Tham dự diễn đàn sáng nay (26/5) có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu; Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Ngoài ra, diễn đàn còn có sự tham dự của lãnh đạo MTTQ, một số ban Đảng, Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo một số địa phương, một số DN… và đông đảo các công đoàn viên đến từ nhiều doanh nghiệp trong cả nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”
dien dan.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại diễn đàn. 

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu, truyền thông điệp về nâng cao năng suất lao động đối với người lao động cũng như doanh nghiệp cả nước.

dien dan 2.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, nhân dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024), Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”.

Diễn đàn là cơ hội để các cán bộ công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động phát huy vai trò và trách nhiệm trong đề xuất, kiến nghị, hiến kế các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.

Đây cũng là dịp để cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm nghẽn của năng suất lao động và đề xuất, kiến nghị các giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy vai trò của người lao động trong nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong nhận được sự chia sẻ, đánh giá từ người đứng đầu Chính phủ. Ông cũng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào các giải pháp khả thi để nâng cao năng suất lao động quốc gia.

Trong phần trình bày tham luận, chị Phùng Thị Hạnh, công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội – Tổng Công ty May 10 chia sẻ suy nghĩ về việc học tập nâng cao trình độ của người lao động.

Nhớ lại thời điểm năm 2010, chị Hạnh cho biết, khi tròn 18 tuổi bước chân vào May 10, chị rất vui nhưng cũng rất lo lắng và bỡ ngỡ.

“Là công nhân mới, chưa từng qua trường lớp đào tạo, tôi rất ngưỡng mộ các cô chú anh chị đi trước. Tôi tự nhủ, nhất định sẽ phải làm được như thế và hơn thế. Tôi ý thức mình cần phải quan sát và học hỏi mỗi ngày, lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ: Làm thế nào để tăng năng suất, nâng cao tay nghề”, chị Hạnh cho biết.

Từ những ngày đầu được 200-300 sản phẩm/ngày, sau 5 tháng chị Hạnh đã may được 700-800 sản phẩm/ngày.

“Nhưng với tôi, như vậy vẫn chưa đủ. Tôi luôn cảm thấy có thể làm được nhiều hơn thế. Vậy nên, tôi đã học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. Hơn 1 năm sau, tôi đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn”, chị nói.

Đến nay chị Hạnh luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của Xí nghiệp, nhiều năm liền đạt Lao động giỏi, Đoàn viên công đoàn xuất sắc, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Công nhân tiêu biểu.

Chị Hạnh cũng chủ động chia sẻ, hướng dẫn và lan tỏa những cách làm hay đúc rút được cho bạn bè đồng nghiệp.

Tại diễn đàn, chị Hạnh nêu một số ý kiến đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành. Cụ thể là Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ công tác đào tạo cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động mới.

“Từ thực tế hoạt động tại May 10, người lao động chúng tôi thấy rằng, doanh nghiệp có trường mầm non, có trung tâm y tế, có trường cao đẳng nghề May 10 sẽ giúp cho người lao động có đủ điều kiện để phát triển bản thân, yên tâm công tác góp phần tăng năng suất lao động.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách để nhân rộng mô hình này cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ”, chị Hạnh kiến nghị.

Đang cập nhật…


Share.