Tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, chị N.T.D (38 tuổi, ngụ quận 7) cùng con trai 1 tháng tuổi nhập viện đã hơn 10 ngày.

Chị kể, ở nhà chồng chị bị ho, sốt kéo dài, sau đó em bé mới sinh cũng bắt đầu ho. Đến ngày thứ 3, bé ho thành cơn tím tái chị mới đưa bé đi khám. Vào Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ xét nghiệm phát hiện bé bị ho gà, phải truyền kháng sinh.

Cùng tại khoa Nhiễm, bé 1,5 tháng con chị N.T.L (33 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng phải điều trị ho gà suốt 2 tuần qua.

Mẹ bé cho biết, ở nhà bé thở khò khè, ho nhẹ, đến ngày thứ 3 thì ho tím tái. Gia đình đưa bé đến phòng khám tư gần nhà, được tư vấn đến bệnh viện.

Bác sĩ đang khám cho một trẻ sơ sinh mắc ho gà tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: T.P

Tại một bệnh viện tư, bé được chẩn đoán viêm phổi, tập vật lý trị liệu để đẩy đờm ra thì gặp cơn ngưng thở, phải thở oxy, được chăm sóc đặc biệt.

Sau một ngày, bé vẫn có cơn ngưng thở, bác sĩ test đờm thấy bé bị nhiễm vi khuẩn ho gà nên chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng khá nặng, phải thở oxy nồng độ cao và thở áp lực dương liên tục. Sau gần một tuần điều trị tích cực, tình trạng bé mới ổn định dần.

Qua khai thác, bé chưa đủ tháng để tiêm vắc xin ho gà, mẹ bé cũng không tiêm vắc xin này.

Số ca mắc tăng nhanh

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho biết, ca bệnh ho gà tại bệnh viện đang tăng lên theo từng tuần. Thời điểm này năm ngoái, khoa không ghi nhận ca bệnh nào, hiện nay tại khoa Nhiễm đã có gần 10 ca mắc. 1/3 số trẻ phải thở oxy do cơn ho kéo dài kèm tím tái nhiều.

Trẻ mắc ho gà đều dưới 3 tháng tuổi, trong đó một số ca dưới 2 tháng tuổi chưa được tiêm ngừa, nguồn lây chủ yếu là từ cha, mẹ hoặc người chăm sóc bị mắc bệnh. Tại khoa Nhiễm cũng có một số trẻ 3-4 tuổi mắc bệnh, tất cả trẻ đều không được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi.

Triệu chứng ho gà của trẻ là ho nên người nhà thường nhầm lẫn với ho thông thường, nhiều phụ huynh tự mua thuốc cho con uống, không thấy đỡ mới đi khám.

“Việc phát hiện và điều trị trễ bệnh ho gà có thể gây biến chứng viêm phổi vì sau cơn ho, đờm tắc nghẽn gây sặc, dẫn đến viêm phổi” – bác sĩ Qui cảnh báo.

Bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ ho kéo dài, sau cơn ho thường tím tái, đỏ mặt, cần đưa trẻ đi khám ngay để được cách ly kịp thời, tránh lây lan bệnh. Ho gà lây qua đường hô hấp, khi chăm sóc trẻ, phụ huynh nên mang khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên để hạn chế lây lan cho những trẻ khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 30 ca mắc ho gà. Trong đó, 90% ca bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi và 40% ca bệnh ở trẻ dưới 2 tháng tuổi – độ tuổi chưa đủ để tiêm mũi đầu tiên trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trước tình hình gia tăng số ca mắc, Sở Y tế đã tăng cường các hoạt động truyền thông về cách phòng bệnh ho gà, lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai; tăng cường hoạt động tiêm chủng thường xuyên, tiêm bù. Các quận huyện rà soát mời tiêm đối với những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi.

UBND TPHCM đã có văn bản gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề xuất nhu cầu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2025, với dự trù kinh phí là hơn 4,3 tỷ đồng.


Share.