Sáng nay (19/4), phiên tòa xét xử vụ sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở huyện Đông Anh tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS.

Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Vimedimex) đã dùng 3 công ty thuộc hệ thống của mình đi đấu giá đất tại Tiêu Dương (Đông Anh, Hà Nội) và dùng các phương thức để “dìm giá” đấu thầu đất, gây thiệt hại 135 tỷ đồng cho Nhà nước. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Loan 30-36 tháng tù treo.

Trước đó, vào tối ngày 17/4 bào chữa cho cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan, luật sư Dương Đình Khuyến, Công ty Luật hợp danh Hoàng Đàm và Toàn cầu đề nghị HĐXX xem xét vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong Hội đồng thẩm định giá đất của UBND TP Hà Nội vì trong các bản kết luận điều tra, truy tố đều có nội dung thể hiện dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 19 BLHS. 

Cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, có nhiều sai phạm trong quá trình bắt giữ, khám xét đối với bị cáo Loan, luật sư đề nghị HĐXX xem xét quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Nguyễn Thị Loan.

Đồng bảo vệ cho bị cáo Nguyễn Thị Loan, một luật sư khác cho rằng, việc xác định giá khởi điểm là nhiệm vụ của các cán bộ, của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc của cơ quan thực hiện việc định giá.

Các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không có trách nhiệm phải biết giá khởi điểm đã đúng giá trị thực tế chưa, họ chỉ tham gia trả giá dựa theo kế hoạch kinh doanh của tổ chức. Và bà Nguyễn Thị Loan không có bất cứ vai trò, vi phạm nào khiến việc xác định giá khởi điểm thấp hơn giá trị thực tế. 

Luật sư viện dẫn quy định tại Điều 38 Luật đấu giá tài sản, Điều 119 Luật đất đai để chứng minh việc Công ty cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì và Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình đều có đủ điều kiện tham gia đấu giá, không thuộc trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá.

Phiên tòa xét xử vụ sai phạm trong đấu giá đất ở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: NP

Hành vi tham gia đấu giá của 3 công ty trên không vi phạm pháp luật. Khi nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, các công ty đã nộp đầy đủ hồ sơ và cũng không hề che giấu việc giữa 3 công ty đó có liên quan đến nhau. Nguyên nhân dẫn đến việc chỉ có 3 công ty tham gia đấu giá là do khách quan, không phải do Bà Nguyễn Thị Loan quyết định.

Đề nghị xem xét hành vi của người liên quan

Quan điểm bào chữa của luật sư cũng cho rằng, căn cứ vào quá trình điều tra, hồ sơ tài liệu có trong vụ án đều xác định hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ sở, ngành, Hội đồng thẩm định giá đất. Những người có chức năng và quyền hạn đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra và một số cán bộ có hành vi thông đồng với phía Công ty thẩm định giá Vvai cố ý làm giảm giá trị quyền sử dụng đất.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét hành vi của một số người liên quan như ông Nguyễn Trọng Đông (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nay là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Lê Tuấn Định (Phó Giám đốc Sở TNMT, nay là Chủ tịch UBND Quận Đống Đa), ông Vũ Xuân Tùng (Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở TN&MT), ông Lê Hồng Sơn (Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá), ông Mai Xuân Vinh (Phó Giám đốc Sở tài chính, Cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của thành phố) và ông Phan Văn Đồng (Phó phòng quản lý giá Sở tài chính Hà Nội), là người được ông Mai Xuân Vinh ủy quyền chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể.

Sáng nay, đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, đại diện VKS khẳng định, việc bắt giữ đối với bị cáo Loan là khẩn cấp, đúng pháp luật.

Theo đại diện VKS, nếu thực hiện đấu giá khách quan, thiệt hại trong vụ án đã không xảy ra. Do các bị cáo cấu kết, thực hiện một chuỗi các hành vi hạ giá khởi điểm, thông đồng dìm giá, gây hậu quả làm sai lệnh giá khởi điểm đưa vào đấu giá, tạo điều kiện cho các công ty tham gia đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Đại diện VKS xác định, động cơ mục đích của nhóm thông đồng dìm giá là trục lợi, thu lời bất chính, phản ánh việc các cá nhân dùng doanh nghiệp tham gia đấu giá mua rẻ đất của Nhà nước. 

Trên thực tế, khu đất bán đấu giá này đã được bán, khách hàng đã đặt cọc. Nếu không có việc khởi tố vụ án thì hành vi phạm tội tiếp tục được thực hiện, hậu quả tiếp tục được diễn ra. Vì vậy, việc truy tố 11 bị cáo trong vụ án về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bị cáo Loan cho rằng, trong hồ sơ có 20 bút lục bị làm giả. Nhưng theo đại diện VKS, những tài liệu này đều có chữ ký của bị cáo Loan, nên không thể nói là giả. 

Về việc hồ sơ vụ án có 20 bút lục có chữ ký của Điều tra Bùi Đức Hiếu mà bị cáo Loan nói là không phải điều tra viên lấy cung, đại diện VKS đã trích dẫn quyết định 603 của CQĐT đã phân công 27 điều tra viên tham gia nhóm điều tra vụ án này và trong đó có tên điều tra viên Bùi Đức Hiếu đứng ở số thứ tự số 9. Do vậy, Điều tra viên Hiếu có tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này.

Được quyền nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Loan mong HĐXX, đưa ra mức án đúng người đúng tội, không oan sai cho người khác. Những người nào vu khống trong vụ án cũng có hình thức rõ ràng.

Các bị cáo khác bày tỏ ân hận, mong được hưởng sự khoan hồng. Riêng bị cáo Trần Công Tuyên, người cho rằng mình bị oan mong HĐXX đánh giá công tâm, khách quan và có mức án phù hợp cho bị cáo để sớm được quay trở lại với công việc và cuộc sống. 

HĐXX cho biết, do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 22/4.


Share.