Kết nối với chúng tôi

Thế giới

Mỹ huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine từ tháng 10

Được phát hành

on

Lầu Năm Góc thông báo các phi công Ukraine sẽ học bay trên tiêm kích F-16 tại căn cứ ở Arizona từ tháng 10, sau khóa học tiếng Anh.

“Chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về số lượng nhân sự Ukraine sẽ tham gia khóa huấn luyện tại thời điểm này, song dự đoán sẽ có một số phi công và hàng chục nhân viên bảo trì”, chuẩn tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong cuộc họp báo ngày 24/8.

Theo tướng Ryder, các phi công Ukraine sẽ tham gia khóa học tiếng Anh vào tháng 9 tại căn cứ không quân Lackland ở San Antonio, bang Texas. Khóa học tiếng Anh được nhận định rất quan trọng với các phi công Ukraine, do toàn bộ sách hướng dẫn và học cụ đều dùng ngôn ngữ này.

Sau khi kết thúc khóa học tiếng Anh, phi công Ukraine sẽ chuyển sang căn cứ không quân Morris của Vệ binh Quốc gia Mỹ ở bang Arizona để tập điều khiển tiêm kích F-16 từ tháng 10, với sự hỗ trợ của không đoàn số 162 Vệ binh Quốc gia Mỹ.

Không đoàn số 162 có nhiệm vụ huấn luyện phi công vận hành tiêm kích F-16 cho các đối tác quốc tế của Mỹ. Đơn vị này từng đào tạo phi công F-16 cho 25 quốc gia.

Tướng Ryder nói khóa đào tạo của Mỹ sẽ bổ sung cho hoạt động huấn luyện phi công F-16 và kỹ thuật viên cho Ukraine mà các quốc gia châu Âu đang triển khai. Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Đan Mạch và Hà Lan, hai quốc gia dẫn đầu liên minh đào tạo phi công F-16 cho Ukraine.

Một quan chức Mỹ cho biết Ukraine đã chuyển danh sách 32 phi công sẵn sàng tham gia chương trình huấn luyện vận hành F-16. Tuy nhiên, phần lớn họ không đạt trình độ tiếng Anh để lập tức tham gia chương trình. Theo một quan chức khác, các phi công cùng một số nhân viên bảo trì F-16 có thể đến Mỹ vào tháng 9.

Chưa rõ các phi công Ukraine, những người từng điều khiển tiêm kích MiG và Sukhoi từ thời Liên Xô, sẽ mất bao lâu để vận hành thành thạo tiêm kích hiện đại hơn của phương Tây, trong đó có mẫu F-16 do Mỹ chế tạo.

Ukraine từ lâu kêu gọi phương Tây cung cấp tiêm kích đời mới, trong đó có F-16, để đối phó với không quân Nga. Phát ngôn viên không quân Ukraine khẳng định F-16 có thể thay đổi cục diện chiến trường và cho phép họ giành ưu thế trên không tại những nơi Nga đang kiểm soát.

Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng hạ tầng tại Ukraine không đủ điều kiện để vận hành F-16, cũng như mẫu tiêm kích này khó mang lại ưu thế nổi bật hoặc thay đổi đáng kể cục diện chiến sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/6 cảnh báo F-16 sẽ cháy rụi tại Ukraine. Trước thông tin Ukraine có thể bố trí F-16 tại nước ngoài để tránh đòn tập kích, ông Putin nói Nga sẽ xem xét phương án tiêu diệt chúng và cảnh báo “Ukraine đặt F-16 ngoài lãnh thổ có thể dẫn tới nguy cơ kéo NATO vào xung đột”.

Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế – chính trị và các yếu tố khác.

F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.

Biên chế tiêm kích F-16 là sự nâng cấp đáng kể cho không quân Ukraine, vốn đang sử dụng chiến đấu cơ từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, những chiếc F-16 mà Ukraine có thể nhận được sẽ không phải phiên bản hiện đại nhất, với radar cùng tên lửa thua kém so với tiêm kích và các tổ hợp tên lửa phòng không Nga.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Thế giới

Ông Putin sắp công du nước ngoài sau lệnh bắt của ICC

Được phát hành

on

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Kyrgyzstan tuần tới, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông từ khi ICC phát lệnh bắt.

“Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Kyrgyzstan vào ngày 12/10”, Muratbek Azymbakiev, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, hôm nay cho biết.

Azymbakiev cho hay chuyến thăm của ông Putin diễn ra theo lời mời của Tổng thống Japarov. Ông nói rằng hai lãnh đạo sẽ thảo luận về quan hệ song phương và đa phương, cũng như “triển vọng phát triển hơn nữa hợp tác cùng có lợi”.

Truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Putin và Tổng thống Japarov sẽ thăm căn cứ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) của Nga ở thành phố Kant, phía đông thủ đô Bishkek, nhân dịp kỷ niệm 20 năm mở cơ sở này. Nga và Kyrgyzstan đều là thành viên của CSTO.

Ông Putin hiếm khi công du nước ngoài kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát. Chuyến đi gần nhất của ông diễn ra tháng 12 năm ngoái, khi ông đến Kyrgyzstan và nước láng giềng Belarus.

Ông Putin cũng không rời Nga từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hồi tháng 3 phát lệnh bắt ông với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga. Theo lệnh này, 123 nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga và chuyển đến Hà Lan để xét xử nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.

Kyrgyzstan chưa phê chuẩn Quy chế Rome, văn kiện buộc các nước thành viên phải chấp hành các lệnh bắt do ICC ban hành.

Moskva gọi lệnh bắt của ICC là vô nghĩa. Nga từng tham gia ICC nhưng đã rút lui và không công nhận cơ quan này. Ông Putin mô tả các cáo buộc do ICC đưa ra là “sự thổi phồng” và Moskva sẵn sàng đưa các em về với người thân ở Ukraine.

Ông Putin hồi tháng 8 không tới Nam Phi dự hội nghị thượng đỉnh BRICS sau khi nước chủ nhà khó xử với lệnh bắt của ICC. Ông cũng vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Ấn Độ đầu tháng 9.

Huyền Lê (Theo AFP, AKI Press)


Tiếp tục đọc

Thế giới

Tiểu thư Mỹ cứu hàng nghìn người trong Thế chiến II

Được phát hành

on

Dù có thể chọn cuộc sống vô lo trong nhung lụa, Mary Jayne Gold lại quyết định cứu giúp hàng nghìn người khỏi bàn tay phát xít Đức, bất chấp nguy hiểm.

Đối với nhiều người, Mary Jayne Gold dường như có tất cả mọi thứ. Xinh đẹp, và giàu sang, bà hoàn toàn có thể sống theo cách mình muốn. Nhưng trong Thế chiến II, Gold đã chọn tự đặt bản thân vào rủi ro, hợp tác với nhà báo Mỹ Varian Fry để cứu hàng nghìn người gặp nguy hiểm, trong đó có nhiều trí thức và người gốc Do Thái.

Sinh ngày 12/8/1909 tại Chicago, Illinois, Mary Jayne Gold đã sống những năm tháng tuổi trẻ trong nhung lụa. Bà là cháu gái của một doanh nhân đã tạo dựng được gia sản khổng lồ nhờ phát minh ra bộ tản nhiệt bằng gang đầu tiên.

Gold lớn lên trong một gia đình với người mẹ luôn lo âu, người cha nghiêm khắc và anh trai ưa mạo hiểm. Gold cũng có tính cách giống anh mình.

Tài sản gia đình đã giúp Gold vẫn có cuộc sống thoải mái trong thời kỳ kinh tế khó khăn Đại suy thoái. Thời điểm thị trường sụp đổ năm 1929, bà đang học tại Italy. Sau đó, những năm 1930, bà chuyển đến thủ đô Paris, Pháp.

Tại đây, Gold tiếp tục tận hưởng cuộc sống xa xỉ. Bà mua một căn hộ lớn cùng một chiếc máy bay hạng nhẹ Percival Vega Gull và tự lái nó vòng quanh châu Âu, nghỉ tại những khách sạn và khu trượt tuyết sang trọng.

Nhưng vào tháng 9/1939, mọi thứ thay đổi khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan. Những ngày đen tối của Thế chiến II bắt đầu. “Mọi thứ giống như ngày tận thế”, Gold kể lại trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau. “Tuy nhiên, có một phần nào đó trong tôi tin rằng ‘chúng ta sẽ đánh bại họ'”.

Ban đầu, Mary Jayne Gold chỉ đóng vai trò tương đối thụ động. Ngoài việc tặng chiếc máy bay của mình cho quân đội Pháp, Gold, giống như những người khác ở Paris, lo lắng chờ đợi khi chiến tranh ngày càng đến gần.

Khi Đức Quốc xã sắp tràn vào Paris tháng 5/1940, Gold quyết định rời thủ đô Pháp để đến thành phố cảng Marseille ở miền nam đất nước, nơi bà có thể bắt tàu về nhà. Nhưng Gold đã có cuộc gặp gỡ định mệnh trong hành trình khiến bà thay đổi quyết định. Trên đường đến Marseille, bà gặp Miriam Davenport, nữ họa sĩ Mỹ sống ở Pháp.

Tới Marseille, Davenport quyết định ở lại để giúp những người tị nạn trốn khỏi Pháp. Gold cũng muốn giúp đỡ người bạn đồng hành mới. Không lâu sau, họ gặp Varian Fry, một biên tập viên và nhà báo có cùng ý tưởng.

Fry đã theo dõi những diễn biến ở châu Âu trong thời gian dài. Ông đã sớm nghe thấy những lời bàn tán từ các quan chức Đức Quốc xã về kế hoạch tiêu diệt người Do Thái và từng viết bài về một cuộc bạo loạn bài Do Thái mà ông chứng kiến khi ở Berlin.

Fry đã cùng 200 người Mỹ khác thành lập tổ chức Ủy ban Cứu hộ Khẩn cấp (ERC) sau khi Paris thất thủ năm 1940 nhằm giúp đỡ những người tị nạn thời chiến. Tổ chức này nhận được sự ủng hộ từ đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt, dù lúc đó Mỹ vẫn giữ thế trung lập. Fry đến Marseille vào tháng 8/1940 với 3.000 USD và danh sách 200 người tị nạn.

Số người cần cứu giúp lớn hơn thế rất nhiều. Davenport đến gặp Fry với một danh sách của riêng bà và Fry nhanh chóng mời bà làm việc cho ERC. Fry mến Davenport nhưng ban đầu không thích Gold, người mà ông coi là một “tiểu thư giàu có ăn chơi”.

Gold cũng không ưa Fry nhưng bà vẫn cố gắng lấy lòng ông. Cuối cùng, Fry miễn cưỡng chấp nhận hảo ý của bà. Gold nhanh chóng chứng tỏ bản thân không phải là một cô gái giàu có rỗng tuếch.

Bà đã nhiệt tình cống hiến cho ERC, tặng tổ chức 3.000 USD (khoảng 60.000 USD theo tỷ giá ngày nay) để tiến hành sơ tán người tị nạn. Gold và Davenport cũng phỏng vấn những người đang cố gắng chạy trốn khỏi đất nước để xác định xem ai gặp nguy hiểm nhất.

Gold từng rút lui khỏi ERC theo đề nghị của bạn trai, một tay xã hội đen tên Raymond Couraud. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra Couraud đã đánh cắp những viên kim cương của mình, Gold bỏ người yêu và sẵn sàng cống hiến hết mình cho ERC. Gold đã chuẩn bị cho nhiệm vụ nguy hiểm nhất của mình.

Fry yêu cầu Gold sử dụng “mỹ nhân kế” để giúp giải thoát 4 người Đức bị giam tại trại tập trung Le Vernet. Dù lo lắng, Gold vẫn chấp nhận nhiệm vụ. Bà đến gặp chỉ huy trại người Pháp, kẻ vốn nổi tiếng là lăng nhăng.

Chỉ huy trại tập trung đồng ý thả tù nhân nếu Gold ăn tối cùng ông ta. Bà chấp thuận, nhưng ông ta sau đó buộc phải hủy hẹn vào phút chót vì vướng lịch với Gestapo, lực lượng mật vụ của phát xít Đức. Ông ta cảm thấy xấu hổ vì lỡ hẹn với phụ nữ nên đã đồng ý thả tù nhân mà không hỏi một câu nào.

Lòng dũng cảm và tinh thần sẵn sàng dấn thân của Gold đã khiến Fry thay đổi suy nghĩ về bà. “Thật khó tìm được người nào khác có thể thay thế Mary Jayne”, ông nói. “Gold đã cho chúng tôi hàng nghìn USD và quan tâm đến công việc hơn bất kỳ ai khác”.

Chính phủ Vichy (chính phủ Pháp hợp tác với phát xít) đã theo dõi các hoạt động của Fry và bắt ông vào mùa thu năm 1941, buộc ông phải trở về Mỹ. Gold sau đó cũng bị buộc phải hồi hương.

Mary Jayne Gold coi thời gian ở Marseille là đỉnh cao cuộc đời bà. Khi Gold qua đời vào năm 1997, một người bạn đã viết rằng bà “cảm thấy chỉ một năm trong cuộc đời thực sự quan trọng và đó là năm bà sống ở Marseille. Bà là một người rất sắc sảo, người phụ nữ có trái tim đứng về chính nghĩa và biết được điều gì cần phải làm ở thời điểm bước ngoặt quan trọng trong lịch sử”.

Tiền của Gold đã giúp ích đáng kể cho sứ mệnh Fry thực hiện. Cả hai đã giúp khoảng 1.500-2.000 người trốn khỏi Pháp, đồng thời hỗ trợ thêm khoảng 2.000 người theo những cách khác. Trong số những người trốn thoát có nhà điêu khắc Jacques Lipchitz, nghệ sĩ Marc Chagall, nhà văn Hannah Arendt và nhà hóa sinh đoạt giải Nobel Otto Meyerhof.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, cả hai đều sống bình lặng. Gold trở lại Pháp và trải qua những ngày cuối đời ở French Riviera.

Trong một bức thư gần như cuối cùng mà Gold viết cho Fry, bà nói rằng hai người đã “có chung những giờ phút tuyệt vời nhất cuộc đời”.

Vũ Hoàng (Theo ATI, History Net, Biography)


Tiếp tục đọc

Thế giới

Hơn 100.000 người Armenia rời bỏ Nagorno-Karabakh

Được phát hành

on

Armenia cho biết hơn 100.000 người, chiếm 80% dân số Nagorno-Karabakh, đã rời quê hương đến nước này tị nạn sau khi Azjerbaijan kiểm soát khu vực.

Nazeli Baghdasaryan, người phát ngôn của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, ngày 30/9 cho biết 100.417 trong tổng số 120.000 dân ở Nagorno-Karabakh đã chạy sang nước này tị nạn trong tuần qua, sau khi quân đội Azerbaijan mở chiến dịch “chống khủng bố” buộc chính quyền ly khai ở đây đầu hàng.

Artak Beglaryan, cựu quan chức chính quyền ly khai ở Nagorno-Karabakh, cho biết “những nhóm cuối cùng” trong làn sóng tị nạn đang trên đường sang Armenia.

Ông nói chỉ còn vài trăm người gốc Armenia ở lại khu vực này, chủ yếu là cựu quan chức địa phương, nhân viên các cơ quan ứng phó khẩn cấp, tình nguyện viên và các trường hợp có nhu cầu đặc biệt.

Chính phủ Armenia cáo buộc Azerbaijan đang tiến hành chiến dịch “thanh lọc sắc tộc” ở Nagorno-Karabakh để loại bỏ cộng đồng gốc Armenia. Nước này đã đề nghị Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) can thiệp, đảm bảo Azerbaijan không cưỡng ép người thuộc sắc tộc Armenia rời khỏi khu vực hoặc ngăn cản người tị nạn “trở về an toàn và nhanh chóng” trong tương lai.

Trong khi đó, Azerbaijan bác bỏ mọi cáo buộc. Baku còn kêu gọi người gốc Armenia ở lại Nagorno-Karabakh, tham gia vào quá trình “hòa hợp” một khi hoàn tất đàm phán với các thủ lĩnh phe ly khai. Một số cựu thành viên cấp cao trong chính quyền và lực lượng dân quân ly khai đã bị bắt trong tuần qua, trong đó có cựu lãnh đạo cơ quan đối ngoại David Babayan.

Liên Hợp Quốc trong cuối tuần này sẽ cử một phái bộ đến Nagorno-Karabakh để đánh giá nhu cầu hỗ trợ nhân đạo. Đây cũng là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc được tạo điều kiện tiếp cận khu vực này trong ba thập kỷ qua.

Ngày 19/9, quân đội Azerbaijan bất ngờ mở chiến dịch “chống khủng bố”, tấn công phe ly khai ở Nagorno-Karabakh và nhanh chóng chiếm được các vị trí chiến lược. Một ngày sau, phe ly khai chấp nhận buông vũ khí, giải tán lực lượng, đàm phán tái hòa nhập khu vực này vào Azerbaijan.

Nagorno-Karabakh được cộng đồng quốc công nhận là một phần lãnh thổ thuộc Azerbaijan, nhưng khu vực này có phần đông dân số là người gốc Armenia. Nhiều người dân Armenia hiện xem Nagorno-Karabakh là “đất tổ” và gọi tên nó là Artsakh.

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh thành lập phong trào tự trị từ năm 1991, dẫn đến mâu thuẫn bùng nổ với Armenia thành xung đột. Trong ba thập kỷ qua, khu vực đã trở thành điểm nóng dai dẳng giữa Azerbaijan và Armenia, quốc gia hậu thuẫn phe ly khai ở Nagorno-Karabakh.

Sau chiến dịch quân sự của Azerbaijan, chính quyền ly khai Nagorno-Karabakh tuyên bố sẽ giải tán mọi cơ quan và chấm dứt sự tồn tại từ ngày 1/1/2024.

Thanh Danh (Theo AFP)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng