Kết nối với chúng tôi

Pháp luật

Cảnh sát khuyến cáo cách sạc xe điện, mua thang dây ở chung cư

Được phát hành

on

Sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, nhiều người rỉ tai nhau mua thang dây thoát hiểm, chị Thanh Hà định sắm song nghĩ với tầng 30 đang ở, thang có tác dụng không?

Tối 14/9, nhóm chợ chung cư online của chị Hà (40 tuổi, trú quận Thanh Xuân) nổi lên một tin bán hàng đánh đúng vào sự lo lắng của nhiều người suốt những ngày qua: “Dây thang thoát hiểm với lực kéo tới 1.000 kg là sản phẩm cần có cho các nhà chung cư và nhà cao tầng khi chẳng may xảy ra sự cố. Dây được làm bằng vật liệu chống cháy dễ sử dụng cho cả người già và trẻ nhỏ, với nhiều cỡ chiều dài từ tầng 10 tới tầng 37”.

Nhiều cư dân đã đặt hàng dù thang dây có giá không rẻ, tới gần 5 triệu đồng. Nhưng vợ chồng chị Hà hoài nghi về tính khả thi của thiết bị này với độ cao lên tới tầng 37 như cam kết. “Không mua thì bất an, nhưng mua thì ở tầng cao thế này, không biết có thực sự hiệu quả không nữa”, chị nói.

Đây cũng là một trong nhiều câu hỏi độc giả gửi VnExpress về kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn tại chung cư. Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, giải đáp như sau:

Thang dây thoát nạn sẽ phát huy hiệu quả ở tầng bao nhiêu?

Người dân chỉ nên mua thang dây để sử dụng cho những tầng thấp, khoảng tầng 3, 4, 5. Tuy nhiên, trẻ em sẽ khó sử dụng vì cần phải có sức khỏe để giữ thang khi bị nghiêng hoặc các bậc thang rung lắc.

Với tầng 30, nhà chị Hà không nên mua thang dây bởi ở độ cao này việc sử dụng thang dây sẽ rất nguy hiểm. Thang dây khi lắp ở độ cao khoảng 100 m sẽ nhiều rủi ro, người sử dụng rất dễ bị rơi, ngã dẫn đến tử vong.

Đối với các đám cháy tại chung cư cao tầng, độc giả có thể xem kỹ năng di chuyển, thoát nạn tại đây

Người dân có nên mua bình cứu hỏa, mặt nạ chống khói?

Đối với căn hộ, nhà ống, nhà liền kề, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, việc trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng khói, khí độc là cần thiết. Các gia đình ở dạng nhà ống, nhà liền kề, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh nên trang bị thêm búa, rìu, kìm cắt, các thiết bị cảnh báo cháy sớm để có thể phát hiện sớm các đám cháy hoặc phá dỡ cấu kiện để thoát nạn.

Người dân khi mua bình chữa cháy, mặt nạ phòng khói, khí độc cần tìm đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy có uy tín. Khi mua, người dân cần kiểm tra giấy tờ xuất xứ, CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa – Certificate of Origin) và CQ (giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa – Certificate of Quality)…

Đối với bình chữa cháy, người dân cần xem tem bảo hành dán trên vỏ phải có dấu của công ty cung cấp; kiểm tra trọng lượng xem có khớp với thông số kỹ thuật ghi trên bình hay không; kiểm tra chốt niêm phong, vỏ bình không có vết trầy xước hay bị sơn lại.

Nếu là bình đang sử dụng, người dân phải kiểm tra định kỳ tối thiểu một tháng/lần. Trong đó với kim đồng hồ đo áp suất, nếu chỉ vạch đỏ thì phải nạp, vạch xanh thì bình vẫn hoạt động tốt.

Bạn cũng nên cân bình để xem trọng lượng có bị giảm đi trong quá trình sử dụng hay không để có biện pháp làm đầy, thay mới…

Dùng bình chữa cháy không phù hợp có thể làm lửa bùng to hơn?

Bình chữa chữa cháy có nhiều loại (bình khí, bình bột, bình foam), hiện nay người dân chủ yếu sử dụng bình bột và bình khí.

Cả bình bột và bình khí đều có thể dùng cho 4 loại đám cháy sau:

Đám cháy loại A: bắt nguồn từ các chất rắn như gỗ, vải, cao su…

Đám cháy loại B: bắt nguồn từ các chất lỏng như xăng, dầu, hóa chất…

Đám cháy loại C: bắt nguồn từ các chất khí như metan, gas, axetilen…

Đám cháy loại E: Các đám cháy từ các thiết bị điện có điện áp nhỏ.

Với lửa cháy điện, điện tử, bạn nên dùng bình khí chữa cháy bởi không làm hư hỏng các thiết bị như bình dạng bột.

Bình khí chữa cháy thích hợp với đám cháy buồng, phòng, hầm hay nơi kín khuất gió nhưng không hiệu quả với đám cháy ngoài hay nơi thoáng gió vì CO2 khuyếch tán nhanh trong không khí.

Nếu dùng không đúng với tính chất cháy thì hiệu quả dập lửa không cao song không làm lửa bùng lên lớn hơn.

Cách phân biệt các loại bình: Loa phun nhỏ, có đồng hồ đo áp suất ở cổ bình là bình bột. Loa phun lớn, không có đồng hồ đo áp suất là bình khí.

Tại chung cư, việc sạc xe đạp, xe máy điện nên tổ chức thế nào?

Đối với chung cư, hộ dân có xe đạp, xe máy điện, khu vực nạp sạc phải gần khu vực lối ra vào, thông thoáng, cách xa khu vực để ôtô, xe máy và có người trông coi 24/24h; không sạc ngay khi vừa đi về. Ban quản lý nên quy định thời gian ngắt điện nạp sạc vào buổi tối.

Chủ xe cần bảo dưỡng định kỳ, thay thế các thiết bị hư hỏng bằng linh kiện chính hàng, rõ nguồn gốc xuất xứ, không nên trang bị thêm đồ trên xe (độ xe) để tránh việc pin bị quá tải.

Thanh Lam


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Pháp luật

Công an truy tìm kẻ đặt bàn đinh ‘bẫy’ người đi đường

Được phát hành

on

Long AnCảnh sát đang ráo riết truy tìm thủ phạm đã đặt nhiều mảnh ván dài một mét, dày đặc đinh nhọn trên mặt đường – nghi “bẫy” người giao thông để cướp.

Trình báo Công an huyện Đức Huệ, tài xế 30 tuổi cho biết chạy ôtô 5 chỗ chở hai người khách từ miền Tây đến Đồng Nai, rạng sáng 29/9. Khoảng 2h, khi chạy đến khu vực lên cầu trên tỉnh lộ thuộc xã Bình Thành, xe cán trúng 2 mảnh ván dài khoảng một mét, rộng 20 cm, được đóng đinh nhọn dày đặc nằm chính giữa đường.

Cùng lúc, anh phát hiện ôtô 7 chỗ đang bám đuôi phía sau có biểu hiện bất thường. Giữa đêm vắng, xung quanh không một bóng đèn, anh nghi ngờ xe kia có thể là băng cướp, nên tăng tốc bỏ chạy (lốp xe vẫn còn cứng). Khi đến trụ sở trạm y tế xã, anh cho xe chạy vào trong cầu cứu. “Lúc đó chiếc ôtô 7 chỗ mới bỏ đi”, tài xế chia sẻ.

Tương tự, người phụ nữ 42 tuổi đăng lên mạng xã hội thông tin suýt cán phải bàn đinh trên đường, để cảnh báo mọi người.

Chị cho biết, khoảng 19h30 ngày 29/9 chở người thân từ Tây Ninh về TP Tân An, Long An. Khi đến đoạn qua xã Tân Thành, Thủ Thừa, chị thấy có vật lạ trên mặt đường nên dừng xe xuống kiểm tra, phát hiện 2 bàn đinh nối tiếp nhau chắn ngang mặt đường.

Chị và mọi người đã dẹp bỏ các bàn đinh này để không có ai gặp nạn.

Sáng 30/9, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết cơ quan này đang khẩn trương rà soát các tuyến đường, ghi nhận sự việc, truy tìm thủ phạm và làm rõ động cơ.

Nam An


Tiếp tục đọc

Pháp luật

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị truy tố nhận 2,25 triệu USD

Được phát hành

on

Hà NộiÔng Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Y tế, bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD để giúp đỡ Việt Á kinh doanh kit xét nghiệm Covid-19.

Ngày 29/9, ông Nguyễn Thanh Long cùng Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Long); Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Minh Tuấn (cựu vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính), Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ.

Riêng ông Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương) bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị can Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) và cấp phó Vũ Đình Hiệp bị truy tố về hai tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng Đưa hối lộ. Phan Tôn Noel Thảo và Hồ Thị Thanh Thảo (Trợ lý tài chính và thủ quỹ của Việt Á) bị truy tố tội Đưa hối lộ.

27 người còn lại bị cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát mạnh, Phan Quốc Việt biết chủ trương nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch nên xin cùng tham gia đề án. Ngay sau khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Để được tham gia nghiên cứu, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, Việt bị cáo buộc đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) chi cho 6 quan chức. Cụ thể, ông Long bị cáo buộc nhận 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng), ông Hùng nhận 350.000 USD (8 tỷ), ông Tuấn nhận 300.000 USD (6,9 tỷ), ông Nguyễn Huỳnh nhận 54 tỷ đồng (trong đó đưa cho ông Long 50 tỷ, hưởng lợi 4 tỷ), ông Nam Liên nhận 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng). Trong giai đoạn bán kit xét nghiệm, Việt đưa hối lộ cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng.

Ông Long và thư ký Nguyễn Huỳnh bị cáo cuộc đã “can thiệp, chỉ đạo” giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá. Hai bị can này sau đó còn gợi ý, đề nghị Việt đưa tiền. Chứng cứ của cơ quan điều tra cho thấy vào dịp gần Tết Nguyên đán 2021, ông Long chỉ đạo Huỳnh bảo Việt đưa một triệu USD để “xử lý công việc”. Lần thứ hai, Việt đưa một triệu USD cũng do ông Long đề nghị. Còn thư ký Huỳnh trong một lần nói mua ôtô phải vay ngân hàng nên được Việt chỉ đạo cấp dưới chuyển 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Việt còn “cảm ơn” ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD, ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD, Phạm Công Tạc 50.000 USD (1,1 tỷ). Cơ quan điều tra phân tích, khoản nhận trên là tiền “hưởng lợi” do lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Các cán bộ trên được xác định “không có sự bàn bạc, gây khó khăn” để Việt phải đưa tiền nên không cấu thành hành vi đưa, nhận hối lộ.

Trong năm 2020 và 2021, Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm. Doanh nghiệp được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng và bị cáo buộc hưởng lợi bất chính 1.235 tỷ đồng.


Tiếp tục đọc

Pháp luật

Ông chủ Tân Hoàng Minh ‘lừa 6.600 nhà đầu tư trái phiếu’ như thế nào

Được phát hành

on

Hà NộiÔng Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo buộc thông qua các công ty con phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của 6.600 nhà đầu tư.

Vì các sai phạm này, ông Dũng cùng con trai Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) và 13 người bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự, ngày 29/9.

>> Danh sách 15 bị can

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng được ông Dũng sáng lập từ năm 1993. Để hoạt động theo mô hình tập đoàn, ông Dũng cho thành lập hoặc mua lại cổ phần, vốn góp của 45 công ty rồi chỉ định người đứng tên pháp nhân. Các công ty này đều hoạt động dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của ông.

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2021 đến 2022, khi Covid-19 bùng phát mạnh khiến thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn về tài chính. Tính đến tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể 8 gói trái phiếu mà công ty đã phát hành từ năm 2021.

Trong bối cảnh này, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho tập đoàn. Chủ trương được chọn là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Khi lên kế hoạch, các bị can không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do có số liệu tài chính phức tạp, khó kiểm toán mà lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu riêng lẻ. Để thu hút khách hàng, họ lựa chọn hình thức trái phiếu có tài sản đảm bảo, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền.

Cơ quan điều tra cáo buộc mục đích của Tân Hoàng Minh là “huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp”, trong đó chủ yếu là người dân – những nhà đầu tư không chuyên. Việc này nhằm để lách quy định pháp luật về việc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được phép bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Khi triển khai kế hoạch, ông Dũng chỉ đạo thuộc cấp sử dụng pháp nhân 3 công ty là Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư. Các bị can cũng liên hệ với một số công ty kiểm toán để “làm đẹp báo cáo tài chính” sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Với loại tài sản chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, Tân Hoàng Minh thông qua các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư, ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo để “tạo niềm tin cho người mua trái phiếu”.

Bằng cách thức trên, Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ, tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu và cho “tổ chức chạy dòng tiền khống để tạo lập giá trị ảo của trái phiếu”. Theo đó, dòng tiền sẽ “chạy” từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển tiếp cho các cá nhân.

Tổng cộng, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu. Con số này chênh lệch với 10.030 tỷ đồng và được cơ quan điều tra giải thích do Tân Hoàng Minh “chia nhỏ kỳ hạn so với kỳ hạn gốc rồi mua đi bán lại nhiều lần”.

C03 kết luận các bị can đã dùng pháp nhân, thương hiệu Tân Hoàng Minh để huy động vốn của người mua trái phiếu thứ cấp rồi chiếm đoạt, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Điều này bị đánh giá là không đúng với mục đích phát hành trái phiếu, vi phạm điều 12 Luật Chứng khoán.

Dùng tiền bán trái phiếu đặt cọc lô đất Thủ Thiêm

Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Theo cơ quan điều tra, số tiền còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.

Ông Dũng khai số liệu thu chi liên quan bán trái phiếu đều được cấp dưới báo cáo hàng ngày. Tiền huy động từ bán trái phiếu, ông chỉ đạo trả nợ quá hạn cho hai ngân hàng, tổng cộng 1.900 tỷ đồng; mua cổ phần hoặc hợp tác đầu tư dự án 3.800 tỷ đồng; đặt cọc Khu đô thị mới Thủ Thiêm 585 tỷ đồng; đầu tư mã chứng khoán VpBank (VPB) song thua lỗ 153 tỷ đồng; chuyển tiền từ thiện 62,8 tỷ đồng; số còn lại để chi tiêu cá nhân, chi phí hoạt động.

Quá trình điều tra, ông Dũng thừa nhận là người chỉ đạo cao nhất ở Tân Hoàng Minh. Nhận thức được sai phạm nên ông Dũng có đơn đề nghị tự khắc phục hậu quả và cho phép chuyển nhượng cổ phần, dự án để có nguồn tiền khắc phục hậu quả. Hiện, Tân Hoàng Minh đã nộp đủ toàn bộ số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng.

Qua vụ án này, C03 kiến nghị Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán nhà nước điều chỉnh quy định liên quan để giám sát việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; xử lý nghiêm các công ty kiểm toán, thẩm định giá, kiểm toán viên và thẩm định viên khi về các sai phạm liên quan.

Với Ngân hàng Nhà nước, C03 đề nghị cần rà soát các ngân hàng thương mại đang cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo của các gói trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng cần quy định rõ ràng về tiếp nhận tài sản đảm bảo của trái phiếu để quản lý rủi ro và phải giám sát dòng tiền luân chuyển qua tài khoản trái phiếu.

Trái phiếu là gì?

Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của đơn vị phát hành (doanh nghiệp hoặc chính phủ) với người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) với một khoản tiền trong một thời gian xác định. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải trả lợi tức cho người sở hữu trái phiếu và hoàn trả khoản tiền vay khi trái phiếu đáo hạn.

Thu nhập của trái phiếu được gọi là lợi tức – là khoản tiền lãi được trả cố định thường kỳ cho người nắm giữ và không phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của đơn vị phát hành. Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi công ty bị giải thể hoặc phá sản, người nắm giữ trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ đông nắm giữ cổ phiếu.

Từ năm 2020, hoạt động phát hành trái phiếu liên tiếp bùng nổ với đa phần là hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ngoài ra còn có phát hành trái phiếu khi thua lỗ, có hệ số nợ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu..

Về phía khách hàng, lãi suất cao hơn lãi ngân hàng là lý do chính khiến nhiều nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu. Trong khi thị trường tăng trưởng quá nóng, một bộ phận nhà đầu tư chạy theo lãi suất cao mà không đánh giá đúng mức độ rủi ro nên vô tình trở thành bị hại.


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng