọn ở lại thành phố để làm thêm tại cửa hàng tiện lợi. Năm đầu tiên sống xa nhà, Huế thấu hiểu hơn những vất vả của bố mẹ khi phải chạy vạy lo cho con tiền ăn học, tàu xe. Vì thế, năm nay Huế quyết định ở lại Hà Nội muộn hơn, xin vào làm vị trí thu ngân.

Công việc trong những ngày này vốn bận do sức mua lớn. Thay vì làm 4 tiếng/ngày, hiện tại, nữ sinh làm tới 8-9 tiếng. Mặc dù tiền lương vẫn được tính 22.000 đồng/giờ làm việc, nhưng vì thời gian làm dài hơn những ngày bình thường nên trung bình, nữ sinh vẫn nhận về khoảng hơn 170.000 đồng/ngày.

Một mình ở lại phòng trọ khi bạn bè đã về hết, Huế cũng cảm thấy buồn và chạnh lòng. Dẫu vậy, nghĩ đến việc có thể kiếm thêm một khoản tiền đỡ đần cha mẹ, nữ sinh lại được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc.

“Em dự định sẽ dùng khoản tiền kiếm được để tự chi trả tiền sinh hoạt sau Tết và tặng bố mẹ một món quà nhỏ vào dịp cuối năm này”, Huế nói.

Vũ Thành khi đang đi làm thêm (Ảnh: NVCC)

Cách đây 2 tuần, Phạm Vũ Thành, sinh viên năm cuối của Học viện Tòa án, được người quen giới thiệu công việc làm nhân viên bán hàng tại một chuỗi cửa hàng bán lẻ.

Mặc dù hiện tại mức lương không thay đổi nhiều, nhưng vào những ngày cận Tết và trong Tết, nhân viên sẽ nhận về mức lương gấp đôi. Vì thế, Thành cố nán lại tới ngày 30 tháng Chạp với hy vọng kiếm được khoản tiền khá để tiêu Tết thay vì phải xin bố mẹ.

Ngoài ra, trong những ngày cận Tết, chuỗi cửa hàng này cũng có thêm nhiều danh mục thi đua thưởng nóng như: Cửa hàng có hóa đơn cao nhất vùng; Cửa hàng có thành tích bán hàng thời vụ Tết cao nhất vùng… để khích lệ tinh thần cho nhân viên. Thành hy vọng mình có thể góp sức để nhận thêm được khoản thưởng nóng này.

Vì đã quen với việc ở lại làm thêm mỗi dịp sát Tết, Thành không cảm thấy buồn hay tủi thân. Nam sinh dự định chiều tối ngày 30 tháng Chạp, sau khi hoàn thành ca làm việc sẽ đi xe máy về quê sum họp cùng gia đình.

Trong khi đó, Nguyễn Hiếu, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, lại lựa chọn ở lại chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm vào những ngày Tết. Nếu như các công việc khác được gấp đôi, thậm chí gấp 3 thu nhập trong dịp này, tiền lương của Hiếu lại phụ thuộc vào số lượng đơn được giao.

Tuy vậy, theo Hiếu trong khoảng thời gian này, các tài xế xe ôm công nghệ là sinh viên đã về quê gần hết nên tần suất các cuốc xe đều hơn, thu nhập vì thế cũng tăng lên.

“Những ngày thường vì bận mải việc học, em chỉ chạy nửa ngày, mấy ngày nay em chạy từ 7h tới 18h, thậm chí muộn hơn. Vì thế, thu nhập cũng tăng lên khoảng 40-50%. Trung bình những ngày giáp Tết, em kiếm được khoảng 400.000 đồng”.

Chọn ở lại làm thêm tới ngày 30, Hiếu cho rằng bản thân đã đủ lớn để tự lập và có trách nhiệm với bố mẹ, gia đình. “Em cảm thấy vui và hạnh phúc với những điều mình làm. Mặc dù mỗi khi chạy ship ngoài đường, nhìn mọi người khăn gói về quê, đôi lúc em cũng muốn bỏ hết để về.

Khi ấy, em thường cố gắng động viên bản thân cần phải cố gắng và có trách nhiệm. Sau khi hoàn thành công việc, em sẽ nhanh chóng về quê ăn Tết cùng gia đình”, Hiếu nói.

Huyền My

1001 chuyện sinh viên làm thêm, nửa đêm giật mình vì sếp gọi giao việc“Giờ hành chính, những giấy tờ em đưa cho sếp ký, sếp không xem mà cầm về nhà. Sau đó, cứ 12h-1h, sếp lại nhắn tin nói chuyện công việc”, nữ sinh chia sẻ nỗi bức xúc khi đi làm thêm.
Share.