Với việc quảng bá, xúc tiến rộng khắp hình ảnh, du lịch Việt Nam cũng như những chính sách thông thoáng về thị thực nhập cảnh nên trong tháng 1/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Hàn Quốc vẫn là thị trường khách nguồn lớn nhất của Việt Nam với 417.576 lượt trong tháng 1, tăng 12% so với tháng trước (12/2023) và 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xếp thứ hai là khách Trung Quốc đạt 242.181 lượt, con số này chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với tháng trước đó. Tiếp theo là các thị trường khách Đài Loan (Trung Quốc) 84.213 lượt; Mỹ 75.651 lượt, tăng 29% so với tháng trước. 

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh ngay từ đầu năm mới (Ảnh: NIA)

Đáng lưu ý, khách quốc tế đến từ Australia đạt 62.100 lượt khách, tăng mạnh 67,7% so với tháng 12/2023 và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vươn lên vị trí thứ năm trong top các quốc gia có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất trong tháng đầu năm mới.

Trong khi đó, lượng khách Nhật Bản chỉ 60.630 lượt, đạt 97,3% so với tháng trước. 

Xếp sau đó lần lượt là các thị trường Malaysia (48.504 lượt khách), Ấn Độ (46.136 lượt), Thái Lan (40.535 lượt) và Campuchia (37.279 lượt).

Lượng khách quốc tế đến từ các thị trường xa cũng tăng cao, trong đó tăng ấn tượng là thị trường Nga với 19.614 lượt khách, tăng 41,2% so với tháng trước; Anh 29.374 lượt khách, tăng 37,4%; Pháp 24.123 lượt khách, tăng 18,5%; Đức 22.778 lượt khách, tăng 25%…

Mức tăng cao cũng ghi nhận tại các thị trường Đan Mạch với 74%, Italy 63%, Thụy Điển 56%, Hà Lan 25,4%,…

Trong năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu trên có thể đạt được với việc Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả quốc gia, vùng lãnh thổ với thời hạn tạm trú từ 30 ngày lên đến 90 ngày và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho công dân các nước được miễn thị thực đơn phương từ 15/8/2023.

Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường, đổi mới sản phẩm theo hướng đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn trên thị trường, đồng thời nối lại và mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến các thị trường mục tiêu như châu Âu, Mỹ, Australia và Ấn Độ.

Tới đây, du lịch Việt Nam tập trung vào 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển, du lịch văn hóa, di sản, du lịch sinh thái và du lịch thành phố (du lịch MICE). Bên cạnh đó còn có các sản phẩm bổ trợ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sức khỏe, du lịch mạo hiểm, du lịch golf.

Share.