Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và toàn diện, việc cộng đồng thế giới hiểu về đất nước, văn hóa, con người và chủ trương, chính sách tiến bộ của Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Do vậy, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã xác định ngoại giao văn hóa là một trụ cột quan trọng của công tác đối ngoại thực hiện nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thời gian qua, ngoại giao văn hóa được triển khai bài bản, rộng khắp, đông đảo về lực lượng, đa dạng về thành phần và phong phú về nội dung. Điểm nổi bật nhất là ngoại giao văn hóa ở cấp cao, trong đó đặc biệt do 4 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội chủ trì và thực hiện.

Các hoạt động này đã tạo nên những đột phá, gia tăng tin cậy chính trị giữa ta với các đối tác. Hoạt động do các bộ ngành thực hiện như Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… đã có nhiều đổi mới, đóng vai trò chủ đạo, tôn vinh trí tuệ, phẩm chất, cốt cách, lý tưởng cao đẹp của con người Việt Nam; nâng tầm và làm lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động do địa phương, doanh nghiệp và người dân thực hiện, đặc biệt là những hoạt động có nội hàm văn hóa, là nền tảng cho gần 9000 sự kiện lễ hội hàng năm và hợp tác ngoại vụ của địa phương, cũng như đối ngoại nhân dân.

Ngoại giao văn hóa thực sự là vũ khí tâm công sắc bén, đã góp phần hoàn thành mục tiêu đối ngoại, đồng thời khiến các đối tác cảm phục khí phách, cốt cách của dân tộc ta. Từ đó, các đối tác tôn trọng, chia sẻ và ủng hộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.

Share.