Kết nối với chúng tôi

Kinh doanh

Đại biểu: Bắt buộc công chứng hợp đồng để bảo vệ người mua nhà

Được phát hành

on

Bỏ một số trường hợp phải công chứng khi giao dịch bất động sản sẽ tạo khoảng trống pháp lý, bất lợi cho cá nhân mua nhà, theo một số đại biểu Quốc hội.

Sáng 29/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo dự thảo luật, trường hợp tổ chức, cá nhân bán, cho thuê nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp; chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh thì không phải công chứng hợp đồng. Còn hợp đồng giao dịch mà một bên tham gia là doanh nghiệp thì công chứng theo yêu cầu các bên.

Ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, cho rằng quy định như trên đã bỏ đi một số trường hợp buộc phải công chứng, chứng thực khi giao dịch bất động sản, trong khi Chính phủ chưa đánh giá tác động, nêu rõ lý do bỏ các trường hợp này.

Đồng tình, ông Lê Thanh Hoàn, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật nói không hợp lý nếu trường hợp hợp đồng mua bán bất động sản giữa doanh nghiệp với người dân mà không bắt buộc yêu cầu công chứng.

Ông nêu thực tế, hàng nghìn người dân đã bị một số doanh nghiệp lừa đảo với nhiều vụ tranh chấp xảy ra. “Tranh chấp về các giao dịch gian lận này thực sự tốn thời gian, tiền bạc, và có thể dẫn đến người mua không được hoàn trả lại số tiền đã thanh toán, làm nhiều người dân phải gánh một khoản nợ không nhỏ”, ông nêu.

Với cá nhân, giao dịch mua nhà ở không thường xuyên diễn ra nên sự hiểu biết của họ về cách thực hiện giao dịch thường bị hạn chế. “Không nên để người dân tham gia giao dịch này với hành trang duy nhất là lòng tin, sự tử tế của doanh nghiệp bất động sản. Vì thế, sự tham gia của bên thứ ba, trong đó có công chứng là bên trung gian trong giao dịch bất động sản là phù hợp”, ông nói thêm.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng ủng hộ việc cần có đại diện của công chứng là bên thứ 3 trong giao dịch bất động sản giữa doanh nghiệp và cá nhân mua nhà. Theo bà, nhà ở, bất động sản thường có giá trị lớn, hợp đồng mua bán thường rất dày, nhiều điều khoản nên người mua nhà khó hiểu hết. Do đó, cần có công chứng viên giúp người mua nhà đảm bảo quyền lợi, để khi có tranh chấp xảy ra thì được giải quyết thấu đáo.

“Nếu không có hợp đồng mẫu, không công chứng thì người dân sẽ bị thiệt trong các giao dịch bất động sản”, bà Tuyết nhận xét, và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm vai trò của công chứng trong giao dịch bất động sản với một bên là cá nhân.

Ông Lê Thanh Hoàn thì kiến nghị cần sửa quy định này theo hướng bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch bất động sản nếu bên tham gia là doanh nghiệp với cá nhân.

Giải trình sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nói công chứng là cần thiết để bảo vệ quyền lợi bên yếu thế, tránh tranh chấp xảy ra. Vì thế, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu, chỉnh lý quy định cho phù hợp, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý.

Về giao dịch bất động sản, các đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất trí không bắt buộc phải qua sàn, mà chỉ nên khuyến khích. Ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp nhận xét, sàn bất động sản chủ yếu là môi giới, giới thiệu cho khách mua nhà, cũng là trung gian kinh doanh. Hoạt động của sàn giao dịch vừa qua chưa minh bạch, công khai.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hoàn đề nghị cần bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các sàn. Ông nêu thực trạng hàng hóa bán theo hai giá đang diễn ra khá phổ biến, từ xe máy, ôtô, đến nhà ở. “Không khó để tìm kiếm trên mạng giá bán của chủ đầu tư được đăng công khai, nhưng mua được theo bán niêm yết rất khó. Người mua phải chịu khoản chênh lệch không được ghi trong hợp đồng, mà bản chất là trốn thuế”, ông Hoàn nói.

Trong khi không ít doanh nghiệp bất động sản vừa qua tổ chức bán hàng trực tiếp, giá niêm yết rõ ràng, không hạn chế người tham gia. Đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho đây là giải pháp cần nghiên cứu, quy định trong luật để kiểm soát giá, tránh thất thu thuế, vừa hình thành cơ sở dữ liệu đầu vào của giá thị trường bất động sản.

Quy định tỷ lệ đặt cọc để người dân không mất tiền oan

Dự thảo Luật đưa ra hai phương án về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình hình thành trong tương lai.

Phương án 1, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách hàng khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan Nhà nước thẩm định, và có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất. Số tiền cọc tối đa 10% giá bán, cho thuê nhà ở.

Phương án 2, chủ đầu tư chỉ được thu tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mà bản chất trở thành thanh toán hợp đồng theo tiến độ, theo Ủy ban Kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm cần quy định bắt buộc đặt cọc, số tiền đặt cọc tối đa, thời điểm đặt cọc như tại dự thảo luật.

“Hiện giá nhà ở còn cao so với thu nhập người dân, nếu không quy định rõ ràng tỷ lệ rõ ràng đặt cọc khi mua nhà trên giấy thì khi rủi ro xảy ra người mua bị mất khoản tiền rất lớn. Và thực tế đã có nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng vì mua phải dự án ma”, bà nói.

Cho rằng quy định tỷ lệ đặt cọc là cần thiết, bà Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đồng tình, nhưng nói tỷ lệ đặt cọc chỉ nên quy định ở mức 5-10%, thay vì 10% như dự thảo luật.

Tại báo cáo gửi các đại biểu trước hội nghị, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết chọn phương án 1, bởi khi thiết kế cơ sở được thẩm định bởi cơ quan chuyên môn về xây dựng, tính pháp lý của dự án sẽ đủ rõ với người mua. Về phía doanh nghiệp, họ chủ động hơn về phương án kinh doanh, hoàn thiện thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở.

Tỷ lệ đặt cọc tối đa 10% giá bán, theo cơ quan thẩm tra, là mức hợp lý vừa hạn chế chủ đầu tư lợi dụng đặt cọc để huy động vốn, vừa đảm bảo cam kết, ràng buộc giữa khách hàng và chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua bán.

Nếu số tiền đặt cọc quá cao sẽ không loại bỏ được những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không đủ năng lực tham gia thị trường, tăng nguy cơ chiếm dụng vốn, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng (người dân). Còn tiền đặt cọc quá thấp sẽ không ràng buộc trách nhiệm các bên tham gia, các bên liên quan có thể sẵn sàng vi phạm cam kết, chấp nhận mất tiền đặt cọc.

Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định các bên phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua trong thỏa thuận đặt cọc, giúp ràng buộc trách nhiệm và bảo đảm giao kết hợp đồng. Còn việc cho phép thu tiền cọc khi nhà ở, công trình có đủ điều kiện kinh doanh (phương án 2) sẽ không còn ý nghĩa của đặt cọc.

Dự kiến, dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Kinh doanh

Sắt thép nhập từ Anh tăng 12 lần trong tháng 8

Được phát hành

on

Tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 1.000 tấn sắt thép các loại từ Anh, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh mặt hàng này rẻ kỷ lục.

Anh là thị trường có mức tăng trưởng nhảy vọt về nhập khẩu sắt thép của Việt Nam trong khối EU. Số liệu Hải quan cho thấy tháng 8, Việt Nam nhập khẩu 1.011 tấn sắt thép các loại từ Anh, trị giá 487.224 USD, tăng 12 lần về lượng và tăng hơn gấp đôi về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam chi ra hơn 1,3 triệu USD nhập 2.155 tấn sắt thép từ thị trường này, tăng 240% về lượng nhưng giảm 16,3% về giá trị.

Sở dĩ giá trị giảm do giá thép nhập khẩu từ Anh giảm kỷ lục. Bình quân 8 tháng, giá thép đạt 613,6 USD một tấn, giảm hơn 75% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài thị trường Anh, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp sắt thép lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 57% tỷ trọng. Trong tháng 8, Việt Nam nhập từ nước này hơn 834.000 tấn sắt thép các loại, tương đương hơn 536 triệu USD, lần lượt tăng trên 140% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 8 tháng đầu năm, Trung Quốc xuất sang Việt Nam hơn 4,5 triệu tấn trị giá 3,3 tỷ USD. Theo sau là Nhật Bản chiếm 16,1%, Hàn Quốc 8,9%.

Lũy kế 8 tháng, Việt Nam chi 6,5 tỷ USD để nhập 7,9 triệu tấn sắt thép các loại, giảm 3,3% về lượng và hơn 26% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Theo các chuyên gia, quý IV, việc đẩy mạnh đầu tư công, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án nhà ở xã hội sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép trong nước tăng cao.

Hồng Châu


Tiếp tục đọc

Kinh doanh

Lợi nhuận Geleximco giảm 95%

Được phát hành

on

Nửa đầu năm nay, Tập đoàn Geleximco chỉ lãi gần 16 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ 2022.

Thông tin này vừa được Tập đoàn của ông Vũ Văn Tiền cho biết trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Nửa đầu năm nay, Tập đoàn Geleximco lãi sau thuế 15,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 337 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận kỳ này của Geleximco giảm 95% so với cùng kỳ 2022.

Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này khoảng 12.800 tỷ đồng, giảm nhẹ so với kỳ trước. Nợ phải trả của Geleximco cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái với khoảng 28.180 tỷ đồng. Trong đó, công ty nợ trái phiếu hơn 4.600 tỷ đồng, giảm hơn 440 tỷ đồng so với tháng 6/2022.

Từ 11/5-5/6, theo HNX, Geleximco đã 6 lần mua lại trước hạn 259 tỷ đồng với một lô trái phiếu được phát hành cuối năm 2021. Hiện tại, công ty này còn 4 lô trái phiếu lưu hành trên thị trường.

Tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, Geleximco ra đời năm 1993 với vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng. Đến nay, Geleximco đã trở thành một tập đoàn đa ngành, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Công ty đang kinh doanh trong 4 lĩnh vực chính gồm sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng, bất động sản và thương mại, dịch vụ.

Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco đã phát triển nhiều dự án lớn như khu đô thị thành phố giao lưu ở đường Phạm Văn Đồng, khu đô thị Gelexia Riverside, khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), khu du lịch quốc tế Đồi Rồng ở Đồ Sơn (Hải Phòng).

Geleximco cũng là cổ đông sáng lập, đồng sở hữu tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình.

Năm ngoái, Geleximco đã ký thỏa thuận thuê 50 ha đất tại khu công nghiệp Tiền Hải, Thái Bình để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô. Tập đoàn của ông Vũ Văn Tiền dự kiến đầu tư 800 triệu USD (gần 19.000 tỷ đồng) vào nhà máy này. Trong đó, giai đoạn I dự kiến vận hình từ quý III/2024, công suất 50.000 xe mỗi năm.

Anh Tú


Tiếp tục đọc

Kinh doanh

Mỳ gói Việt Nam, Thái Lan hút hàng ở Nhật Bản

Được phát hành

on

Sau khi được biết đến nhiều từ đại dịch, mỳ gói nhập từ Việt Nam và Thái Lan ngày càng được người Nhật chuộng.

Tại chợ thực phẩm châu Á ở quận Shin-Okubo (Tokyo), mỳ ăn liền có in chữ nước ngoài trên bao bì được đặt ở vị trí nổi bật gần lối vào. “Khoảng 80% khách hàng mua mỳ ăn liền”, quản lý một cửa hàng cho biết.

Thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết nhập khẩu mỳ gói từ các khu vực khác ở châu Á đạt khoảng 8,6 tỷ yen (57,6 triệu USD theo tỷ giá hiện hành) vào năm 2022, gấp 3,1 lần so với năm 2017.

Khoảng 80% lượng nhập khẩu đến từ Hàn Quốc, bao gồm cả món Shin Ramyun cay của Nongshim. Mỳ gói đến từ Đông Nam Á đang có mức tăng trưởng đáng kể. Nhập khẩu từ Việt Nam đạt tổng cộng khoảng 500 triệu yen (3,35 triệu USD) vào năm 2022, gấp 5,6 lần năm 2017. Trong khi đó, nhập khẩu từ Thái Lan tăng gần gấp đôi, lên 510 triệu yen (3,41 triệu USD).

Mỳ ăn liền ra đời ở Nhật Bản cách đây sáu thập kỷ và ngày càng phổ biến toàn cầu. Những năm gần đây, bên cạnh hàng nội địa và Hàn Quốc, mỳ gói nhập từ Đông Nam Á ngày càng được ưa chuộng. Một phần nguyên nhân là Covid-19 khiến người Nhật không thể du lịch nước ngoài. Khi ấy, họ quyết định mua mỳ gói của Việt Nam hoặc Thái Lan để trải nghiệm chỉ sau 5 phút chế biến.

Nhận thấy các hương vị đến từ Đông Nam Á được đón nhận, các công ty Nhật Bản sản xuất mỳ ăn liền ở nước ngoài đã bắt đầu nhập sản phẩm vào Nhật Bản sau thời gian chỉ bán tại thị trường đặt nhà máy.

Acecook vào Việt Nam vào năm 1993 và hiện là nhà sản xuất mỳ ăn liền lớn nhất ở đây, với thị phần khoảng 40%. Từ năm 2018, họ bắt đầu nhập khẩu và bán đầy đủ dải sản phẩm mì Hảo Hảo được sản xuất tại Việt Nam tại Nhật Bản.

Công ty ban đầu nhắm đến việc bán cho người Việt Nam sống ở Nhật Bản, nhưng người Nhật cũng bắt đầu mua Hảo Hảo. Đến năm 2022, doanh thu hàng năm đã tăng ba lần. Gần đây, công ty nhận được thêm nhiều yêu cầu nhập mỳ gói từ các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu lớn.

“Nhu cầu đối với thực phẩm châu Á đích thực đang tăng lên thay vì các sản phẩm phù hợp với khẩu vị người Nhật”, đại diện Acecook cho biết. Sau sự nổi tiếng của Hảo Hảo, công ty sẽ bắt đầu nhập mỳ gói thương hiệu “Mì Lẩu Thái” từ tháng 11.

Trước đó, vào tháng 7, Nissin Foods tung ra thị trường Nhật Bản mỳ gói hương vị súp Tom Yum do công ty con tại Thái Lan sản xuất. “Chúng tôi lấy ý tưởng từ việc mỳ gói của các nhà sản xuất Thái Lan được bán ở các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu hoặc trên các trang mua sắm online ở Nhật Bản”, Đại diện công ty nói.

Hồi tháng 4, Ajinomoto cũng đã bán mỳ YumYum có hương vị Tom Yum trong một thời gian nhất định ở thị trường Nhật Bản. Sản phẩm này do công ty con tại Thái Lan sản xuất. Ở Thái Lan, YumYum chiếm hơn 20% thị phần. Sau đợt thăm dò, Ajinomoto đang xem xét bán sản phẩm này quanh năm tại Nhật Bản.

Hạn chế đi lại trong đại dịch đã đẩy nhu cầu mỳ ăn liền toàn cầu lên mức kỷ lục 121,2 tỷ gói vào năm 2022, tăng 2,6% so với năm 2021, theo số liệu của Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới. Thị trường Trung Quốc – Hong Kong vẫn giữ vị trí dẫn đầu, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.

Mỳ ăn liền được sản xuất lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1958. Momofuku Ando, Nhà sáng lập Nissin Foods, nảy ra ý tưởng này khi đất nước đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực sau Thế chiến II.

Đến năm 1971, công ty này ra mắt sản phẩm mỳ ly đầu tiên trên thế giới. Khi có nhiều hương vị khác nhau phù hợp với từng thị trường, mỳ gói nói chung, bao gồm sản phẩm gói và ly, đã lan rộng khắp thế giới.

Phiên An (thei Nikkei)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng