Kết nối với chúng tôi

Số hóa

Apple chi hàng triệu USD mỗi ngày cho AI

Được phát hành

on

Apple được cho là đang kỳ vọng mô hình ngôn ngữ Ajax GPT của họ sẽ phát triển mạnh hơn ChatGPT.

Theo The Information, Apple đang đầu tư cho nhiều mô hình trí tuệ nhân tạo khác nhau với chi phí hàng triệu USD mỗi ngày.

Trong đó, nhóm phát triển AI đàm thoại có tên Foundational Model có khoảng 16 thành viên, gồm một số cựu kỹ sư AI của Google. Trưởng nhóm đồng thời là người đứng đầu bộ phận AI của Apple là John Giannandrea bắt đầu làm việc cho công ty từ 2018 với mục tiêu cải thiện Siri.

Cùng nghiên cứu về AI nhưng các nhóm phụ trách vấn đề khác nhau. Ví dụ, nhóm Visual Intelligence phát triển AI tạo hình ảnh, còn một nhóm khác nghiên cứu “AI đa phương thức, có thể nhận dạng và tạo hình ảnh hoặc video cũng như văn bản”.

Apple cũng phát triển chatbot nhưng theo hướng phục vụ tương tác với những khách hàng sử dụng Apple Care. Ngoài ra, hãng cũng đưa AI vào việc hỗ trợ tự động hóa các tác vụ nhiều bước với Siri dễ dàng hơn.

Những người tham gia quá trình phát triển nói mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mà Apple đang phát triển có tên gọi nội bộ là Ajax GPT. AI này được đào tạo “hơn 200 tỷ tham số” và mạnh hơn GPT-3.5 của OpenAI. Tuy nhiên, theo Bloomberg, mô hình AI này ban đầu được tạo ra để sử dụng nội bộ và vẫn khá hạn chế xuất hiện trong các công việc của công ty.

Apple đã tích hợp AI vào một số sản phẩm, chẳng hạn tính năng phát hiện té ngã trên Apple Watch. Tuy nhiên, hãng có thể không vội tung ra mô hình AI tạo sinh vì chúng cần kiểm tra kỹ về độ an toàn trước khi có thể triển khai cho người dùng cuối. Nhà phân tích độc lập Michael Gartenberg đánh giá Apple có thể bị tụt lại phía sau trên mặt trận AI vì cách tiếp cận thận trọng của mình. Ông lấy ví dụ Siri hiện ít tính năng, kém tiên tiến hơn nhiều so với các công cụ AI thế hệ mới nhất.


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Số hóa

Galaxy S24 lộ thiết kế

Được phát hành

on

Hai mẫu Galaxy S24 và S24+ được cho là có khung dạng phẳng giống iPhone, trong khi bản Ultra giữ nguyên thiết kế như thế hệ trước.

Thông tin trên được cả OnLeaksIce Universe, hai chuyên gia từng cung cấp nhiều hình ảnh, dữ liệu chính xác về các sản phẩm chưa ra mắt, xác nhận.

Hai phiên bản thường vẫn có ba camera tách rời nhau như trước. Điểm khác biệt là đèn flash được bố trí giữa ống kính thứ nhất và thứ hai, thay vì cạnh camera đầu tiên như trên S23.

Các nút bấm giữ nguyên vị trí, nhưng có thêm ăng-ten UWB hoặc 5G mmWave giống iPhone phiên bản Mỹ. Galaxy S24 vẫn dùng màn hình 6,1 inch nhưng sẽ ngắn và rộng hơn Galaxy S23. Thông số kích thước là 147 x 70,5 x 7,6 mm so với 146,3 x 70,9 x 7,6 mm của S23. Điều này tương tự trên bản S24+ với màn hình 6,7 inch và kích cỡ 158,5 x 75,9 x 7,75 mm.

Trong khi đó, S24 Ultra gần như không thay đổi về thiết kế với đỉnh và đế máy được làm phẳng còn khung sườn hai bên bo cong nhẹ. Điểm nâng cấp nằm ở viền bezel màn hình được làm mỏng hơn, viền trên và dưới màn hình sẽ bằng nhau.

Ngoài ra, Samsung được cho là sẽ bổ sung hợp kim titan trong cấu trúc khung sườn của S24 Ultra giúp máy nhẹ hơn. Galaxy S24 Ultra sẽ có kích thước 162,3 x 79 x 8,7mm.

Thế hệ Galaxy S24 với ba phiên bản dự kiến ra mắt vào tháng 1 năm tới, sớm hơn mọi năm cùng với nhẫn thông minh Galaxy Ring trong sự kiện Unpacked 2024.


Tiếp tục đọc

Số hóa

Thủ thuật ‘đánh kính’ lừa người mua điện thoại cũ

Được phát hành

on

Sau khi được can thiệp bằng công cụ chuyên dụng, smartphone cũ với hàng loạt vết xước màn hình trở nên sáng bóng và được bán với giá cao.

Đầu tháng 8, Văn Dương (Hà Nội) mua một chiếc iPhone 12 Pro tại cửa hàng chuyên kinh doanh điện thoại cũ. Người bán cho biết máy không trầy xước, các chức năng hoạt động tốt và chưa can thiệp phần cứng. Sau khi kiểm tra, Dương đồng ý với mức giá 13,3 triệu đồng kèm bảo hành 6 tháng.

Tuy nhiên, cuối tháng 9, khi mang máy tới cửa hàng gần nhà để thay tấm cường lực bị nứt do vô tình đánh rơi, thợ sửa chữa cho biết iPhone của anh có dấu hiệu bị “đánh kính”. Đây là thủ thuật dùng hóa chất dạng bột và máy chuyên dụng để mài màn hình, giúp loại bỏ vết xước, khiến mặt kính đẹp hơn nhưng trở nên mỏng và yếu đi. Vì vậy, thợ khuyên anh sử dụng thận trọng, tránh làm rơi hoặc chèn ép máy.

Liên hệ với bên bán, Dương được đề nghị đổi máy mới. “Họ nói không biết máy bị đánh kính và cho rằng chủ cũ của điện thoại đã làm việc này trước khi bán lại cho cửa hàng”, anh cho biết.

Chiêu 'đánh kính' màn hình lừa người mua điện thoại cũ

Quá trình mài kính, loại bỏ vết xước trên màn hình bằng máy chuyên dụng. Video: Rewa Technology

Theo ông Đoàn Văn Cường, chủ cửa hàng sửa điện thoại tại Thanh Xuân (Hà Nội), tình trạng đánh kính không chỉ trên iPhone mà còn ở nhiều dòng Android cũ. Dù không ảnh hưởng tới khả năng hiển thị, thủ thuật này khiến màn hình trở nên kém bền. Nhiều trường hợp, điện thoại đã dán kính cường lực, sử dụng thêm ốp lưng bảo vệ, nhưng vẫn dễ hỏng màn hình sau các va chạm không quá mạnh.

Ông Cường cho biết chiêu đánh kính đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm. Trước đây, thợ phải thao tác thủ công nên màn hình thường mỏng ở giữa và dày hơn ở viền ngoài, dễ bị người mua phát hiện. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm trở lại đây, sau khi chuyển sang mài bằng máy chuyên dụng, việc phân biệt màn hình nguyên bản và loại đã can thiệp trở nên khó khăn hơn.

Còn theo ông Mai Tùng, đại diện hệ thống Hoàng Kiên Mobile, chỉ cần bỏ thêm 200.000-300.000 đồng, bên bán có thể làm mới mặt kính và nâng giá điện thoại cũ lên hàng triệu đồng. Ngoài ra, một số cửa hàng áp dụng kỹ thuật tương tự để xóa vết cấn, móp ở mặt lưng và cạnh bên của điện thoại, từ đó giúp thiết bị trông mới hơn và bán giá cao cho người tiêu dùng.

Việc đánh kính cũng làm tăng nguy cơ hỏng linh kiện phần cứng quan trọng của điện thoại. “Thợ phải xả nước lên màn hình khi tiến hành mài kính, có thể gây rò rỉ vào bên trong”, ông nói. Nhiều máy sau can thiệp bị mất tính năng Face ID do cảm biến bị ngấm nước.

Theo ông Tùng, để tránh mua phải smartphone đánh kính, người dùng có thể kiểm tra bằng phương pháp dán kính cường lực. “Máy sau khi mài thường khó tiếp nhận kính cường lực. Thợ phải miết mạnh màn hình bằng một tấm thẻ cứng để loại bỏ các bóng khí nằm giữa hai lớp kính”, ông nói.

Bên cạnh đó, khi soi dưới ánh đèn điện, màn hình điện thoại loại này cũng cho ảnh phản chiếu méo mó, gợn sóng, do độ dày bề mặt kính không đều.

Hoàng Giang


Tiếp tục đọc

Số hóa

Hacker tẩu tán tiền từ vụ trộm 500 triệu USD của FTX

Được phát hành

on

Trong vòng 48 giờ qua, khoảng 22.500 ETH (38 triệu USD) trong số 50.000 ETH bị đánh cắp khi FTX phá sản, bắt đầu được tẩu tán.

Giữa tháng 11/2022, sau khi sàn tiền số FTX nộp đơn xin phá sản, nhiều “giao dịch trái phép” với khoảng 50.000 ETH đã được thực hiện, gây thiệt hại ít nhất 500 triệu USD. “FTX đã bị hack. Tất cả tiền dường như đã hết sạch”, một quản trị viên kênh Telegram chính thức của FTX viết khi đó.

Sau gần một năm im ắng, đến 30/9, dữ liệu từ Lookonchain cho thấy địa chỉ ví 0x3e9, được dán nhãn là của hacker trong vụ đánh cắp trên, bắt đầu hành động. Trong vòng 3 giờ đầu, chủ ví đã chuyển 5.000 ETH, tương đương 8,37 triệu USD, đến 13 địa chỉ khác nhau. Sau đó, nhiều giao dịch khác tiếp tục được thực hiện.

Trong vòng 24 giờ, tổng cộng 10.250 ETH (17,1 triệu USD) được chuyển sang cầu nối Thorchain và hợp đồng Railgun. Từ đây, 2.500 ETH tiếp tục được hoán đổi thành 153,4 Bitcoin. Số Bitcoin tiếp tục được chia nhỏ và chuyển đến 5 địa chỉ ví. Các địa chỉ này bắt đầu hoạt động tích cực sau gần một năm im ắng.

Đến trưa 2/10, địa chỉ 0x3e9 đã chuyển tổng cộng 22.500 ETH. CoinTelegraph đánh giá, có thể chủ nhân tài khoản này đã tính toán kỹ lưỡng khi phân bổ khoản tiền qua nhiều giao dịch và lựa chọn cầu nối như Thorchain để tẩu tán số tiền lấy được.

Giới phân tích nhận định hacker sẽ còn tiếp tục tẩu tán số ETH còn lại thông qua cầu nối Thorchain. Nếu tất cả 50.000 ETH bị bán ra cùng lúc, thị trường sẽ biến động mạnh.

CoinTelegraph dẫn lời các chuyên gia cho biết có nhiều điểm đáng ngờ về danh tính của người đứng sau. Một số nghi ngờ chính nhân viên hoặc tổ chức liên quan đến FTX thực hiện vụ tấn công.

Khi đó, nhiều người đã gửi một khoản ETH nhỏ đến địa chỉ của hacker kèm lời nhắn xin lại tiền vì họ là nạn nhân khi FTX sụp đổ. Tuy nhiên, gần một năm qua, địa chỉ ví được dán nhãn là của hacker không có bất kỳ hoạt động gì. Chính quyền Bahamas từng tuyên bố sẽ điều tra danh tính của người đứng sau vụ hack, nhưng đến nay không có thông tin nào được công bố.

Việc chuyển tiền diễn khi cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried sắp bị đưa ra xét xử vào ngày 3/10. Từ 30/9, Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi thư yêu cầu các khách hàng, nhà đầu tư và nhân viên cũ của FTX ra làm chứng trước tòa.

Sam Bankman-Fried, sinh năm 1992, từng được xem là thần đồng của thị trường tiền mã hóa. Tên tuổi của người này gắn với các dự án đình đám như BlockFi, Voyager Digital và Celsius. Năm 2019, Bankman-Fried thành lập FTX, từng đưa sàn trở thành nền tảng giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, ngày 11/11/2022, FTX tuyên bố phá sản. Sau đó nhiều thông tin liên quan đến lỗ hổng quản lý của Sam Bankman-Fried đã được phơi bày.

Cuối tháng 3, người dùng trên khắp thế giới nhận được email thông báo FTX sẽ hoàn tiền theo đúng số dư của họ khi sàn phá sản. Khoản tiền đền bù sẽ được lấy từ việc thu hồi các khoản nợ trước đó của sàn. Tuy nhiên hiện người dùng vẫn chưa được hoàn tiền do việc thu hồi nợ của FTX phải trải qua nhiều đợt xét xử của tòa án.

Khương Nha (theo Cointelegraph)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng