Khi được hỏi về những cái Tết mà ông nhớ nhất, bất giác có 3 hình ảnh hiện lên ngay trong ký ức của ông. 

“Đó là cái Tết ở chiến trường năm Kỷ Dậu 1969. Khi ấy tôi 18 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, lần đầu tiên đón Tết trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Giữa cái nắng chang chang, tôi nhớ cái rét, nhớ mưa phùn của miền Bắc. Nỗi nhớ nhà da diết trào dâng. Chúng tôi không có bánh chưng, không có thịt lợn. Anh em chia nhau một bánh lương khô, ngồi bên nhau kể chuyện ngày Tết quê mình”.

Nhớ lại những cái Tết thời thơ ấu, ông không thể quên hình ảnh của cái nghèo nhưng thấm đậm tình người. “Tết ngày xưa khiến người ta trông mong, chờ đợi bởi vì chỉ đến Tết mới có những thứ mà ngày thường không bao giờ có”.

“Đến Tết mới được ăn cơm không độn. Đến Tết mới được mặc quần áo mới. Đến Tết, trẻ con được đi chơi cả ngày mà không bị bố mẹ la rầy. Ngày Tết, không ai nói nặng lời với nhau. Tất cả những thứ ấy tạo nên một không khí thiêng liêng vô cùng”.

Nhớ về giai thoại ăn cơm độn, ông chia sẻ một câu chuyện được nghe kể lại. “Năm 1961, Bác Hồ về Nghệ An. Bác xuống nhà ăn của tỉnh uỷ thì thấy toàn cơm không độn. Bác hỏi: ‘Quê choa bây giờ không phải ăn độn nữa à?’. Ông Bí thư tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng khi ấy chưa biết trả lời thế nào thì cô cấp dưỡng nhanh miệng nói một câu rất thật: ‘Bác về, cả tỉnh vui mừng. Chúng cháu nấu một bữa cơm không độn để liên hoan. Bác đi rồi nhà cháu sẽ ăn độn bù vào’”. 

Nói vậy để biết rằng, những ngày tháng đói khổ ấy, ăn cơm không độn một bữa đã được gọi là liên hoan. Thế mà ngày Tết, không những không phải ăn cơm độn, còn được một lát bánh chưng, miếng cá, miếng thịt mà ngày thường không bao giờ có. 

Cả năm, phải đợi đến Tết, trẻ con mới có một bộ quần áo mới để mặc. “Nhiều khi còn không dám mặc vì bạn bè mặc áo rách cả, mình mặc áo mới, thấy thẹn”.

Chính vì thế, ông từng viết mấy câu thơ khi nhớ về những ngày gian khó ấy:

“Con mong một tà áo đẹp

Mỗi năm chỉ được một lần

Trông chờ chiều 30 Tết

Mặc vào lòng dạ lâng lâng”

Share.