Kết nối với chúng tôi

Pháp luật

Vì sao Việt Á bị cáo buộc thu lợi bất chính hơn nghìn tỷ đồng?

Được phát hành

on

Trong hai năm Covid-19, Việt Á bị cáo buộc đã tìm cách để độc quyền tiêu thụ hơn 8,3 triệu kit test tại 61 tỉnh thành trên cả nước, thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộVi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, trong vụ đại án liên quan Việt Á mà Bộ Công an chủ công, C03 đề nghị truy tố 38 người, sau gần hai năm điều tra. Cảnh sát cáo buộc suốt quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh kit test, Việt đã tổ chức đưa hối lộ 6 quan chức, tổng cộng hơn 82 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2007 tại TP HCM, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó vợ chồng Phan Quốc Việt chiếm hơn 70%. Ngành nghề kinh doanh chính của Việt Á là buôn bán máy móc, phụ tùng, sản xuất hóa chất cơ bản.

Cơ quan điều tra cáo buộc, để phục vụ hoạt động kinh doanh, Việt mở và điều hành 15 công ty và một cửa hàng tên là Âu Lạc. Việt chủ yếu dùng pháp nhân của các công ty này để làm “quân xanh”, cung cấp báo giá khi hợp thức hồ sơ đấu thầu các gói mua sắm kit test, sinh phẩm, vật tư tại các tỉnh.

Sau khi được thanh toán tiền theo hợp đồng, Việt chỉ đạo nhân viên dưới quyền chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các cơ sở y tế bằng hình thức chuyển tiền từ tài khoản của cửa hàng Âu Lạc. Dòng tiền từ đây đến tài khoản của các nhân viên phụ trách vùng của Việt Á để rút tiền mặt.

Để phục vụ cách làm ăn chớp nhoáng giữa đại dịch, Việt dùng mối quan hệ cá nhân để xin cùng tham gia nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19. Anh ta bị cơ quan điều tra cáo buộc ngay từ đầu đã có mục đích “biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty”.

Từ đây, Việt giao tổ nghiên cứu của Việt Á tiếp tục phát triển để sản xuất kit test. Phòng sản xuất kit Việt Á được đặt tại khu phố Bình Đường 2, thành phố Dĩ An, Bình Dương, đủ máy móc, thiết bị, nhân viên sản xuất, kiểm tra chất lượng.

Sau khi sản xuất thử nghiệm lô hàng 200.000 kit xét nghiệm đầu tiên bán cho Bộ Y tế, Việt bắt đầu chi tiền cho nhiều quan chức để được hỗ trợ cấp số đăng ký lưu hành nhanh nhất, sớm đưa vào kinh doanh. Từ thời gian này, tham vọng của Việt Á trong thị trường kit test ngày càng hiện rõ.

Điển hình, đầu năm 2020, Bộ Y tế ra văn bản đề nghị các cơ sở y tế trên cả nước liên hệ Công ty Phù Sa để mua sinh phẩm xét nghiệm. Nhận thấy thị trường bán kit xét nghiệm bị đối thủ chen chân, Việt lập tức nhờ người tác động để “loại”, tạo thuận lợi cho Việt khuấy đảo thị trường.

Quá trình thương mại hóa kit xét nghiệm, Việt được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) “dọn đường” bằng cách giới thiệu với lãnh đạo một số địa phương. Chẳng hạn, Hải Dương, khi Việt Á gặp khó trong việc đưa máy xét nghiệm vào tỉnh này, ông Long đã giới thiệu Việt với Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng.

Đồng thời, ông Long nhắn tin số điện thoại của ông Thăng cho Huỳnh để chuyển tới cho Việt liên hệ. Sau khi Việt Á được cung cấp kit test để xét nghiệm tận thu ở Hải Dương, ông Long nói với Huỳnh: “Tốt rồi”, kết luận điều tra nêu.

Theo kết luận, để sản xuất kit xét nghiệm, Việt Á dùng 11 loại hóa chất mua của các công ty với tổng số tiền là hơn 360 tỷ đồng. Như vậy, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp để sản xuất kit test là hơn 41.500 đồng.

Cùng với các chi phí khác như nhân công 32.400 đồng, chi phí sản xuất chung 27.700 đồng, bán hàng là 16.200 đồng, quản lý doanh nghiệp 8.100 đồng, tài chính 4.000 đồng, lợi nhuận 5% dự kiến 6.500 đồng, thuế 6.80 đồng, nên tổng giá thành để ra lò một kit xét nghiệm Việt Á là hơn 143.400 đồng, theo tính toán của cơ quan điều tra.

Việt Á được Bộ Y tế hiệp thương giá 470.000 đồng/kit test, nghĩa là cao gấp 3 lần chi phí sản xuất. C03 xác định, Bộ Y tế công bố giá kit xét nghiệm lên Cổng thông tin để tạo mặt bằng giá cho Việt Á bán hàng là không có căn cứ. Từ việc làm này của một số quan chức Bộ Y tế bị cáo buộc đã tạo điều kiện cho Việt nâng khống giá, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Về chất lượng kit xét nghiệm Việt Á, C03 đã trưng cầu giám định và kết luận sản phẩm đảm bảo 4 tiêu chí là giới hạn phát hiện, độ nhạy, độ đặc hiệu và độ chính.

Trong năm 2020 và 2021, Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng và hưởng lợi 1.235 tỷ đồng. Cảnh sát xác định lợi nhuận định mức Việt Á được hưởng khi kinh doanh kit test chỉ là 5%. Thế nhưng Việt Á lại bán kit với giá gấp 3 lần chi phí sản xuất. Bởi thế hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị quy kết là “hưởng lợi bất chính”.

Trong vụ án này, Việt và đồng phạm bị cáo buộc thông thầu để tiêu thụ gần 680.000 kit test tại CDC Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại 222 tỷ đồng.

Ngoài ra, công an các địa phương đã khởi tố 111 người trong “chùm” 32 vụ án khác liên quan Việt Á. Trong đó công an 15 tỉnh thành đã khởi tố 15 vụ án vi phạm về đấu thầu và xác định Việt Á tiêu thụ 560.000 kit test, gây thiệt hại 180 tỷ đồng. Như vậy, Việt cùng đồng phạm còn bị cáo buộc vi phạm đấu thầu trong khi tiêu thụ hơn 1,2 triệu kit test tại các cơ sở y tế, gây thiệt hại 402 tỷ đồng.


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pháp luật

Phó chánh án ở Vĩnh Long bị bắt

Được phát hành

on

Bà Nguyễn Thị Tuyết Sương, 52 tuổi, Phó chánh án TAND thị xã Bình Minh, bị bắt quả tang nhận hối lộ tại phòng làm việc.

Ngày 3/10, một lãnh đạo TAND thị xã Bình Minh cho biết, bà Sương bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao bắt khi nhận tiền hối lộ của người liên quan đến vụ án đang thụ lý.

Theo kết quả tiếp nhận thông tin tố giác ban đầu, bà Sương trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án dân sự đã có hành vi kéo dài thời hạn giải quyết, gây khó khăn cho đương sự. Nữ thẩm phán sau đó đòi nguyên đơn phải đưa 50 triệu đồng để “bồi dưỡng cho HĐXX” thì mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Sáng nay, khi bà Sương nhận 40 triệu đồng của đương sự tại phòng làm việc thì bị bắt quả tang.

Huy Phong – Hải Duyên


Tiếp tục đọc

Pháp luật

Thi thể trẻ sơ sinh trong túi nylon nghi là con của nữ sinh 21 tuổi

Được phát hành

on

Thi thể bé gái trong túi nylon tìm thấy ở nhà trọ nghi là con của nữ sinh năm thứ 4, nhưng cảnh sát chưa thể lấy lời khai bởi sức khỏe cô gái đang yếu.

Ngày 3/10, Công an quận Bình Thạnh lấy lời khai những người liên quan, xác định hiện trường phát hiện thi thể trẻ sơ sinh trong túi nylon với 2 vết thương là nơi ở trọ của nữ sinh 21 tuổi.

“Sức khỏe chị này chưa hồi phục nên chưa thể lấy lời khai”, nguồn tin từ cơ quan điều tra cho hay.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trưa 2/10, Bệnh viện quận Bình Thạnh báo công an về việc cô gái 21 tuổi sức khoẻ yếu vào thăm khám, có dấu hiệu mới sinh nhưng không rõ con của chị này đâu.

Khi cảnh sát đến căn nhà trong hẻm 240 Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh – nơi nữ sinh trọ cùng em họ, phát hiện túi thi thể bé gái sơ sinh trong túi nylon đặt trước nhà tắm tầng một (không phải trước phòng trọ như thông tin ban đầu). Bé bị 2 vết thương, nghi vật sắc nhọn gây ra.

Quốc Thắng


Tiếp tục đọc

Pháp luật

Cuộc truy lùng gắt gao của FBI với thủ phạm vụ bắt cóc ‘đứa con nước Mỹ’

Được phát hành

on

MỹPolly Klaas, 12 tuổi, bị bắt cóc ngay trong nhà sau đó sát hại dã man bởi một kẻ vừa được ân xá khiến cả đất nước rúng động, dẫn đến một trong những cuộc truy lùng lớn nhất lịch sử FBI.

Tối 1/10/1993, Polly tổ chức tiệc ngủ với hai bạn tại nhà ở thành phố Petaluma, California, mẹ cô bé ngủ ở phòng kế bên. Khoảng 22h30, một kẻ say rượu đột nhập phòng Polly, nói sẽ không làm hại ai và chỉ muốn tiền. Hắn trói hai bạn của Polly, kéo vỏ gối trùm qua đầu và bảo đếm đến 1.000. Sau đó hắn dùng dao đe dọa, bắt cóc Polly.

Bố mẹ Polly đã ly hôn. Bố cô bé đang sống ở một ngôi nhà khác vào thời điểm xảy ra vụ việc.

Ngay sau khi nhận được tin, cảnh sát địa phương gọi cho FBI, hợp sức tìm kiếm manh mối. Một họa sĩ được thuê để phác họa chân dung nghi phạm dựa trên mô tả của các nhân chứng. Thông tin về nghi phạm được phát trong vòng 30 phút sau vụ bắt cóc, nhưng chỉ giới hạn trên kênh của Cảnh sát trưởng hạt Sonoma.

FBI sử dụng công nghệ tiên tiến để thu thập 48 dấu tay, các sợi quần áo và các bằng chứng khác không thể phát hiện bằng các phương pháp thông thường. Họ đối chiếu với gia đình và bạn bè nạn nhân, cuối cùng phát hiện một dấu bàn tay lạ được tìm thấy trên khung giường tầng bằng gỗ của Polly, nhưng không thể kết nối với bất kỳ ai trong cơ sở dữ liệu tội phạm.

Vụ bắt cóc, được đánh giá là rất hiếm gặp vì nạn nhân bị người lạ bắt cóc ngay tại nhà, tạo nên một trong những cuộc truy lùng lớn nhất lịch sử FBI.

Khoảng 4.000 người tham gia tìm kiếm Polly. Khuôn mặt có lúm đồng tiền của cô bé xuất hiện trên bản tin quốc gia hàng đêm, trên trang bìa tạp chí People và trên hơn 8 triệu tờ rơi được phân phát ở tận Trung Quốc.

Vụ án được giới thiệu trong một tập America’s Most Wanted, thu hút sự chú ý của người dân khắp cả nước, trong đó có nữ diễn viên Winona Ryder. Cô giúp giúp vụ việc được nhiều người biết đến hơn qua các cuộc phỏng vấn, thậm chí treo thưởng 200.000 USD cho thông tin giúp tìm thấy Polly.

Cuộc truy tìm kéo dài hai tháng diễn ra vào buổi bình minh của thời đại Internet, đánh dấu lần đầu tiên một tờ rơi tìm người mất tích được đăng trực tuyến, chứ không chỉ được ghim vào cột điện và dán băng keo lên cửa sổ các cửa hàng.

Sau khi nhận được 60.000 tin báo và điều tra 12.000 manh mối, cảnh sát Petaluma và FBI vẫn chưa tìm ra nghi phạm.

Cho đến ngày 27/11/1993, gần hai tháng sau khi Polly mất tích, cảnh sát mới có bước đột phá.

Nữ đầu bếp tên Dana Jaffe tìm thấy “những món đồ đáng ngờ”, bao gồm một chiếc áo len, quần legging múa ba lê bị rách của bé gái, trong chuyến đi bộ đường dài trên khu đất rộng lớn, nhiều cây cối và hẻo lánh của cô ở Sonoma. Sau khi xem bản tin hàng ngày về cuộc tìm kiếm Polly, trực giác khiến Dana nhận thấy điều này có mối liên hệ với Polly.

Dana kể lại với cảnh sát về một người lạ khả nghi mà cô gặp vào tháng 10, chỉ vài giờ sau khi Polly biến mất. Hôm đó, Dana nhìn thấy một ôtô mắc kẹt trong mương trên đường lái xe vào nhà cô ở vùng nông thôn vắng vẻ. Cô gọi cảnh sát, mô tả tài xế trông nhếch nhác rất đáng ngờ, có vẻ sợ hãi và hoảng loạn.

Khi đến hiện trường, cảnh sát nhận thấy tài xế tỏ ra lo lắng, đổ mồ hôi và có những mảnh vụn vôi vữa trên quần áo. Họ kiểm tra bằng lái và biển số xe của anh ta nhưng không kiểm tra hồ sơ tiền án vì đó không phải là quy trình tiêu chuẩn vào thời điểm đó. Họ cũng khám xét xe kỹ lưỡng nhưng không thấy gì khả nghi.

Sau khi hỗ trợ kéo xe ra khỏi mương, cảnh sát thả tài xế đi. Vào thời điểm đó, các cảnh sát này không hề biết về vụ bắt cóc Polly vì thông tin không được phát trên các kênh radio của họ.

Ngày 28/11, cảnh sát xem xét hồ sơ và tìm thấy tên tài xế là Richard Allen Davis. Họ kiểm tra hồ sơ tiền án của Richard và phát hiện một danh sách dài hàng trang, bao gồm án tù vì một vụ bắt cóc trước đó. Hắn chỉ mới ra ngoài được khoảng sáu tháng.

Một phòng thí nghiệm pháp y của FBI so sánh các sợi quần áo được tìm thấy ở nhà Polly với bộ quần áo mà Dana tìm thấy. Đội pháp y cũng đối chiếu dấu tay của Richard với dấu bàn tay được tìm thấy tại hiện trường vụ án. Kết quả đều trùng khớp.

Cảnh sát nhanh chóng truy dấu và bắt Richard với lý do vi phạm quy định ân xá. Trong cuộc thẩm vấn, Richard phủ nhận bắt cóc Polly và khẳng định có bằng chứng ngoại phạm.

Cùng lúc đó, cảnh sát tổ chức cuộc tìm kiếm quy mô lớn ở một số khu vực nông thôn California với hơn 500 tình nguyện viên trong hai ngày 3-4/12/1993, nhưng không có kết quả.

Đến tối 4/12/1993, Richard thú nhận đã đột nhập, trói các cô bé và bắt cóc Polly. Hắn khai đã siết cổ cô bé trong xe và chôn thi thể trong ngôi mộ nông gần quốc lộ.

Sau khi đồng ý tiết lộ vị trí thi thể Polly, Richard được các điều tra viên áp giải lên xe. Một cảnh sát kể rằng phải kìm nén cơn thịnh nộ khi thấy hắn ngồi tựa lưng vào ôtô, hút thuốc với hai tay bị còng trước mặt như thể không quan tâm đến bất cứ thứ gì.

Tuy nhiên, Richard từ chối cung cấp chi tiết các sự việc diễn ra kể từ ngày 1/10. Các điều tra viên cho rằng sau khi xe bị kẹt trong mương, hắn lo sợ người đi ngang qua sẽ báo cảnh sát. Hắn sát hại Polly trước khi cảnh sát đến và giấu xác trong bụi rậm trên sườn đồi phía trên nơi xe bị kẹt. Hắn thở hổn hển, đổ mồ hôi đầm đìa giữa đêm mát mẻ và có cành cây, lá dính trên tóc khi cảnh sát đến.

Richard được cho là đã đợi một khoảng thời gian rồi lái xe quay lại, chôn thi thể. Vị trí ngôi mộ được hắn lựa chọn từ trước, nơi này người bình thường rất khó phát hiện và thuận tiện cho hắn theo dõi hoạt động của cảnh sát vì thường lái xe qua đây.

Richard bị buộc tội giết người cấp độ một với các tình tiết đặc biệt gồm đột nhập để trộm cướp, bắt cóc và âm mưu thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em, đủ để khiến hắn nhận án tử hình.

Sau một tháng rưỡi xét xử, bồi thẩm đoàn tuyên Richard phạm tội Giết người cấp độ một vào tháng 6/1996. Vào cuối phiên tòa, hắn giơ hai ngón giữa chế nhạo gia đình Polly, gây ra cơn phẫn nộ trên toàn quốc.

Richard bị kết án tử hình vào cuối năm 1996. Thẩm phán cho biết hành vi của hắn trên phiên tòa khiến bản án tử hình được đưa ra dễ dàng hơn. Richard vẫn đang chờ thi hành án.

Vụ bắt cóc Polly – cô bé được gọi là “Đứa con nước Mỹ” – đã thúc đẩy nhiều thay đổi trong quá trình điều tra tội phạm và thực thi pháp luật.

Theo cựu Giám đốc FBI Louis J. Freeh, những hiểu biết sâu sắc thu thập được từ vụ án được sử dụng để cải thiện khả năng phản ứng của Cục với các vụ bắt cóc trẻ em. Mary Ellen O’Toole, chuyên gia lập hồ sơ FBI từng tham gia vụ án, sau đó đã viết bản tập hợp các quy tắc ứng phó bắt cóc của FBI.

Các phương pháp điều tra lần đầu được áp dụng trong vụ án này như lấy dấu vân tay bằng bột huỳnh quang, so sánh các sợi vải để liên kết các hiện trường vụ án… đã giúp thay đổi mãi mãi cách tiếp cận của FBI đối với việc điều tra hiện trường, khoa học pháp y, khoa học hành vi trong nhiều loại tội phạm khác.

Từ việc cảnh sát bỏ lỡ manh mối suốt hai tháng, nhà chức trách tiến hành cải thiện thông tin liên lạc giữa các đơn vị thực thi pháp luật liên bang và địa phương. Máy tính được đặt trong xe tuần tra để cảnh sát có thể tra cứu các vụ bắt giữ và kết án trước đó của nghi phạm theo thời gian thực. Hệ thống radio được nâng cấp, các bản tin được phát trên tất cả các kênh của cảnh sát thông qua hệ thống điều phối 911.

Vụ án cũng thúc đẩy các luật mới nhằm trừng trị những kẻ phạm tội nhiều lần, bao gồm luật “Three-strikes law” của California, quy định các bị cáo phải chấp hành bản án chung thân bắt buộc và không có cơ hội ân xá sau khi bị kết án ba tội nghiêm trọng.

Vụ bắt cóc Polly được tái hiện qua phim tài liệu Free to Kill: The Polly Klaas Murder (1996), Motives & Murder: Cracking the Case: Who Took Polly Klaas? (2014), Taken In The Night (2023), cuốn sách In Light of All Darkness: Inside the Polly Klaas Kidnapping and the Search for America’s Child.

Tuệ Anh (Theo ABC, Time, LA Times)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng