Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng, đồng thời xây dựng lộ trình, đề xuất đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện 2 thành phần này.

Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện (Ảnh: Hoàng Giám)

Trên cơ sở đề xuất về cơ chế và lựa chọn đối tượng khách hàng, công ty điện lực tính toán đối chứng, so sánh việc áp dụng giá bán điện 2 thành phần với việc áp dụng giá bán điện theo biểu giá điện hiện hành.

EVN cũng được yêu cầu nghiên cứu, đánh giá tác động việc thực hiện giá bán lẻ điện bình quân và tác động với các nhóm khách hàng sử dụng điện khi áp dụng cơ chế giá bán điện 2 thành phần; báo cáo tổng kết và đề xuất cơ chế giá bán điện hai thành phần sau giai đoạn tính toán, đối chứng gửi về Bộ Công Thương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Nói rõ hơn về đề xuất này, Cục Điều tiết điện lực của Bộ Công Thương cho biết: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần. Việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế từ việc phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý.

Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất (đ/kWh hoặc đ/kVA) sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được) đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.

“Vì vậy, việc áp dụng giá điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng đem lại lợi ích cho cả khách hàng và đảm bảo thu hồi được chi phí đầu tư của ngành điện. Xuất phát từ quan điểm trên, cơ chế giá điện 2 thành phần được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên”, Cục Điều tiết điện lực nêu quan điểm.

Theo Cục Điều tiết điện lực, hiện nay, các tổng công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng đối với hầu hết các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện tạo tín hiệu phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng sử dụng điện. Theo đó, khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.

Bên cạnh đó, việc áp dụng giá điện theo 2 thành phần kết hợp với quy định giá điện hiện hành sẽ góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn và lưới điện để đáp ứng công suất sử dụng điện trong giờ cao điểm.

Cục Điều tiết điện lực cho biết, hiện tại, việc áp dụng giá điện 2 thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm với tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện. Do đang ở bước tính toán thí điểm thông qua dữ liệu đo đếm từ công tơ điện nên cũng chưa có tác động điều chỉnh được hành vi sử dụng điện trực tiếp tới khách hàng để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện hai thành phần nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng cơ chế giá điện mới để áp dụng khi phù hợp. Ngoài ra, kết quả tính toán cũng sẽ cung cấp thông tin đến khách hàng để có thể cân nhắc, điều chỉnh hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Đưa ra bài toán so sánh giữa một hộ tiêu thụ công suất 1kW trong 1h/ngày (dùng hết 24kWh trong 1 ngày) với 1 hộ dùng 24kW chỉ trong 1h/ngày và 1 ngày cũng tiêu thụ 24kWh, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, chuyên gia năng lượng, đánh giá: Nếu áp dụng giá 1 thành phần như biểu giá của Việt Nam hiện nay thì hai hộ này cùng trả một hóa đơn giống nhau, nhưng thực tế chi phí mà ngành điện phải trả cho 2 hộ này là hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, với trường hợp đầu, ngành điện chỉ đầu tư quy mô 1kW (chi phí cố định) và trả phí vận hành cho 24h (chi phí biến đổi). Còn với hộ 2, ngành điện phải đầu tư quy mô lên tới 24kW và trả phí vận hành trong 1h.

Do đó, hệ thống giá điện 2 thành phần là điều mà hầu hết các nước trên thế giới đang áp dụng. 

Bộ Công Thương yêu cầu EVN xây dựng lộ trình cho cơ chế giá điện mớiBộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng.
Share.