Sáng nay (29/3), Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I/2024. 

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, kinh tế – xã hội quý I/2024 cả nước đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. 

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực. Ảnh: N.L

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%).

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%. Ngành xây dựng tăng 6,83%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 1,87% của quý I/2023…

Đáng chú ý, trong tháng 3/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 3 tháng đầu năm tăng 3,77% so với cùng kỳ 2023.

Lý do, theo cơ quan thống kê quốc gia, là bởi giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng; giá điện sinh hoạt tăng 9,38% góp phần làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm…

Lạm phát cơ bản tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,77%) chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục,… tác động, nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản. 

Hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng; tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 23,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong ba tháng đầu năm 2024 lên gần 59,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. 

Bình quân một tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. 

Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cơ quan thống kê quốc gia đánh giá, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp. Bình quân một tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.

GDP 2023 ước tăng 5,05%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giớiMức tăng trưởng 5,05% của năm 2023 dù không đạt mục tiêu đề ra nhưng vẫn là một con số tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới.


Share.