Khoảng 0h ngày chủ nhật, 3/12/2023, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai tiếp nhận chị L.H.Y, sinh năm 1996, mang thai lần 1, tuần thứ 40, có dấu hiệu chuyển dạ. Sau hơn 8 giờ vào viện, chị Y. sinh thường bé trai nặng 3,2kg. Một giờ sau, sản phụ xuất hiện tình trạng máu qua âm đạo không đông, số lượng khoảng nửa lít, nhanh chóng rơi vào trạng thái lơ mơ, mạch, huyết áp không đo được. 

Tình trạng sản phụ chuyển biến xấu, được bác sĩ hội chẩn, chỉ định hồi sức tích cực và mổ cấp cứu cắt tử cung bán phần. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tạm ổn định, tiếp tục hồi sức.

Tuy nhiên, hơn 1 giờ sau, bệnh nhân chảy máu trở lại, số lượng rất nhiều, trụy mạch, tim rời rạc, ngừng thở. Do tình trạng bệnh nhân nguy kịch, Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai nhanh chóng “nối sóng từ xa”, liên hệ hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cách Lào Cai hơn 400km.

Qua màn hình điện thoại kết nối trực tuyến Hải Phòng với phòng mổ tại Lào Cai, PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, chỉ đạo khâu cổ tử cung cầm máu.   

Đồng thời, lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai mời đoàn bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương trực tiếp lên đây hội chẩn và tăng cường hỗ trợ máu, các chế phẩm của máu. Kết quả, trong quá trình cấp cứu, hồi sức, sản phụ Y. được truyền 7.250ml máu và các chế phẩm của máu. Sau đó, chị Y. tỉnh táo, tiếp xúc tốt, chỉ số sinh tồn ổn định.

Sức khỏe sản phụ Y. ổn định sau khi được cấp cứu (ảnh trái), các bác sĩ hai viện ở Lào Cai – Hải Phòng tiếp tục hội chẩn trực tuyến, rút bài học kinh nghiệm sau ca bệnh này (ảnh phải). Ảnh: BVCC

Theo các bác sĩ, mọi ca sinh nở đều tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, băng huyết sau sinh là tai biến sản khoa hàng đầu gây tử vong cho nhiều sản phụ. Để xử trí các tai biến sản khoa đòi hỏi chuyên môn của các thầy thuốc vững vàng.

Việc các bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hợp tác, chuyển giao công nghệ, đào tạo cầm tay chỉ việc trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa, cùng với Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỗ trợ cho y tế tuyến dưới như Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai rất có ý nghĩa. 

“Hàng loạt kỹ thuật cao đã được chuyển giao, góp phần nâng cao năng lực trong xử trí cấp cứu và điều trị”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ. Ông được các bác sĩ báo cáo về ca bệnh này tại Lễ Phát động Chiến dịch khám bệnh miễn phí cho 1.000 đồng bào dân tộc do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức vào ngày 13/1.

Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã hỗ trợ từ xa, giúp bác sĩ Sản Nhi Lào Cai cứu sống hoặc “giải cứu” nhiều trường hợp nặng, giúp bệnh nhân không phải mất thời gian chuyển lên tuyến trên, bỏ lỡ thời gian “vàng” điều trị.

GS Thuan.png
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thăm hỏi, tặng 100 suất quà cho bệnh nhân nghèo, sáng 13/1. Ảnh: H.Thủy

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn,  tỷ lệ tử vong mẹ tuy đã giảm nhưng còn có sự cách biệt rất lớn giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi… Năm 2023, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam giảm còn 44/100.000 trẻ đẻ sống, nghĩa là cứ 100.000 ca trẻ sinh ra sống lại có 44 bà mẹ tử vong vì nhiều nguyên nhân. Con số này tại Lào Cai là 58,3/100.000. Tử vong mẹ ở người dân tộc thiểu số cao gấp 7 lần so với người Kinh.

Để tiếp tục thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền, hỗ trợ, đào tạo chuyên môn là điều cần thiết. Theo Thứ trưởng Thuấn, quyết định mới nhất của Bộ Y tế giao Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hỗ trợ 5 tỉnh, trong đó có Lào Cai và Yên Bái. Ngoài hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh ở hai địa phương này, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng như xử trí cấp cứu sản khoa và sơ sinh, phẫu thuật nội soi tại bệnh viện tuyến huyện.

Những hoạt động đó giúp cơ sở y tế các tỉnh miền núi nâng cao năng lực khám chữa bệnh, người dân được tiếp cận kỹ thuật y tế chất lượng cao, góp phần giảm tử vong, tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Hệ sinh thái chuyển đổi số tại Bệnh viện Đại học Y Hà NộiNgoài khám chữa bệnh từ xa bằng nhiều giải pháp tiên phong, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hoàn thành 100% bệnh án điện tử và sổ khám bệnh điện tử; cấp phát thuốc tới giường bệnh, thanh toán thông minh.
Share.