Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.

Tính toán kỹ lưỡng bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) phản ánh kiến nghị của cử tri ngành giáo dục về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Bà Ánh cho biết, kể từ khi có thông tin về cải cách chính sách tiền lương, dự thảo bảng lương cũng như các chính sách khi thực hiện Nghị quyết 27 đến nay vẫn chưa có thông tin chính thống. 

Một số báo mạng có đưa thông tin dự thảo tờ trình của Chính phủ về việc xây dựng chế độ tiền lương mới, việc phân cấp theo nhóm, bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo. 

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. Ảnh: QH

Ngoài lương cơ bản, các phụ cấp theo lương của viên chức ngành giáo dục được tính gộp lại. Sau khi tính toán, nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc của các nhà giáo đang làm, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo.

Ngoài ra, cử tri cũng phản ánh tình trạng, cùng một hạng viên chức giống nhau nhưng lương người làm việc lâu năm với lương người mới vào làm được tính giống nhau, như vậy sẽ không tạo ra được động lực cống hiến giữa các nhà giáo. Việc tăng lương chưa thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới. 

Một số ý kiến khác cho rằng, đối tượng tăng lương tại Nghị quyết 27 lần này bao gồm người làm lĩnh vực y tế và giáo dục. Do đó, cử tri băn khoăn chi phí ở các lĩnh vực này sẽ tăng cao. 

Vì vậy, bà Dương Minh Ánh lo ngại so với quan điểm trong Nghị quyết 27 thì tiền lương là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động liệu có thực sự khả thi.

Theo nữ đại biểu đoàn Hà Nội, dù biết việc nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và nâng cao chất lượng giáo dục nhưng cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập?

“Nếu lấy từ nguồn thu của các đơn vị ngành y tế và giáo dục sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp công lập này và là gánh nặng đối với người bệnh và người học khi tính đúng, tính đủ các chi phí, bao gồm chi phí tăng lương, chi phí khám bệnh và học phí của người học. Điều này dẫn đến việc người bệnh khi không có bảo hiểm y tế sẽ không dám đến bệnh viện, người học sẽ không đủ tiền để đóng học phí”, đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, cử tri có kiến nghị trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác quan điểm; thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh việc hoang mang cho đối tượng thụ hưởng không yên tâm công tác.

Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Tỷ lệ lãnh đạo trên nhân viên mất cân đối

Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng nay, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, việc đảm bảo chất lượng vị trí việc làm trong dài hạn là vấn đề đặt ra, để phù hợp với cải cách tiền lương. Nếu sắp xếp vị trí việc làm mà không đảm bảo chất lượng thì việc thực hiện cải cách tiền lương sẽ vướng mắc.

“Công tác tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức và vị trí việc làm. Nhiều cán bộ, cơ quan đơn vị đã có vị trí việc làm nhưng tỷ lệ cán bộ, lãnh đạo vẫn rất cao, có những trường hợp chiếm tới 50%. Có những đơn vị cần nhân viên nhưng lại hoàn toàn không có; tỷ lệ số lượng lãnh đạo/nhân viên mất cân đối”, ông Đồng Ngọc Ba phân tích. 

Đại biểu Đồng Ngọc Ba. Ảnh: Hoàng Hà

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, quy định hiện nay còn chưa làm rõ được phương pháp đo lường để tính ra và thực hiện chức năng nhiệm vụ của một cơ quan đơn vị cần bao nhiêu thời gian để tính ra vị trí việc làm. Dù đã có nhiều đề nghị sửa đổi nhưng vẫn chưa sửa đổi, cần cân nhắc sửa sớm hơn. 

Ông nêu thực tế, các cơ quan đơn vị tự xây dựng dự thảo, đề án vị trí việc làm trình các cấp có thẩm quyền, nhưng lại căn cứ biên chế hiện có để mô tả và hợp thức hóa vị trí đang làm việc, bảo toàn biên chế. Có đơn vị sau khi xây dựng còn tăng biên chế. 

Vì vậy, Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba cho rằng, nếu không có đánh giá bài bản, hệ thống cả với cơ quan đã ban hành vị trí việc làm, đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Cán bộ công chức, đánh giá chất lượng vị trí việc làm, cải cách tiền lương thì mới thành công được. 

Đại biểu cũng phản ánh về việc nhiều cử tri lo lắng khi chế độ tiền lương mới thu nhập sẽ giảm dù đang làm công việc nặng do liên quan đến vị trí việc làm.

Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm và đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này.

Bộ trưởng Nội vụ: Sáp nhập huyện, xã dự kiến dôi dư 21.700 cán bộ, công chức

Bộ trưởng cho hay, sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến số lượng tài sản, tài chính, trụ sở dôi dư khoảng 2.700; cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư dự kiến 21.700 người.

Cả nước đã dành được 680 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương

Tính đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới. Con số này cao hơn 120 nghìn tỷ so với 560 nghìn tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.

Gỡ vướng để chính sách tiền lương mới thực sự động viên công chức

Mặt trận tổ quốc đề nghị cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương.


Share.
Exit mobile version