Kết nối với chúng tôi

Giáo dục

5 thành phố tốt nhất để du học ở Canada

Được phát hành

on

Toronto, bang Ontario, được đánh giá là thành phố tốt nhất cho sinh viên quốc tế tại Canada.

Canada thuộc top điểm đến du học hấp dẫn nhất thế giới, thu hút khoảng 800.000 sinh viên quốc tế, theo The Pie News hồi năm ngoái. Con số này chỉ thấp hơn số sinh viên quốc tế ở Mỹ.

Điểm hấp dẫn đặc biệt của Canada với du học sinh là các chính sách hỗ trợ của chính phủ về việc làm và nhập cư. Cụ thể, Canada cho sinh viên quốc tế ở lại làm việc trong ba năm sau khi tốt nghiệp (chương trình PGWP), giúp họ tích lũy điểm định cư. Những người có điểm cao nhất có thể nộp đơn xin trở thành thường trú nhân theo diện tay nghề.

Chí phí du học (học phí, sinh hoạt phí) trung bình ở Canada khoảng 30.000-50.000 CAD (500-800 triệu đồng) một năm, được đánh giá là cạnh tranh so với Mỹ hay Australia.

Các thành phố tốt nhất để du học ở Canada gồm Toronto, Ottawa, Vancouver, Montreal và Quebec. Trong đó, Toronto và Ottawa là nơi tập trung hơn một nửa sinh viên quốc tế ở Canada.

Dưới đây là xếp hạng cụ thể, theo QS:

1. Toronto

Toronto là thành phố đông dân nhất Canada, xếp thứ 11 thế giới trong danh sách thành phố tốt nhất dành cho du học sinh. Năm nay, có ba trường tại Toronto lọt vào bảng xếp hạng đại học của QS. Đại học Toronto dẫn đầu với vị trí 21.

Nơi đây là trung tâm tài chính của Canada với nhiều cơ hội cho sinh viên sau tốt nghiệp. Những ngành nghề có nhiều việc làm là tài chính, truyền thông, du lịch và dữ liệu.

Học tập tại Toronto nhìn chung khá tốn kém so với các thành phố khác ở Canada. Theo Numbeo, một trang web thống kê dữ liệu trực tuyến, trung bình một người độc thân cần khoảng 1.000 USD (23 triệu đồng) chi phí sinh hoạt và 1.500 USD cho căn hộ một phòng ngủ mỗi tháng. Học phí với sinh viên quốc tế ở các đại học trung bình là 27.000 USD (khoảng 650 triệu đồng) một năm.

2. Montréal

Đây là thành phố đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Montréal cũng thường xuyên có mặt trong danh sách những nơi đáng sống nhất trên thế giới nhờ các hoạt động văn hóa đa dạng quanh năm.

Học phí trung bình cho bậc đại học tại Montréal là 14.400 USD một năm (gần 350 triệu đồng). Hai trường danh giá nhất của thành phố này là Đại học McGill (xếp thứ 30 trên thế giới) và Đại học Montréal (thứ 141) thu học phí cao hơn, khoảng 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng). Sinh viên sống ở trung tâm thành phố cần thêm gần 2.000 USD mỗi tháng cho tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt.

Ngoài văn hóa, Montréal cũng là trung tâm của một số lĩnh vực ở bang Quebec, bao gồm công nghệ, tài chính, bán lẻ, sản xuất, dược phẩm, giao thông vận tải và thương mại. Sinh viên có nhiều cơ hội được làm việc tại doanh nghiệp địa phương và quốc tế trong các lĩnh vực trên.

3. Vancouver

Vancouver thuộc bang British Columbia, nổi tiếng vì phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Trong số 5 điểm đến trong danh sách, nơi đây được đánh giá có chỉ số an toàn cao, mức độ ô nhiễm thấp và được nhiều sinh viên muốn tới học nhất.

Ngôi trường uy tín nhất tại Vancouver là Đại học British Columbia, xếp thứ 34 trên thế giới. Học phí năm 2024 của trường với sinh viên quốc tế khoảng 45.000 USD (một tỷ đồng) một năm.

Nhìn chung, học phí trung bình cho sinh viên quốc tế bậc đại học là 25.300 USD (605 triệu đồng) mỗi năm. Sinh viên sống tại trung tâm thành phố sẽ tốn khoảng 2.500 USD/tháng cho tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác.

Vancouver có nhiều cơ hội việc làm dành cho các cử nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại quốc tế, truyền hình, xây dựng và du lịch.

4. Ottawa

Là thủ đô của Canada, Ottawa được nhiều sinh viên ưa thích vì nền văn hóa đa dạng. Nơi đây có trụ sở của chính phủ Canada và nhiều ngành công nghiệp trọng điểm, tập trung các công ty về công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe.

Ottawa được mệnh danh là “Thung lũng Silicon phía Bắc”. Đây là quê hương của các công ty công nghệ như Shopify, Corel và Mitel. Các công ty đa quốc gia như Nokia và IBM cũng đặt cơ sở tại đây, đem lại nhiều cơ hội làm việc cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Trường đại học nổi tiếng nhất tại thành phố này là Đại học Ottawa, xếp thứ 203 thế giới. Năm học tới, sinh viên quốc tế sẽ phải trả từ khoảng 11.000 USD cho mỗi học kỳ tại đây.

Mặc dù Ottawa cùng nằm trong bang Ontario như Toronto nhưng thành phố này có chi phí sinh hoạt rẻ hơn. Trung bình một sinh viên sống một mình tại Ottawa sẽ tốn không quá 2.300 USD hàng tháng cho tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.

5. Quebec

Đây là thủ phủ của bang Quebec, nổi tiếng với các di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc lâu đời cùng phong cảnh thiên nhiên đẹp.

Hơn 75% người Quebec coi tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Các trường đại học tại đây chủ yếu giảng dạy bằng tiếng Pháp.

Hai trường tốt nhất ở Quebec gồm Đại học Laval và Đại học Québec. Năm học tới, sinh viên trường Laval phải trả khoảng 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) học phí, còn sinh viên đại học Quebec chỉ mất hơn một nửa số đó.

Chi phí trung bình của một sinh viên quốc tế tại Quebec thấp nhất trong số 5 thành phố. Học phí trung bình cho bậc cử nhân ở đây là 15.300 USD (270 triệu đồng) một năm. Sinh viên cần chi khoảng 2.200 USD mỗi tháng cho phí sinh hoạt và nhà ở.

Các ngành nghề có nhiều việc làm nhất hiện nay tại Quebec gồm dịch vụ công, bán lẻ, sản xuất, khoa học kỹ thuật và xây dựng.

Khánh Linh (Theo QS, The Pie News, Erudera)


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giáo dục

Hàn Quốc hạn chế phụ huynh tiếp xúc với giáo viên

Được phát hành

on

Phụ huynh sẽ phải xin phép để được gặp trực tiếp giáo viên và bị ghi âm nếu nói chuyện qua điện thoại.

Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul ngày 19/9 công bố các biện pháp mới để bảo vệ quyền của giáo viên tại trường học.

Cụ thể, một chatbot (rô-bốt trò chuyện trực tuyến) sẽ được đưa vào trường học để thay giáo viên giải quyết các khiếu nại đơn giản, lặp đi lặp lại từ phụ huynh. Dịch vụ này được thí điểm hoạt động 24/7 vào tháng 12, sau đó áp dụng tại tất cả trường, từ tiểu học đến trung học ở thủ đô vào tháng 3/2024.

Theo Văn phòng Giáo dục thủ đô Seoul, những khiếu nại riêng tư của phụ huynh sẽ được chuyển đến tổng đài của văn phòng giáo dục hoặc dịch vụ trò chuyện cá nhân. Những phụ huynh có vấn đề với trường của con sẽ được hướng dẫn liên lạc qua số điện thoại của trường để được giúp đỡ. Giáo viên không phải trực tiếp xử lý các vấn đề trên.

Ngoài ra, từ tháng 9 năm sau, phụ huynh muốn gặp trực tiếp giáo viên sẽ phải xin phép trước thông qua một ứng dụng di động. Đến cuối năm 2024, tất cả trường tiểu học ở Seoul sẽ được lắp máy ghi âm điện thoại. Một hệ thống giám sát video cũng sẽ được đặt tại các phòng họp trong trường để bảo vệ giáo viên trước bất cứ hành vi tấn công bằng lời nói hoặc thể chất nào từ phụ huynh.

Cùng đó, Văn phòng Giáo dục Seoul cũng có kế hoạch triển khai một hệ thống hỗ trợ pháp lý cho giáo viên. Theo đó, một luật sư sẽ được chỉ định đến từng trường để tư vấn pháp lý cho những giáo viên bị cha mẹ học sinh khiếu nại.

Các biện pháp trên nằm trong một loạt động thái của Hàn Quốc nhằm bảo vệ giáo viên, sau khi một số người tự tử vì bị cha mẹ học sinh khiếu nại.

Giáo viên tại Hàn Quốc được cho là đang phải đối mặt với cơn ác mộng đến từ cha mẹ học sinh. Nhiều người bị phụ huynh khiếu nại hoặc kiện cáo vì có biện pháp kỷ luật với hành vi sai trái của con em họ, ngay cả khi đó là những biện pháp hợp lý. Các giáo viên và chuyên gia giáo dục cho biết kể cả khi bị buộc tội sai họ vẫn có thể bị đình chỉ làm việc và phải tự bào chữa trước tòa.

Nỗi sợ phải đối mặt với những cáo buộc đã khiến giáo viên không dám phản ứng trước những học sinh ngỗ ngược, tạo điều kiện cho một số phụ huynh quấy rối họ. Các chuyên gia cho biết những cuộc gọi và tin nhắn lăng mạ từ phụ huynh, cộng với áp lực công việc, đã gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của nhiều giáo viên.

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, khoảng 100 giáo viên trường công tự tử từ năm 2018 tới tháng 6 năm nay, hơn một nửa trong số đó là giáo viên tiểu học. Số giáo viên nghỉ việc ở các trường công cũng cao kỷ lục – hơn 12.000 người trong năm qua, tăng 12% so với năm ngoái.

Ngoài nỗ lực bảo vệ giáo viên khỏi bị tấn công trực tiếp, chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ tinh thần cho họ. Theo thông tin từ cuộc họp báo giữa Bộ Giáo dục và Bộ Y tế nước này ngày 15/9, nhà chức trách sẽ kiểm tra sức khỏe tinh thần cho tất cả giáo viên, nếu họ muốn. Những người có nhu cầu sẽ được tư vấn, trị liệu tâm lý tại các trung tâm của nhà nước hoặc y tế tư nhân.

Khánh Linh (Theo The Korea Times, The New York Times)


Tiếp tục đọc

Giáo dục

Chàng trai điếc có 4 bằng đại học

Được phát hành

on

Sinh ra trong gia đình nghèo ở Thái Bình, lại điếc một bên tai trái, Trần Việt Dũng vẫn chinh phục 4 tấm bằng đại học.

Việt Dũng hoàn thành bốn bằng đại học chính quy trong 6,5 năm, trong đó hai bằng giỏi về Kinh tế, Luật Hai bằng còn lại là cử nhân Ngôn ngữ Anh và Tài chính – Ngân hàng.

Hiện, Dũng là giáo viên dạy tiếng Anh ở TP HCM. Chàng trai 31 tuổi thi đạt 8.0 IELTS, trong đó kỹ năng Đọc đạt 9, Nghe 8.5 ở lần thi hôm 10/8. Còn với chứng chỉ TOEIC, Dũng đạt điểm tối đa – 990.

Dũng kể bị điếc một bên tai, di chứng của căn bệnh viêm màng não lúc chưa đầy một tuổi. Mãi tới năm 9 tuổi, gia đình mới phát hiện con không nghe được nhưng lúc đó đã quá muộn để can thiệp. Theo kết quả soi tai mũi họng của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016, anh Dũng bị điếc nặng tai trái.

Dù vậy, Dũng nỗ lực học và đỗ vào trường THPT chuyên Thái Bình. Ngưỡng mộ các anh chị khóa trên thi đỗ Ngoại thương nên năm 2010, anh cũng đăng ký thi vào ngôi trường này. Dũng sau đó trúng tuyển ngành Kinh tế, chuyên ngành Thương mại quốc tế của trường.

Vào học, anh được gặp nhiều thấy cô trẻ, chuyên môn giỏi của khoa Tài chính Ngân hàng dạy các môn chung. Được truyền cảm hứng và chia sẻ cơ hội nghề nghiệp, Dũng hứng thú, quyết định đăng ký ngành hai là Tài chính quốc tế ở cuối kỳ một năm thứ nhất.

Nhưng gần hai năm đầu, Dũng bị “khớp” giữa bạn bè học giỏi, nói tiếng Anh trôi chảy.

“Như vịt nghe sấm, nhất là các môn tiếng Anh. Một bên tai của tôi không nghe thấy gì nên đi học khổ lắm”, anh Dũng nhớ lại, cho biết hết năm thứ nhất chỉ đạt điểm trung bình học tập (GPA) 2.64/4.

Lo không theo kịp chương trình, anh tính học thêm khóa tiếng Anh ở trung tâm với học phí hơn 20 buổi là 1,6 triệu đồng, gần bằng tiền ăn một tháng gia đình chu cấp. Nhưng học một khóa chưa thể cải thiện ngay trình độ, trong khi kinh tế gia đình trông chờ vào quán nước nhỏ của mẹ và những cuốc xe ôm của bố. Anh Dũng nhận làm gia sư Toán, Lý, Hóa cho con của chủ nhà trọ và dần dần không phải xin tiền mẹ hàng tháng.

Mong muốn được học tiếng Anh nhiều, chuyên sâu nhưng học phí phải rẻ, Dũng sau đó ôn thi và đỗ ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hồi tháng 6/2012.

Năm 2014, sau khi hoàn thành chuyên ngành Kinh tế đầu tiên ở Ngoại thương, anh chọn học thêm ngành Luật. Anh Dũng giải thích học nhiều ngành vì mong muốn nổi bật trước những người khác, nhất là trong môi trường cạnh tranh của trường. Ngoài ra, khi đó, anh xác định Tài chính là nghề chính, ba bằng còn lại là phụ trợ. Muốn trở thành nhân viên tài chính giỏi, anh không chỉ cần thông thạo tiếng Anh mà còn phải hiểu biết pháp luật.

“Tôi học nhiều nhưng có định hướng. Học vì ham học để phát triển năng lực bản thân chứ không phải học để thể hiện có nhiều bằng”, anh Dũng chia sẻ.

Dũng cho hay có giai đoạn, anh đăng ký 16 môn, 44-48 tín chỉ/kỳ, ở cả ba ngành. Trùng lịch học và lịch thi diễn ra thường xuyên.

“Áp lực thi cử làm tôi phát điên, tính bỏ trường Ngoại ngữ. Nhưng nhớ đến ngày xưa mẹ khát khao học tiếng Nga mà không có điều kiện, tôi lại quyết tâm học thay phần của mẹ”, anh Dũng cho hay. Thời gian biểu của Dũng luôn bắt đầu từ 6h đến 2h hôm sau trong suốt 7 năm.

Để nghe được bài giảng, anh luôn phải đến lớp sớm, ngồi bàn đầu và ghi âm rồi tối nghe lại. Theo anh Dũng, từ nhỏ anh không phải đeo máy trợ thính nên có thể đoán được các cuộc nói chuyện bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, với môn tiếng Anh, vì nghe không chuẩn nên anh khó phát âm đúng.

Để rèn hai kỹ năng này, anh áp dụng phương pháp Shadowing (nhại) và luôn nghe ba lần. Lần đầu nghe với tai nghe cho đến khi thuộc kịch bản, lần hai nghe loa ngoài và lần ba bật từng câu rồi nhắc lại cho đến khi phát âm giống trong băng.

“Cách này rất mất thời gian song hiệu quả. Điếc là một bất lợi nhưng trong hoàn cảnh của tôi hóa ra lại cho tôi tính kiên trì trong việc học”, anh Dũng nói.

Năm 2017, học xong bốn bằng, Dũng vào Sài Gòn làm cho một công ty tài chính nhưng buổi tối vẫn dạy tiếng Anh ở trung tâm. Sau hai năm, anh quyết định toàn tâm với công việc giảng dạy vì muốn truyền cảm hứng học tập và giúp đỡ các học sinh khó khăn không có tiền đi học thêm phần nào.

Không trực tiếp dạy Dũng tại Đại học Ngoại thương nhưng TS Đặng Thị Minh Ngọc, giảng viên chính kiêm chuyên viên phòng Thanh tra – Pháp chế, có hơn chục năm tiếp xúc, trao đổi chuyên môn về Luật với sinh viên này. Theo TS Ngọc, Dũng luôn có ý thức vươn lên, nâng cao trình độ.

“Dũng rất thông minh, lễ phép và cầu tiến. Bạn ấy muốn phát triển sự nghiệp riêng để giúp đỡ được nhiều người. Nghị lực của Dũng khiến tôi nể phục”, TS Ngọc nói.

Bà Bùi Thị Thanh Thúy, mẹ Dũng, tự hào trước thành quả của con trai, cho biết không chỉ học giỏi, Dũng còn ngoan và thương bố mẹ. Từ nhỏ, cậu xác định để thay đổi số phận, không có con đường nào khác ngoài học hành.

Dũng cũng hạnh phúc khi nhìn lại hành trình đã qua.

“Những áp lực trong năm tháng học bốn bằng chưa từng lặp lại trong cuộc đời tôi một lần nào. Điều đó chứng tỏ sự cố gắng đã cho tôi sức mạnh tinh thần lớn. Đấy là điều tôi tự hào nhất”, anh Dũng nói, cho biết sẽ tiếp tục học để giúp đỡ được gia đình và sinh viên nghèo.

Bình Minh


Tiếp tục đọc

Giáo dục

8 đại học Canada hấp dẫn sinh viên quốc tế nhất

Được phát hành

on

Nhiều đại học Canada có khoảng 30% tổng số sinh viên là du học sinh, một số trường thuộc top đầu thế giới.

Theo thống kê do Statista công bố hồi tháng 1, Canada là một trong ba quốc gia đông sinh viên quốc tế nhất trên thế giới. Nước này có nhiều điểm hấp dẫn với du học sinh, như môi trường học an toàn, học phí thấp hơn ở Mỹ và Vương quốc Anh, và chính sách cho phép cử nhân ở lại làm việc (PGWP) thuận lời cho định cư. Chỉ trong năm 2022, Canada đã đón hơn 500.000 sinh viên quốc tế, tăng 24% so với năm 2021.

Sau đây là 8 đại học Canada có tỷ lệ sinh viên quốc tế đông nhất, theo xếp hạng năm nay của Times Higher Education (THE):

1. Đại học British Columbia

Đại học British Columbia có tỷ lệ sinh viên nước ngoài cao nhất trong số tất cả đại học tại Canada – 34% trên tổng số hơn 58.000 sinh viên bậc đại học.

Trường có hai cơ sở, một tại Vancouver và một tại thung lũng Okanagan, bang British Columbia. Đây là trường tốt thứ 3 tại Canada và 34 thế giới theo bảng xếp hạng năm 2024 của QS. Các ngành học được đánh giá cao nhất tại đây là Khoa học động-thực vật, Môi trường/Hệ sinh thái, Khoa học xã hội và Y tế công.

Tỷ lệ chấp thuận của trường là khoảng 50% tại cơ sở Vancouver và 70% tại cơ sở Okanagan. Học phí năm học 2023-2024 của trường đối với sinh viên quốc tế dao động 42.500-58.600 CAD (770 triệu-1 tỷ đồng).

2. Đại học Concordia

Ở vị trí thứ hai về tỷ lệ sinh viên quốc tế là Đại học Concordia. Trường hiện có khoảng 35.400 sinh viên, 34% là du học sinh.

Đại học Concordia nằm tại thành phố Montreal, bang Quebec, được QS xếp hạng là trường tốt thứ 17 tại Canada. Các ngành đào tạo nổi trội của trường là Công trình dân dụng, Kỹ thuật điện-điện tử và Kỹ thuật nói chung.

Tỷ lệ trúng tuyển vào trường là 78%. Năm học này, học phí với sinh viên quốc tế dao động 27.600-33.300 CAD (500-600 triệu đồng).

3. Đại học Simon Fraser

Đại học Simon Fraser là trường có tỷ lệ du học sinh cao thứ ba Canada – 31% trên tổng cộng 37.400 sinh viên bậc đại học.

Simon Fraser có trụ sở tại ba thành phố của bang British Columbia, gồm Burnaby, Surrey và Vancouver. Trường được xếp thứ 13 trong số các đại học tốt nhất Canada. Các ngành đào tạo thế mạnh của trường là Khoa học xã hội, Y tế công, Sức khỏe môi trường và Khoa học máy tính.

Tỷ lệ chấp nhận vào trường trên tổng số ứng viên khoảng 60%. Học phí năm học 2023-2024 của Simon Fraser là 32.700 CAD (590 triệu đồng).

4. McGill

Đại học McGill, tọa lạc tại thành phố Montreal, tỉnh bang Quebec, có số sinh viên nước ngoài cao thứ tư tại Canada. Trong số gần 6.400 sinh viên nhập học năm ngoái, khoảng 1.900 người tới từ các quốc gia khác, chiếm tỷ lệ 30%.

Đây là đại học tốt thứ nhì Canada, thứ 30 toàn cầu, theo QS. Các ngành học chất lượng cao nhất tại đây là Khoa học thần kinh và hành vi, Sinh học phân tử và di truyền học, và Bệnh truyền nhiễm.

Trường chấp nhận khoảng 47% số hồ sơ đăng ký. Sinh viên quốc tế mới nhập học năm nay sẽ phải trả 28.600-68.900 CAD (520 triệu-1,2 tỷ đồng) cho học phí, tùy vào chuyên ngành học.

5. Đại học Windsor

Đại học Windsor, nằm tại thành phố cùng tên, bang Ontario, cũng có gần 30% trên tổng số sinh viên (16.300) là người nước ngoài.

Trường xếp hạng thứ 21 trong danh sách các đại học hàng đầu Canada năm 2024 của QS. Những ngành học uy tín tại đây là Kỹ thuật điện-điện tử, Kỹ thuật và Khoa học máy tính.

Tỷ lệ chấp thuận của Đại học Windsor là khoảng 60%. Mức học phí năm nay dao động 38.400-43.4000 CAD (690-780 triệu đồng) đối với sinh viên quốc tế.

6. Đại học Dalhousie

Nằm tại tỉnh bang Nova Scotia, Đại học Dalhousie có 16.000 sinh viên bậc đại học, trong đó hơn 28% là du học sinh, cao thứ 6 tại Canada.

Là trường nằm trong top 12 đại học tại Canada, Dalhousie đào tạo tốt nhất các ngành Môi trường-Hệ sinh thái, Khoa học địa chất và Tâm thần-Tâm lý học.

Trưởng có tỷ lệ chấp thuận khoảng 70%. Sinh viên nước ngoài mới nhập học năm nay sẽ phải trả 26.000-41.000 CAD học phí (470-740 triệu đồng).

7. Đại học Alberta

Đại học Alberta, nằm tại thành phố Edmonton, tỉnh bang Alberta. Trong số hơn 32.300 sinh viên, 9.100 người là du học sinh, tương đương 28%.

Alberta được cả QS và US News xếp hạng là đại học tốt thứ tư ở Canada. Trường được đánh giá cao nhất ở các chuyên ngành Tiêu hóa và Gan, Khoa học nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm.

Tỷ lệ trúng tuyển vào trường là 58%. Năm học này, học phí của trường với du học sinh từ 29.200 đến 96.500 CAD (530 triệu-1,7 tỷ đồng).

8. Đại học York

Đại học York, tọa lạc tại thành phố Toronto, tỉnh bang Ontario, cũng có 28% sinh viên là người nước ngoài. Tuy nhiên, trường này có hơn 52.000 sinh viên, nên số sinh viên quốc tế là 14.500, cao hơn so với Đại học Alberta.

QS đánh giá Đại học York là trường chất lượng tốt thứ 16 tại Canada. Trường đào tạo tốt nhất các ngành Kinh tế và Kinh doanh, Nghệ thuật nhân văn và Tâm thần-Tâm lý học.

Khoảng 60% hồ sơ đăng ký vào trường được chấp thuận. Sinh viên quốc tế sẽ phải trả 32.400 đến 40.300 CAD (gần 590-740 triệu đồng) cho học phí năm nay.

Khánh Linh (Tổng hợp)


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng