Kết nối với chúng tôi

Khoa học

Quá trình biến Sahara từ rừng rậm thành sa mạc

Được phát hành

on

Việc mất đi nguồn hơi ẩm khổng lồ từ biển và độ che phủ thực vật giảm khiến Sahara biến đổi từ ốc đảo xanh tươi thành sa mạc nóng lớn nhất thế giới.

Hàng triệu năm trước, Sahara là một ốc đảo phủ đầy cây cối và đồng cỏ. Nhưng hiện nay, đây là sa mạc nóng lớn nhất thế giới với diện tích tương đương nước Mỹ. Trong phần lớn thế Cổ Tân và thế Thủy Tân cách đây 34 – 66 triệu năm, khu vực phía nam và trung tâm Sahara có khí hậu nóng và ẩm ướt nhờ mưa xích đạo. Phong hóa hóa học xảy ra bên dưới lớp đất mặt đầy cây cối rậm rạp và giàu chất hữu cơ. Đá lộ ra gần mặt đất bị phong hóa tới độ sâu lên đến 50 m.

Trong suốt thế Trung Tân sau đó (5,3 – 23 triệu năm trước), khu vực này trải qua quá trình vận động nâng lên cũng như khô hạn do khí hậu. Tình trạng khô hạn càng trầm trọng bởi hai yếu tố riêng biệt. Một là biển Tethys thu hẹp vào cuối thế Trung Tân khi châu Phi dịch chuyển về phía bắc hướng tới đại lục Á – Âu. Biển Địa Trung Hải là vết tích còn sót lại của vùng biển từng trải rộng mênh mông này.

Kết quả là phía bắc châu Phi mất đi nguồn cung cấp độ ẩm dồi dào thổi từ biển Tethys. Yếu tố quan trọng thứ hai là hiện tượng mát dần toàn cầu cách đây 6 – 8 triệu năm, dẫn tới sự lan rộng của hệ sinh thái cây cỏ và động vật hiện đại như chúng ta quen thuộc ngày nay.

Vận động nâng lên không đều trên khắp Sahara vào thế Trung Tân, kết hợp với khô hạn và giảm thực vật che phủ dẫn tới thời kỳ xói mòn dữ dội của lớp phủ Trái Đất. Tại nhiều nơi ở Sahara hiện nay, những khối đá cuội lớn bằm chênh vênh trên viên đá nhỏ hơn là dấu tích của quá trình trên. Vận động nâng lên của Sahara gây ra một loạt xói mòn dòng chảy. Sông ngòi chảy từ vùng cao làm lắng đọng sỏi cát và đất sét trên khắp Sahara.

Nguồn gốc sa mạc hóa của Sahara có thể đến từ khoảng thời gian này. Tuy nhiên, Sahara không hoàn toàn khô cằn vào thế Trung Tân như ngày nay. Có những thời gian dài khí hậu ẩm ướt hơn, cho phép thực vật Địa Trung Hải chậm rãi di cư về phương nam, tới khu vực phía nam và trung tâm Sahara, trong khi cây cối từ khu vực nhiệt đới ẩm di chuyển dần về phương bắc.

Hàng loạt sự kiện đặc biệt diễn ra cuối thế Trung Tân cách đây 5,33 – 5,96 triệu năm. Trong thời gian đó, biển Địa Trung Hải nhiều lần bị ngăn cách với Đại Tây Dương, khô cạn vài thế kỷ mỗi lần và trở thành sa mạc muối. Một số nhà địa chất học cho rằng quá trình khô cạn lặp lại của biển Đại Trung Hải do chuyển động kiến tạo gây ra trong khi các nhà nghiên cứu khác nghi ngờ nguyên nhân đến từ biến động ở mực nước biển. Bất kể nguyên nhân là gì, sự khô cạn của biển Địa Trung Hải khiến miền bắc châu Phi tiếp tục mất đi nguồn hơi ẩm lớn. Kết quả là sự xuất hiện dần dần của vùng đất rộng lớn và khô cằn là sa mạc Sahara ngày nay.

An Khang (Theo Live Science)


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Khoa học

‘Tận dụng AI sẽ đi trước đối thủ’ – VnExpress

Được phát hành

on

Các chuyên gia cho rằng sự phát triển của AI là tất yếu, doanh nghiệp nào tận dụng được AI doanh nghiệp đó sẽ đi trước đối thủ, tại AI4VN23, chiều 21/9.

Tại wokshop “Tương lai của trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong doanh nghiệp” chiều 21/9 trong khuôn khổ AI4VN23, GS. TS Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa -Trường – Viện Công nghệ Thông tin – Truyền thông Việt Nam (FISU) cho biết AI tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho sự phát triển.

Theo giáo sư, một trong những lý do khiến AI thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp là bởi được xem như giải pháp “một vốn trăm lời”. Báo cáo từ các tổ chức quốc tế phân tích dữ liệu kinh doanh của 12 lĩnh vực trên toàn thế giới cho thấy, ứng dụng AI giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15-20%. Thị trường AI thế giới dự tính sẽ đạt 15.700 tỷ USD vào năm 2030.

Tại Việt Nam, giáo sư cho rằng, sự phát triển của AI đang được hỗ trợ bởi cả ba yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Thiên thời là sự khuyến khích sự phát triển của hai bộ Khoa học Công nghệ và Thông tin Truyền thông cũng như Chính phủ. Địa lợi là Việt Nam có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và trường học tham gia nghiên cứu và phát triển AI. “Chúng ta có 7 doanh nghiệp lớn, gần 100 start-up làm về phát triển AI, và khoảng 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng AI tạo nên sự phong phú cho thị trường”, ông Thuỷ cho biết. Còn nhân hòa chính là Việt Nam có những nhân lực có trình độ cao về AI.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phát triển AI tại Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khi phải “chiến đấu” với các ông lớn về công nghệ của thế giới ngay trên sân nhà. Phân tích thêm, giáo sư Thuỷ cho rằng muốn có những sản phẩm AI mạnh đáp ứng nhu cầu người dùng thì phải có kho dữ liệu lớn và phải dãn nhãn mang đặc thù Việt Nam. “Việc này không dễ, cần có sự quan tâm của nhà nước và sự chung tay của nhiều ban ngành”, giáo sư nói.

AI có thể tạo ra những sản phẩm cho xã hội song cũng mang lại những rủi ro. Ông Thủy ví von, người dùng có thể ăn các món AI thấy ngon, nhưng để làm ra món ăn đó cần các nguyên liệu chính là các dữ liệu. Dữ liệu được lấy từ đa nguồn, nếu không kiểm chứng có thể khiến người dùng ăn phải những món không phù hợp như vô tình xâm thực văn hóa, lệch chuẩn đạo đức hay các giá trị xã hội, vi phạm bản quyền.

Đồng quan điểm, GS. TS Nguyễn Lê Minh, Giám đốc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo giải thích, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) khi trình bày bài tham luận Trí tuệ nhân tạo tạo sinh đối với doanh nghiệp” cũng cho rằng, đôi khi câu trả lời của AI không chính xác, AI có thể bịa đặt vì trong bài toán mô hình ngôn ngữ lớn và mô hình kính tế tạo sinh thì hallucinations (ảo giác) là một bài toán rất khó, như là một thắt nút cổ chai. Ngoài ra, khi sử dụng AI, trong các câu hỏi, đôi khi người dùng có thể để lộ thông tin cá nhân, về quyền riêng tư, bảo mật… và AI sẽ lưu trữ ở đâu đó. Thêm một mối lo lắng nữa là AI có thể làm thay đổi thị trường lao động và khiến nhiều người mất việc.

Giáo sư Thủy cũng cho rằng, khi tạo ra một sản phẩm công nghệ, lý tưởng nhất là zero-error (không có sai lệch). Nhưng thực tế, không có gì không có lỗi và chúng ta cũng phải chấp nhận AI có lỗi. Quan trọng là trở thành người tiêu dùng thông minh, không tin vào AI 100% tương tự không bao giờ tin vào bất kỳ điều gì tuyệt đối.

Dù vậy, các chuyên gia đều cho rằng sự phát triển của AI là tất yếu. Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy cho rằng bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào đều dẫn đến sự tổn thương cho một nhóm nào đó. Xu thế phát triển của thế giới là càng ngày càng gia tăng chất lượng cuộc sống và giải phóng sức lao động của con người. “Nếu giữ tư duy sáng tạo thì nông dân, công nhân, nhân viên… sẽ biết tận dụng tiến bộ công nghệ, từ đó tăng hiệu quả làm việc, tạo giá trị gia tăng cho từng công việc”, giáo sư nhận xét.

Theo các chuyên gia dù có rủi ro song AI sẽ phát triển vì những lợi ích mà nó mang lại. Giáo sư Nguyễn Lê Minh khẳng định, AI đem lại những lợi ích lớn trong thời đại số. Trí tuệ nhân tạo với mô hình ngôn ngữ tạo sinh như ChatGPT, Brad, LaMDA được xem như công nghệ thay đổi thế giới.

Đứng đầu một start-up công nghệ, Chủ tịch AI Next Global – ông Cao Xuân Hoài Vương cho rằng AI không phải là một xu thế tạm thời mà là một bước ngoặt của kỷ nguyên, tác động vào tất cả lĩnh vực kinh tế, y tế, sức khỏe… Các doanh nghiệp hoặc sử dụng AI hoặc bị tụt hậu, ông Vương nói.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách thúc đẩy phát triển AI như Nhật Bản, Singapore đều có các chiến lược phát triển AI. Tại Việt Nam, ông Vương cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng AI cần vai trò định hướng của các bộ ngành, coi AI là cơ hội để doanh nghiệp phát triển và vươn lên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Big Tech và Start-up AI nên kết hợp với nhau để cùng phát triển. Các Bộ ban ngành, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đào tạo cho toàn dân cách ứng dụng AI vào kinh doanh và sản xuất, để từ đó họ hiểu rằng “AI dễ sử dụng, nâng cao năng suất”. “Khi các doanh nghiệp ứng dụng AI vào thực tế, tạo ra kết quả và mang lại lợi nhuận sớm thì họ sẽ mặn mà với công nghệ mới này”, ông Vương nói.

AI4VN sẽ tiếp tục diễn ra ngày hôm nay (22/9) với các diễn đàn AI Summit, CTO Summit. Xuyên suốt hai ngày là không gian triển lãm AI Expo với 30 gian hàng triển lãm các sản phẩm công nghệ nổi bật.

AI4VN 2023 có chủ đề “Sức mạnh cho cuộc sống”, diễn ra tại Riverside Palace, 360D Bến Vân Đồn, quận 4, TP HCM. Ngày hội do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin – Truyền thông (FISU).

Hoàng Anh


Tiếp tục đọc

Khoa học

Xây dựng tiêu chuẩn để sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm – VnExpress

Được phát hành

on

Chuyên gia gợi ý các cách tiếp cận về trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm đó là xây dựng tiêu chuẩn, xem xét mức độ rủi ro ứng dụng công nghệ và hướng lợi ích người dùng cuối đối với công nghệ này.

Tại workshop “Sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm”, do Đại sứ quán Anh tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2023), chiều 21/9, ông Christopher Thomas, Viện Alan Turing, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo hiệu quả và có trách nhiệm.

Ở khía cạnh quản trị sử dụng AI trong dịch vụ công, ông cho hay cách tiếp cận sẽ tùy vào bối cảnh từ nhiều góc độ khác nhau, phụ thuộc giá trị hệ thống trí tuệ nhân tạo tác động lên từng ngành như y tế, thương mại. Mỗi ngành có các hướng dẫn thông lệ xây dựng tiêu chuẩn khác nhau, tiêu chuẩn từng ngành cũng khác do đó cũng đòi hỏi cần có tiêu chuẩn để sử dụng AI tốt hơn. “Sách trắng quy định về trí tuệ nhân tạo nhấn mạnh vai trò tiêu chuẩn giúp đáp ứng hệ thống pháp lý và nhằm sử dụng AI có trách nhiệm”, ông nói.

Hiện nay, tại Anh phát triển trung tâm tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo nhằm thúc đẩy sử dụng AI có trách nhiệm (AI Standards Hub). Trung tâm tiêu chuẩn AI có vai trò quan trọng giúp các bên vừa có tiêu chuẩn chung nhưng vẫn thực hiện được nhiệm vụ đặc thù. Các quy định được được chuẩn hóa giúp khai phá tiềm năng, là công cụ để thực hiện đổi mới sáng tạo, đồng thời trao quyền cho các bên liên quan được tham gia xây dựng tiêu chuẩn.

Ông nói thêm, AI Standards Hub thực hiện với 5 tiêu chuẩn, trong đó tiêu chuẩn cơ bản có ngôn ngữ chung để thuận lợi trong chia sẻ cơ sở dữ liệu như định nghĩa minh bạch là gì, khả năng tương thích là gì. Bên cạnh đó có các tiêu chuẩn quy trình quản lý, tiêu chuẩn đo lường, tương thích và kết nối. Theo chuyên gia Anh, cần đa dạng các bên tham gia quá trình chuẩn hóa AI và ban hành hướng dẫn cụ thể sử dụng AI có trách nhiệm. “Để thực hiện, các bên có thể tham gia cập nhật thông tin dữ liệu mở, hợp tác kết nối cộng đồng, đào tạo online chia sẻ kiến thức và chiến lược để tư vấn phân tích cho chính phủ”, ông nói.

Làm rõ hơn về cách sử dụng công nghệ AI có trách nhiệm, TS Allaine Cerwonka, Viện Alan Turing nêu kinh nghiệm tiếp cận các quy định AI chính phủ Anh. Bà dẫn Chiến lược quốc gia về AI của Anh thông qua năm 2021, được định hướng cụ thể gồm các báo cáo trách nhiệm sử dụng AI, cách thức thương mại AI, đẩy mạnh ứng dụng phát triển. Sách trắng quy định về trí tuệ nhân tạo cũng có những quy định rõ ràng và đưa ra công cụ tư vấn cho chính phủ. “Sách trắng nêu rõ định nghĩa AI, lát cắt liên quan đến các ngành, lĩnh vực nào cùng nêu ra phương thức quản trị AI để đưa phục vụ cuộc sống con người, cách sử dụng sao cho hiệu quả”, bà nhấn mạnh.

Bà cũng chỉ ra thực tế AI đang phát triển quá nhanh do đó cần tiếp cận ở góc độ con người, kết nối cộng đồng để cùng nhau giải quyết các thách thức. Theo bà, có thể đưa ra ở cấp độ quốc gia nhằm xây dựng thảo luận đa chiều, hoặc triển khai các khung thể chế thử nghiệm (sandbox) và tiêu chuẩn để định dạng sản phẩm AI (như ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, y tế, công cụ thử nghiệm).

Chuyên gia Anh cũng gợi ý quyết định chính sách xem xét giá trị AI có trách nhiệm, trong đó hướng tới giá trị có lợi cho người dân. Ông Pablo Fuentes Nettel, chuyên gia tư vấn cao cấp tại Oxford Insights, đánh giá Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển ứng dụng AI. Ông nhìn nhận Chính phủ đi đầu trong sử dụng trí tuệ nhân tạo trách nhiệm nhưng cũng là người dùng cuối cùng. Gợi ý giải pháp, ông cho rằng cần chuẩn bị nguồn lực về AI, hình thành quan điểm đạo đức, phát triển cơ sở hạ tầng để cung cấp công nghệ đúng, hướng tới lợi ích của người dùng.

Cách tiếp cận này được nhiều chuyên gia, diễn giả đồng tình. Ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, cho biết thực tế Việt Nam chưa có khung chương trình, định nghĩa và chiến lược cụ thể về sử dụng AI có trách nhiệm nhưng các doanh nghiệp bước đầu đã tuân thủ giá trị cốt lõi nhằm thúc đẩy. Là doanh nghiệp trực tiếp tạo ra sản phẩm AI, ông cho biết “use case” quan trọng hướng tới có lợi cho người dùng cuối cùng. Ông đánh giá để tạo sản phẩm AI tốt nhất, bài toán đặt ra là khách hàng có mức trưởng thành công nghệ thấp hay cao vẫn có thể tiếp cận về AI dễ dàng và dễ sử dụng nhất. Doanh nghiệp cũng có thể cải thiện thông qua trải nghiệm khách hàng, đảm bảo tính bao trùm và độ chính xác, trong khi người sử dụng chia sẻ và kết nối dữ liệu thực tế.

TS Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ, nhìn nhận, đơn vị phát triển cần hướng tới người dùng cuối và tham gia kết nối khu vực công, tư. “Nhà phát triển phải đảm bảo hệ thống dựa trên nguyên tắc, đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chí AI có trách nhiệm”, ông nói. Với người dùng cuối có thể phản hồi vấn đề gặp phải với nhà phát triển, chia sẻ dữ liệu thực tế, tham gia đóng góp thúc đẩy sử dụng rộng rãi, giúp nhận dạng điểm yếu để khắc phục.

Ngày hội AI4VN do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, báo VnExpress tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa – Viện – Trường Công nghệ thông tin – Truyền thông (FISU). Qua 5 năm tổ chức, AI4VN thu hút hơn 10.000 người tham gia, hơn 100 diễn giả cùng bàn thảo nhằm phát triển hệ sinh thái AI bền vững tại Việt Nam.

Như Quỳnh


Tiếp tục đọc

Khoa học

Tuần sau diễn ra siêu trăng cuối cùng của năm 2023

Được phát hành

on

Siêu trăng ngày 29/9 mang tên “trăng thu hoạch”, là lần trăng tròn diễn ra gần nhất với ngày đầu tiên của mùa thu.

Siêu trăng là trăng tròn có thể lớn hơn tới 14% và sáng hơn 30% so với Mặt Trăng mờ nhất trong năm. Nguyên nhân là khi siêu trăng diễn ra, Mặt Trăng ở điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo, gọi là cận điểm (perigee), theo NASA.

Dù siêu trăng hôm 29/9 tới đây không phải siêu trăng lớn nhất năm – danh hiệu này thuộc về siêu trăng xanh hồi tháng 8 – nó vẫn sẽ lớn hơn mức trung bình. “Khác biệt giữa trăng tròn lần này và siêu trăng tháng 8 chỉ là 4.370 km. Vì vậy, nó sẽ rất gần với mức 14% và 30% của lần trăng tròn lớn nhất năm”, Noah Petro, nhà khoa học của dự án Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng tại NASA, cho biết.

Siêu trăng tuần sau được gọi là “trăng thu hoạch” vì diễn ra vào khoảng thời gian mà nông dân ở Bắc bán cầu sẵn sàng thu hoạch mùa màng. Dù không gần hay sáng như siêu trăng tháng 8, nó có thể mang màu vàng đậm, cam hoặc đỏ, đặc biệt là khi mới mọc lên từ đường chân trời.

Petro cho biết, Mặt Trăng chỉ thay đổi màu sắc khi mọc hoặc lặn ở đường chân trời, hoặc trong thời gian diễn ra nguyệt thực. Lý do cũng tương tự như với hiện tượng Mặt Trời mọc và Mặt Trời lặn màu đỏ. “Khí quyển Trái Đất tán xạ ánh sáng, ngoại trừ màu đỏ hoặc cam”, Petro giải thích. Các yếu tố khí quyển như mây, khói, bụi cũng có thể làm thay đổi màu sắc và độ sáng của Mặt Trăng.

Mặt Trăng mọc là thời điểm tốt nhất để quan sát kích thước lớn của siêu trăng. Khi Mặt Trăng ở gần đường chân trời, những vật thể ở tiền cảnh như cây cối, tảng đá, có thể mang đến cảm nhận rõ ràng về độ lớn. Kết quả là, Mặt Trăng trông lớn nhất vào thời điểm này, theo NASA.

Thu Thảo (Theo Business Insider)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng