Ngô Phương Trang (sinh năm 2002) hiện là sinh viên ngành Máy tính và Khoa học thông tin thuộc khoa Toán – Cơ – Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ngay trước khi hoàn thành khóa luận tốt nghiệp, Phương Trang đã được ĐH Quốc gia Singapore, ngôi trường top 3 châu Á, cấp học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Công nghệ số trong tài chính. Ngoài học phí, Trang cũng được cấp thêm chi phí sinh hoạt khoảng 3.000SGD mỗi tháng trong suốt 4 năm.

Nữ thủ khoa “kép” của ngành

Có mẹ là giáo viên Toán cấp THCS, bố là giảng viên của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, từ khi còn học cấp 2, Trang đã được bố mẹ định hướng thi vào chuyên Toán. “Khi học Toán, em thấy nhiều điều rất thú vị, chẳng hạn mình có thể xây dựng và phát triển tư duy logic, khả năng phân tích, lập luận dựa trên các con số”, Trang nói.

Nhờ vậy, đến năm cấp 3, Phương Trang thi đỗ vào lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tự nhận thời phổ thông “không quá nổi trội”, thậm chí đôi lúc Trang cũng cảm thấy thất vọng về bản thân nhưng theo em áp lực đồng trang lứa cũng là động lực để mình phấn đấu.

Năm 2020, thời điểm thi đại học, Trang trở thành thủ khoa đầu vào ngành Máy tính và Khoa học thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Ngô Phương Trang giành học bổng toàn phần tiến sĩ tại Singapore khi chưa tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Từ năm đầu, nữ sinh đã đặt ra mục tiêu đi du học sau khi tốt nghiệp. Để chuẩn bị cho điều đó, Phương Trang cố gắng ngay từ giai đoạn đầu tiên của bậc đại học phải đạt điểm GPA ấn tượng.

Dù đây không phải là yếu tố tiên quyết nhưng theo nữ sinh, muốn nhắm vào các trường top đầu, điểm GPA cao sẽ là lợi thế vì năng lực của các ứng viên đều rất cạnh tranh. Ở thời điểm nộp hồ sơ, kết quả học tập của Trang ở mức Xuất sắc với 3.73/4.0, đồng thời cũng là thủ khoa của ngành.

“Luôn lên thời gian biểu cụ thể cho từng ngày là điều em kiên trì làm ngay từ năm nhất. Mặc dù có thể mình sẽ không làm theo đúng như lịch trình 100% nhưng khi biết lên kế hoạch và hoàn thành kế hoạch sẽ giúp bản thân quản lý thời gian hiệu quả và nhìn được lộ trình từng bước đi thế nào”. Qua các năm, Trang vẫn liên tục áp dụng phương pháp ấy.  Vì thế, nữ sinh có thể kiểm soát và hoàn thành nhiều việc một lúc.

Đến năm thứ 2, Trang bắt đầu lộ trình xây dựng hồ sơ. Mục tiêu ban đầu của nữ sinh là học bổng Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu. Dẫu vậy, khi chia sẻ ý định này với các thầy cô trong khoa và được gợi ý cơ hội học thẳng lên bậc tiến sĩ tại Singapore, Trang quyết định chuyển hướng thử sức.

Ngoài thành tích học tập, học bổng tiến sĩ còn chú trọng vào khả năng và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Vì thế giữa năm thứ hai, Trang xin tham gia vào lab về học tăng cường – một nhánh của học máy. Quá trình làm việc tại lab khiến Trang nhận ra những kiến thức chuyên ngành đều là nền tảng quan trọng cho việc làm nghiên cứu.

“Ngoài ra, muốn làm nghiên cứu, trước hết sinh viên cũng cần có thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về hướng nghiên cứu của từng thầy cô trong trường, từ đó chọn được mảng chuyên sâu và kết nối để xin vào lab”.

Trong quá trình nghiên cứu, Trang cảm thấy may mắn vì được giáo viên hướng dẫn chi tiết cách viết một bài báo khoa học, cách trình bày ý tưởng và chọn lọc từ ngữ phù hợp. Nhờ vậy, đến cuối tháng 4/2024, Trang có một bài báo đăng trên tạp chí Q1 – Neural Computing and Applications – liên quan đến học tăng cường trong vai trò đồng tác giả.

Trước đó, Trang cũng có nghiên cứu về “Xây dựng chiến lược sạc thích ứng cho các mạng cảm biến sạc lại không dây sử dụng kết hợp hệ thống logic mờ và học tăng cường” đoạt giải Nhất cấp Khoa Toán – Cơ – Tin học, giải Ba cấp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên.

Đến năm 2024, Trang tiếp tục đoạt giải Nhất cấp Khoa Toán – Cơ – Tin học, giải Nhất cấp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên với đề tài “Tối ưu chiến lược sạc theo hướng học tăng cường dựa vào chính sách nhằm cực đại thời gian giám sát mạng cảm biến sạc không dây”.

Đại diện sinh viên toàn trường phát biểu tại Lễ tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 11.jpg
Trang từng là Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC

Với thư giới thiệu, theo Trang, sinh viên cần giữ liên lạc với các thầy cô, đặc biệt là những người trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn, bởi họ sẽ có cái nhìn sâu sắc nhất và biết điểm mạnh của sinh viên để đưa vào thư giới thiệu.

Trải qua vòng hồ sơ, Trang lọt vào vòng phỏng vấn. Giáo sư phỏng vấn Trang khi ấy là trưởng khoa Tài chính của ĐH Quốc gia Singapore, đồng thời là Giám đốc chương trình học bổng. “Trong cuộc phỏng vấn, em được hỏi rất nhiều về kinh nghiệm nghiên cứu và khả năng nghiên cứu độc lập. Trước đó, em đã phải tìm hiểu rất nhiều thông tin về khoa cũng như giáo sư có hướng nghiên cứu mình quan tâm để tăng tỷ lệ được nhận”.

Theo Trang, tất cả những việc này nên được tìm hiểu và thực hiện càng sớm càng tốt. Quãng thời gian năm 4 là thời điểm sinh viên hoàn chỉnh hồ sơ và nộp đơn ứng tuyển.

Từng khóc vì quá áp lực

Là nữ sinh có nhiều thành tích nổi trội và được thầy cô kỳ vọng, song Trang thừa nhận từng có những giai đoạn “áp lực tới mức phát khóc”. 

“Em có mục tiêu đi du học, vì thế việc phải giữ điểm số cao luôn là điều khiến em thấy áp lực. Năm thứ 3, em từng đạt điểm C Nhập môn An toàn máy tính. Đó là môn thi cuối cùng của học kỳ nhưng kết quả lại kéo toàn bộ sự nỗ lực của cả kỳ học ấy xuống. Thời điểm ấy em cũng vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường. Áp lực khiến em phát khóc, nhưng đó cũng là bài học quý giá giúp em học cách phân bố thời gian tốt hơn”, Trang nhớ lại.

Quãng thời gian sinh viên, ngoài mục tiêu giành học bổng tiến sĩ, Trang còn có những kỷ niệm đáng nhớ như được trở thành diễn giả của một cuộc hội thảo với chủ đề “Tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam”. 

Dưới góc nhìn của một sinh viên nữ đang theo đuổi nghiên cứu khoa học, Trang thẳng thắn chia sẻ quan điểm rằng “dù là nữ hay nam, khả năng nghiên cứu cũng đều ngang nhau, chỉ là bản thân có tự tin và lựa chọn theo đuổi hay không”.

Trang cũng là một trong số những sinh viên tiêu biểu của trường được lựa chọn tiếp đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 8/2023. Cơ hội được trò chuyện và ngồi ăn trưa cùng Thủ tướng cũng giúp Trang học được phong thái của các nhà lãnh đạo -vừa gần gũi nhưng vẫn uy nghiêm.

Ảnh tổng hợp.jpg
Trang là diễn giả tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam”. Ảnh: NVCC

Ngày 4/8 tới đây, Trang sẽ lên đường sang Singapore du học. Hướng nghiên cứu mới của Trang liên quan đến Công nghệ số trong tài chính – một lĩnh vực hoàn toàn khác mà nữ sinh chưa từng thử sức trước đây.

“Thời gian đầu chuyển hướng có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để làm quen. Đặc biệt, chương trình học cũng em cũng có nhiều ràng buộc về điểm số, đóng góp nghiên cứu để tiếp tục xét cấp học bổng. Do đó, giai đoạn đầu em sẽ gặp nhiều áp lực trong vấn đề tìm hướng nghiên cứu trong lĩnh vực mới”, Trang nói.

Dẫu vậy, nữ sinh vẫn hy vọng trong 4 năm tiến sĩ sẽ có thêm nhiều bài báo công bố chất lượng, có nhiều cơ hội liên kết với các nhóm nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực ở các trường đại học khác trên toàn thế giới.

Cựu học sinh chuyên Toán mở trường tư đầu tiên của người Việt ở MỹThời điểm mới thành lập, ngôi trường này chỉ có 8 học sinh với 3 giáo viên, nhưng điều đó không làm thầy giáo gốc Việt nản chí.


Share.