Kết nối với chúng tôi

Kinh doanh

Tuần tích cực của chứng khoán

Được phát hành

on

Trước kỳ nghỉ lễ thường không phải là thời gian tích cực với chứng khoán nhưng VN-Index đã chốt tuần trước tăng hơn 40 điểm.

Thông thường, nhà đầu tư có khuynh hướng chốt lời để bảo vệ thành quả trước những ngày nghỉ dài. Tuy nhiên, tuần vừa qua lại theo chiều hướng ngược lại khi sắc xanh lan tỏa trên bảng điện.

VN-Index rung lắc, giảm điểm trong phiên đầu tuần do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau nhịp giảm điểm mạnh. Nhưng lực cầu bắt đáy đã liên tục xuất hiện và gia tăng tốt trong các phiên sau đó, giúp thị trường liên tục có những phiên phục hồi tích cực. Nhóm cổ phiếu chứng khoán và hóa chất thu hút lực cầu tốt, nhiều cổ phiếu vượt trên khu vực đỉnh cũ. Thêm vào đó, việc tăng điểm trở lại của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 cũng tạo tiền đề tích cực, dẫn dắt thị trường nối dài mạch phục hồi.

Trong phiên cuối tuần, hoạt động giao dịch của khối ngoại cũng là điểm sáng của thị trường khi mua ròng xuyên suốt phiên giao dịch với quy mô hơn 540 tỷ đồng, tập trung mua HPG, VRE, GMD. Chốt tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.224 tăng hơn 40 điểm (3,44%) so với tuần trước.

Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn nhịp hồi này có thể hướng tới vùng đỉnh cũ quanh 1.250 điểm trước khi tạo nền tích lũy mới trước ngưỡng cản mạnh 1.300.

Về góc nhìn trung hạn, nhóm phân tích cho rằng xu hướng tăng (uptrend) của thị trường chưa bị phá vỡ. Nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua không thủng ngưỡng 1.150 điểm nên thị trường đã tích lũy lại và tạo nhịp tăng ngắn hạn trước khi đi vào vùng tích lũy mới. Nhịp điều chỉnh mạnh còn cần thiết để thị trường rũ bỏ đeo bám trước ngưỡng cản mạnh 1.300 và trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn có thể bùng nổ vượt 1.300 điểm nếu như nhịp tích lũy tiếp theo đủ tốt và chặt chẽ.

“Tuy nhiên hiện tại còn quá sớm để dự báo xa, trước mắt thị trường sẽ hồi phục ngắn hạn và sau đó cần tạo thành khu vực tích lũy mới để tích lũy nội lực trước khi vượt cản mạnh”, báo cáo của SHS viết.

Trong ngắn hạn thị trường đang trong nhịp hồi phục sau điều chỉnh, tuy nhiên thị trường sẽ phải có giai đoạn tích lũy mới. Nhóm phân tích cho rằng rủi ro rung lắc khi VN-Index tiệm cận ngưỡng cản 1.250 điểm là có. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, SHS cho rằng nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng giải ngân trong khu vực hiện tại, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu.

Cùng quan điểm, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng giữ quan điểm thận trọng, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục thu gọn danh mục, chỉ tập trung giải ngân vào những cổ phiếu đang có diễn biến tương tự hoặc tốt hơn VN-Index, thu hút được lực cầu tốt và cho tín hiệu vượt đỉnh. Một số nhóm ngành có thể quan tâm, như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ.

Minh Sơn


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kinh doanh

Tiền vào chứng khoán tiếp tục giảm

Được phát hành

on

Thanh khoản thị trường chứng khoán giảm dần khi nhịp giao dịch giằng co, cả bên mua và bán đều quan sát khi xu hướng chưa rõ ràng.

Chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần này trong sắc xanh, nhưng bên bán không còn hạ giá quyết liệt khi VN-Index đã giảm 100 điểm từ đỉnh gần nhất, nhưng bên mua cũng không nỗ lực đẩy giá.

Chỉ số của sàn HoSE lùi về gần ngưỡng 1.150 điểm vào đầu giờ, nhưng bật trở lại vào giữa phiên sáng lên hơn 1.160 điểm. Sắc xanh nhờ một số mã trụ mảng bất động sản, hóa chất, hay bán lẻ. Nhóm cổ phiếu Vingroup giao dịch khởi sắc là trụ đỡ chính.

Tuy vậy, sang phiên chiều, sắc xanh dần thu hẹp. Các mã trụ lùi về gần tham chiếu, khiến thị trường thu hẹp đà tăng. Nhóm ngân hàng, vốn chiếm tỷ trọng cao trong rổ vốn hóa, cũng bị lực bán ép xuống. Chốt phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.155,25 điểm, tăng hơn 1 điểm so với phiên trước. VN30-Index tăng gần 1 điểm, đóng cửa ở 1.167 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt gần 13.641 tỷ, trong đó thanh khoản trên sàn HoSE ghi nhận hơn 11.500 tỷ đồng, giảm gần 2.700 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Thanh khoản phiên hôm nay cũng là mức thấp nhất trong hơn hai tháng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 280 cổ phiếu tăng giá và 201 cổ phiếu giảm. Với nhóm VN30, sắc xanh cũng ưu thế hơn với tỷ lệ 16:12.

Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành là dịch vụ tài chính, bất động sản và ngân hàng. GVR là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,9 điểm khi mã này chốt phiên tăng 4,6%. Ngoài GVR, VRE, MSN, POW, SSI, SAB cũng giao dịch khởi sắc.

Ngược lại, VCB là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới chỉ số khi chốt phiên giảm 1,1%. Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng đóng cửa trong sắc đỏ như TPB, TCB, HDB, SHB, BID.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua hơn 778 tỷ và bán gần 603 tỷ đồng, giá trị mua ròng đạt hơn 175 tỷ đồng.

Minh Sơn


Tiếp tục đọc

Kinh doanh

Nga, Arab Saudi thắng lớn nhờ canh bạc giảm sản lượng dầu

Được phát hành

on

Nga và Arab Saudi được cho là có thêm hàng tỷ USD từ bán dầu trong vài tháng qua, do giá tăng cao sau quyết định siết cung của họ.

Hôm 5/9, Nga và Arab Saudi cùng thông báo gia hạn các biện pháp siết nguồn cung dầu đến hết năm nay. Việc cắt giảm là một chiến lược đầy rủi ro, cả về tài chính và chính trị. Tuy nhiên, chiến lược này dường như đã phát huy hiệu quả với hai thành viên quan trọng nhất của OPEC+ (Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh).

Theo tính toán của hãng tư vấn Energy Aspects, giá dầu tăng đủ bù cho lượng xuất khẩu giảm. Nguồn thu từ dầu của Arab Saudi quý III có thể đã tăng thêm 30 triệu USD một ngày so với quý II. Mức tăng này tương đương 5,7%. Tính chung cả quý, con số này vào khoảng 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn thu từ dầu của Nga ước tính tăng 2,8 tỷ USD.

Nguồn tiền này giúp Arab Saudi có tài chính cho các dự án đắt đỏ trong nước, đồng thời tiếp tục đầu tư ra nước ngoài để tăng sức ảnh hưởng. Nó cũng giúp củng cố ngân sách cho Nga.

Những kết quả này có thể khiến OPEC+ cân nhắc siết thêm nguồn cung trong tương lai, các nhà quan sát cho biết. “OPEC+ đang nắm đằng chuôi. Có thể thấy họ sẽ còn làm nhiều hơn nữa”, Saad Rahim – kinh tế trưởng tại Trafigura cho biết.

Tổ chức này đã gây sức ép lên thị trường dầu toàn cầu nhiều tháng qua. Nhưng trước đó, các động thái của họ không có hiệu quả lớn, do lo ngại suy thoái toàn cầu và tăng trưởng chậm tại Trung Quốc khiến giá dầu chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Tháng 10/2022, OPEC+ tuyên bố giảm sản xuất 2 triệu thùng một ngày – lớn nhất từ khi đại dịch xuất hiện. Tháng 5, Arab Saudi dẫn đầu một nhóm nhỏ thông báo tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng một ngày. Đến tháng 7, họ giảm thêm 1 triệu thùng nữa. Đầu tháng 9, cả Nga và Arab Saudi đồng loạt thông báo gia hạn chính sách cắt giảm cho đến cuối năm.

Quý III, giá dầu Brent tăng thêm 25%, có thời điểm lên 95 USD một thùng. OPEC+ dự báo toàn cầu thiếu 3,3 triệu thùng dầu một ngày trong quý IV. Nhiều nhà phân tích đã dự báo giá dầu Brent sẽ sớm lên 100 USD.

“Giá sẽ lên cao. Nguồn cung sẽ bị siết chặt”, Livia Gallarati – nhà phân tích dầu tại Energy Aspects cho biết.

Chiến lược giảm cung rất rủi ro, vì điều này đồng nghĩa họ sẽ phải hy sinh thị phần cho đối thủ. Nếu giá không tăng, họ còn phải chấp nhận giảm nguồn thu. Mỹ không thích giá năng lượng tăng cao, do nó có thể làm tăng sức ép lạm phát lên nền kinh tế này.

Chi phí sản xuất dầu tại Arab Saudi và Nga khá thấp. Ước tính của Rystad Energy cho biết con số này lần lượt là 9,3 USD và 12,8 USD một thùng.

Giá cao có lợi cho Arab Saudi. Nước này từng trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ và đi xuống theo biến động của giá dầu. Các dự án phát triển đắt đỏ của họ cũng có kết quả trái chiều.

Nửa đầu năm 2023, Arab Saudi chi ngân sách cao hơn 37% cùng kỳ năm ngoái, theo Capital Economics. Dự án lập thành phố mới quy mô 500 tỷ USD của họ cũng đã khởi công.

Đầu năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Riyadh cần giá dầu ở mức 81 USD để cân bằng ngân sách. Còn nếu họ không thể thu hút đầu tư nước ngoài cho dự án đắt đỏ ở trên, họ sẽ cần giá dầu lên 100 USD.

Nga cũng phải chi mạnh tay trong năm nay. Quý I, họ chi nhiều hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Oxford Economics. Chính phủ Nga vẫn thâm hụt ngân sách kể từ giữa năm ngoái.

Urals – loại dầu phổ biến nhất của Nga đã lên 75 USD vài ngày gần đây. Trong quý II, giá trung bình chỉ là 65 USD. Trong khi đó, mức trần giá mà phương Tây áp lên dầu Nga là 60 USD.

Tuần trước, Điện Kremlin cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel, khiến nguồn cung năng lượng toàn cầu càng thắt chặt. Giá diesel toàn cầu đã lập tức nhảy vọt.

“Nếu chỉ nhìn vào giá dầu, tương lai của họ có vẻ sẽ sáng sủa hơn. Chiến lược này có thể không phải là bước ngoặt về kinh tế, nhưng nó sẽ giúp họ có tài chính để tiếp tục chi tiêu”, James Swanston – nhà kinh tế học tại Capital Economics kết luận.

Hà Thu (theo WSJ)


Tiếp tục đọc

Kinh doanh

Dịch vụ gọi xe tăng giá gấp đôi ngày Hà Nội mưa lớn

Được phát hành

on

Hà NộiDịch vụ gọi xe máy, ôtô của Grab, Be, Gojek đều tăng giá đến gấp đôi, nhiều lúc khách hàng không thể đặt được dịch vụ.

Khoảng 9h sáng nay (28/9), trời mưa lớn, chị Thùy Linh cần đặt xe từ nhà riêng ở khu vực Ngoại giao đoàn, quận Tây Hồ đến phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. Dù đã chấp nhận mức giá khoảng 180.000 đồng – gấp đôi so với ngày thường cho quãng đường hơn 8 km, chị vẫn không thể đặt được xe khi ứng dụng Grab báo không có tài xế nào ở gần khu vực này.

Trong gần nửa giờ, chị thử đặt lại và chuyển qua ứng dụng Be, Gojek, giá cước cao tương tự, nhưng cũng không thể thành công. Sau đó, chị gọi taxi truyền thống cũng không được vì tổng đài báo nhiều khu vực bị ngập, tắc đường nên các tài xế hạn chế di chuyển.

Hiện nay, đa phần các hãng gọi xe đều áp dụng mức phí cơ bản gần 30.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng cho mỗi km tiếp theo với ôtô và trên 10.000 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.000-5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo với xe máy. Tuy nhiên, giá cước có thể tăng gấp 2, 3 lần dựa vào thời điểm trong ngày, nhu cầu theo từng khu vực hay những thời điểm thời tiết khắc nghiệt.

Không chỉ dịch vụ gọi xe, người dùng ở Hà Nội hôm nay cũng gặp khó khăn khi đặt các dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng. Anh Ngọc Sơn, nhân viên một công ty công nghệ ở Cầu Giấy cho biết trưa nay anh và các đồng nghiệp đã chủ động order cơm từ hơn 11h nhưng các nhà hàng cũng không nhận đơn do không có tài xế.

Tương tự, chị Phương, chủ một cửa hàng thực phẩm, hoa quả sạch ở Hoàng Quốc Việt cả sáng nay phải hẹn gần hai chục khách mua hàng, đa phần là đồ để cúng Rằm tháng Tám chiều, tối nay ship hàng vì không đặt được dịch vụ.

“Bình thường tôi vẫn gửi đồ cho khách bằng ship của Grab hoặc Ahamove, nhưng hôm nay không thể nào đặt nổi. Trời mưa, đường lụt, nên có thể tài xế nghỉ hết”, chị Phương nói.

Đến khoảng 14h, tình hình cải thiện khi mưa nhỏ hơn, khách hàng có thể đặt các dịch vụ gọi xe, ship hàng. Ghi nhận trên các ứng dụng Be, Grab, Gojek, giá cước dịch vụ gọi xe máy đã trở về mức như giờ thấp điểm. Cước dịch vụ gọi ôtô đã giảm so với buổi sáng, nhưng vẫn ở mức cao, gấp khoảng 1,5 lần ngày thường. Ứng dụng Grab vẫn hiển thị thông báo “cước phí tăng do nhu cầu đi lại cao”.

Anh Tú


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng