Kết nối với chúng tôi

Khoa học

Vách đá cao 20 tầng phủ đầy dấu chân khủng long

Được phát hành

on

MỹMột vách đá cao 66 m ở Alaska có vô số dấu chân khủng long kỷ Phấn Trắng bao phủ, trong đó có khủng long bạo chúa.

Các nhà nghiên cứu phát hiện bề mặt một vách đá cao 20 tầng phủ đầy dấu chân hóa thạch của hàng chục con khủng long, giống như thể những sinh vật cổ đại thách thức trọng lực để đi lại khắp mặt đá. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự là quá trình địa chất, Live Science hôm 17/8 đưa tin.

Vách đá nằm trong Vườn quốc gia và khu bảo tồn Denali, hiện nay cao 66 m. Nhưng cách đây khoảng 70 triệu năm, vào cuối kỷ Phấn Trắng, vách đá này là trầm tích bùn lầy nhiều khả năng bao quanh một hố nước giữa bãi bồi rộng lớn. Điều đó giúp giải thích nhiều loại dấu chân khủng long đa dạng trên mặt vách đá, bao gồm con non và con trưởng thành của nhiều loài khủng long có sừng và mỏ vịt ăn cỏ, khủng long ăn thịt như raptor, bò sát bay và ít nhất một con khủng long bạo chúa.

Rất lâu sau khi khủng long để lại dấu chân trong khu vực, con đường mòn bị nâng lên và đổ về một bên khi mặt đất dồn về phía trước trong một vụ va chạm mảng kiến tạo, tương tự nắp capô xe bị vênh dưới lực tác động. Hoạt động kiến tạo nằm trong biến động địa chất tạo ra dãy Alaska dài 966 km gần vườn quốc gia Denali, theo Cơ quan Vườn quốc gia.

Nhóm nghiên cứu đặt tên cho khu vực là “The Coliseum” do sự đa dạng của khủng long ở mép nước. Họ công bố phân tích về vách đá trên tạp chí Historical Biology. Vách đá là một phần của vỉa đá lớn cách con đường gần nhất 7 giờ đi bộ. Trước đây, các nhà nghiên cứu khác từng phát hiện loạt dấu chân ở chân vách đá nhưng bỏ sót tổ hợp phức tạp ở bên trên, chủ yếu do phần lớn hóa thạch bị trầm tích lấp đầy. Khi được ánh sáng Mặt Trời rọi qua ở góc độ thích hợp, những dấu chân trở nên rõ ràng hơn nhiều, theo trưởng nhóm nghiên cứu Dustin Stewart, nhà cổ sinh vật học ở công ty Paleo Solutions.

Kiểm tra kỹ hơn, nhóm nghiên cứu nhận thấy dấu chân cực kỳ chi tiết và đẹp mắt, có thể thấy rõ hình dạng ngón chân và kết cấu da. Ngoài ra, vách đá cũng chứa thực vật, phấn hoa, động vật có vỏ và dấu chân chim lội nước. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện sẽ giúp họ phác thảo bức tranh chi tiết về hệ sinh thái 70 năm trước.

An Khang (Theo Live Science)


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khoa học

Công nghệ trên đường sắt vượt biển nhanh nhất Trung Quốc

Được phát hành

on

Đường sắt vượt biển nhanh nhất Trung Quốc với tốc độ tối đa 350 km/h bắt đầu hoạt động hôm 28/9 nối liền các thành phố dọc vùng ven biển phía tây eo biển Đài Loan.

Công nghệ trên đường sắt vượt biển nhanh nhất Trung Quốc

Tuyến đường sắt 350 km/h nối các thành phố ở Phúc Kiến. Video: Xinhua

Một tàu viên đạn khởi hành từ Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến vào 9h15 sáng ngày 28/9 theo giờ địa phương, đánh dấu khánh thành đường sắt cao tốc Phúc Châu – Hạ Môn – Chương Châu dài 227 km, theo CGTN. Là công trình đầu tiên thuộc loại này ở Trung Quốc, đường sắt mới giảm thời gian di chuyển giữa Phúc Châu và Hạ Môn, hai thành phố lớn ở tỉnh Phúc Kiến, xuống 55 phút, theo đơn vị vận hành là Công ty tập đoàn đường sắt Trung Quốc.

Với điểm dừng ở các thành phố Phúc Châu, Phủ Điền, Tuyền Châu, Hạ Môn và Chương Châu, tuyến đường sắt mới là siêu dự án cơ sở hạ tầng mới nhất khánh thành, giúp tăng cường kết nối ở tỉnh Phúc Kiến, nơi phương tiện và hiệu quả giao thông bị hạn chế do địa hình đồi núi.

Quá trình xây dựng bắt đầu năm 2017, tuyến đường sắt ứng dụng nhiều công nghệ thông minh, bao gồm Internet vạn vật, điện toán biên và hệ thống thông tin địa lý, tiến thêm một bước hướng tới xây dựng giao thông thông minh trong nước. Hành khách có thể tận hưởng cảnh biển với 19,9 km đường tàu xây trên biển, chạy ngang qua vịnh Tuyền Châu, vịnh Mi Châu và vịnh An Hải, thông qua những cây cầu mà kỹ sư nói cực kỳ khó thi công.

“Tuyến đường sắt này bao gồm gần như mọi thách thức mà các dự án đường sắt cao tốc trước đây từng đối mặt”, Li Pingzhuo, quản lý dự án ở Công ty khảo sát và thiết kế đường sắt Trung Quốc Siyuan, đơn vị thiết kế, cho biết.

Quá trình thi công ba cây cầu khắc phục thành công những thách thức đặt ra bởi gió mạnh, sóng cao, nước sâu và đặc tính xói mòn của môi trường biển. Theo Li, tuyến đường sắt cũng được gia cố chống động đất do chạy qua khu vực có nguy cơ địa chấn cao.

An Khang (Theo CGTN)


Tiếp tục đọc

Khoa học

Cốc gắn trong má giúp truyền thuốc thay kim tiêm

Được phát hành

on

Thụy SĩNhóm nhà khoa học từ viện nghiên cứu ETH Zurich phát triển cốc hút tí hon gắn vào bên trong má để truyền thuốc vào máu trong vài phút.

Một số loại thuốc chỉ có thể sử dụng qua đường tiêm, dù đa số mọi người không thích phương pháp này. Vấn đề với các loại thuốc tiêm nằm ở chỗ chúng cấu tạo từ những phân tử tương đối lớn. Những phân tử đó sẽ bị hệ tiêu hóa phá vỡ nếu dùng thuốc bằng đường uống, hơn nữa, chúng quá lớn để đi vào máu thông qua thành ruột. Chúng cũng quá lớn để có thể đi qua màng nhầy tạo nên lớp lót bên trong của má (gọi là niêm mạc má) và mặt dưới lưỡi.

Để giải quyết những vấn đề này, nhóm nhà khoa học tại viện nghiên cứu ETH Zurich (Thụy Sĩ), phát triển cốc hút tí hon lấy cảm hứng từ bạch tuộc, New Atlas hôm 29/9 đưa tin. Thiết bị rộng 10 mm, dày 6 mm, nạp đầy các loại thuốc tiêm nói trên, sau đó dán vào lớp lót trong má chỉ bằng cách dùng hai ngón tay ấn vào vị trí. Chiếc cốc kéo căng màng nhầy bên dưới, khiến nó trở nên dễ thấm qua hơn.

Để tăng thêm khả năng thấm, các nhà khoa học thêm vào thuốc một chất hóa học có nguồn gốc tự nhiên, tạm thời làm lỏng mạng lưới tế bào của màng. Kết quả là, thuốc được vận chuyển qua niêm mạc má và đi vào máu chỉ trong vài phút.

Trong các thử nghiệm với chó (không gây tổn hại), cốc hút đã đưa thuốc vào máu thành công. Những chiếc cốc rỗng cũng đã được thử nghiệm trên 40 người, hầu hết nói rằng họ thích phương pháp này hơn tiêm. Những chiếc cốc vẫn gắn trong má của tình nguyện viên khoảng nửa tiếng mà không gây ra bất cứ sự khó chịu nào.

“Chúng tôi có một nguyên mẫu và đã được cấp bằng sáng chế cho công nghệ này. Bước tiếp theo của chúng tôi là sản xuất cốc hút sao cho đáp ứng được các quy định dược phẩm hiện nay”, Nevena Paunović, chuyên gia tại ETH, người dẫn dắt nghiên cứu cùng với David Klein Cerrejon, cho biết.

Cốc hút đang được thương mại hóa qua công ty Transire Bio. Nghiên cứu về thiết bị này được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Thu Thảo (Theo New Atlas)


Tiếp tục đọc

Khoa học

Con voi hiếm nhất thế giới

Được phát hành

on

AnhDù Motty chết chưa đầy hai tuần sau khi chào đời năm 1978, nó vẫn giữ vững danh hiệu khác thường trong sách Kỷ lục Thế giới Guinness, đó là “con voi hiếm nhất thế giới”, theo IFL Science.

Motty là trường hợp duy nhất được xác nhận là con lai giữa voi châu Phi (Loxodonta africana) và voi châu Á (Elephas maximus). Nó chào đời ngày 11/7/1978 tại vườn thú Chester ở Anh và được đặt tên theo nhà sáng lập George Mottershead. Xác nhận thông qua mẫu vật mô lấy từ con voi đực non tí hon, cá thể này là kết quả từ sự lai ghép giữa voi châu Phi đực Jumbolino và voi châu Á cái Sheba.

Khi voi cái Sheba mang thai lần đầu, các chuyên gia không nghi ngờ nhiều về danh tính voi bố bởi Jumbolino là con voi đực duy nhất ở cùng chuồng với nó. Tuy nhiên, họ vẫn hoài nghi liệu hai loài khác nhau có thể sinh ra con non sống được hay không. Hai loài voi này không thể ghép đôi trong tự nhiên do khoảng cách địa lý khổng lồ ngăn cách phạm vi sinh sống tự nhiên của chúng trên hai châu lục khác nhau. Ngoài ra, chúng không chỉ khác loài mà còn khác cả chi, có nghĩa chúng cách nhau tương đối xa trên cây di truyền.

Voi châu Phi và voi châu Á có một số khác biệt về đặc điểm hình thể. Voi châu Phi lớn hơn, cao 3 – 4 m từ ngón chân tới vai trong khi voi châu Á chỉ cao 2 – 3,5 m. Chúng cũng có đôi tai lớn hơn nhiều, tiến hóa hoàn hảo để nhiệt tỏa ra khỏi cơ thể trên đồng cỏ, thường có nhiều nếp da nhăn hơn.

Là con lai của hai loài, Motty có những đặc điểm của cả voi bố và mẹ. Hình dạng đầu và đôi tai lớn hơn giống voi châu Phi, nhưng nó cũng có 5 móng chân ở bàn chân trước và 4 móng ở bàn chân sau, đặc điểm của voi châu Á. Không may là Motty có khởi đầu không suôn sẻ từ khi chào đời. Sinh non 6 tuần, nó cực kỳ nhẹ cân và cần bác sĩ thú y chăm sóc tích cực để sống sót. Chỉ 10 ngày sau khi chào đời, nó chết vì viêm ruột hoạt tử, một vấn đề đường ruột nghiêm trọng ở động vật mới sinh.

Motty chết vào ngày 21/7/1978. Kết quả khám nghiệm sau đó cho thấy nó nhiễm vi khuẩn E.coli ở cả ruột kết và dây rốn. Sau khi nó chết, thi thể con voi đặc biệt này được bảo quản trong bộ sưu tập tư nhân và lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại London.

An Khang (Theo IFL Science)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng