LỜI TÒA SOẠN

Đầu năm 2024, bà Ruth Gottesman đã tài trợ 1 tỷ USD (25.000 tỷ đồng) giúp các sinh viên Trường Y Albert Einstein (Mỹ) được miễn học phí. Mỗi năm, sinh viên chính quy của trường phải nộp khoảng 60.000 USD (1,5 tỷ đồng). 

Bà Gottesman từng là giảng viên Khoa Nhi, Trường Y Albert Einstein (Mỹ). Số tiền nằm trong khối tài sản do chồng bà, nhà đầu tư David Gottesman, để lại.

Bà Ruth Gottesman trong ngày công bố khoản tài trợ. Ảnh: Trường Y Albert Einstein

Gia đình thay đổi cuộc đời những người tị nạn 

Theo Foward, gia đình của bà Gottesman (94 tuổi) nổi tiếng với các hoạt động từ thiện trong nhiều năm. Cha mẹ của bà, Lester Levy và Eleanor Kohn Levy, đã giúp đỡ những người Do Thái chạy trốn khỏi châu Âu trong Thế chiến thứ hai. 

Họ tìm nhà cho trẻ em tị nạn, nhận nuôi một bé gái tên là Vera Mendelsohn Mitnick. Họ nuôi dạy Vera tại ngôi nhà ở Baltimore cùng với Gottesman và hai người con khác. 

Tài liệu lưu trữ tại bảo tàng Do Thái ở bang Maryland cùng với những thông tin công khai khác đã ghi lại câu chuyện trên. Bà Levy cũng từng trả lời phỏng vấn năm 1991 trước khi qua đời năm 1994 ở tuổi 93. 

Cuối những năm 1930, cộng đồng người Do Thái ở Mỹ nỗ lực hết sức để cứu những đứa trẻ trốn khỏi thảm họa diệt chủng ở Đức. Bà Levy cho rằng khoảng 1.000 trẻ em đã được đưa sang các thành phố lớn ở Mỹ có người Do Thái sinh sống. 

“Đó là một sự kiện bi thảm. Tôi về nhà và hỏi chồng có sẵn lòng bảo lãnh một đứa trẻ hay không. Chồng tôi và 3 cô con gái (bao gồm Ruth Gottesman) rất sẵn lòng giúp đứa trẻ vừa từ Đức chuyển tới Mỹ có cuộc sống mới, cảm thấy như ở nhà”, bà Levy kể. 

Họ nhận nuôi Vera Mendelsohn Mitnick (10 tuổi). Khi đó, cha mẹ của Vera đang ở Berlin (Đức) nên cô bé rất mong chờ được đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, nhiều người Do Thái đã không còn sống sau chiến tranh. Cha mẹ của Vera cũng nằm trong danh sách đáng buồn đó. 

Vera đã lớn lên cùng các chị trong gia đình mới, kết hôn và có 3 đứa con. Cô thường xuyên đưa chồng con tới ăn tối cùng bố mẹ nuôi. 

hoc bong 2.jpg
Bà Ruth Gottesman (thứ 3 từ trái sang) cùng mẹ và 2 chị. Ảnh: Bảo tàng Do Thái Maryland

Không chỉ vậy, gia đình bà Gottesman còn tham gia hỗ trợ những người tị nạn từ Đức đến thành phố Baltimore. Họ tổ chức Quỹ phúc lợi Do Thái để giúp hơn 3.000 người tị nạn, tất cả đều phải được người Mỹ bảo lãnh để có được thị thực. 

Cha mẹ của bà Gottesman còn góp phần thành lập Cục Học bổng Trung ương giúp các sinh viên có học bổng. 

Khoản tài trợ lớn nhất cho các trường y ở Mỹ 

Giống như cha mẹ mình, bà Gottesman sẵn sàng đóng góp tài sản cá nhân để tạo ra sự khác biệt ngay lập tức trong cuộc sống của những người bình thường. 

Trước đây, gần một nửa số sinh viên Trường Y Albert Einstein tốt nghiệp với khoản vay học phí từ 200.000 USD (5 tỷ đồng) trở lên. Món quà trị giá 1 tỷ USD (25.000 tỷ đồng) của bà Gottesman, khoản tài trợ lớn nhất từng được trao cho một trường y ở Mỹ, cho phép các sinh viên trở thành bác sĩ không phải trả một khoản nợ nào. 

Trút được gánh nặng tiền bạc có thể khuyến khích nhiều sinh viên y chuyển sang chăm sóc sức khỏe ban đầu thay vì tập trung vào các chuyên khoa sinh lợi nhanh chóng. 

Bà Gottesman là giảng viên danh dự tại Trường Y Albert Einstein chuyên về khuyết tật học tập. Năm 2008, hai vợ chồng bà đã quyên góp 25 triệu USD (hơn 636 tỷ đồng) cho trường để xây dựng viện nghiên cứu y tế, trung tâm kỹ năng lâm sàng… 

Ban đầu, bà muốn quyên góp ẩn danh 1 tỷ USD nhưng cuối cùng đồng ý tiết lộ tên với hy vọng truyền cảm hứng cho những người giàu có khác tặng những món quà tương tự. Nhưng bà từ chối để trường đổi tên nhằm vinh danh mình. 

Bác sĩ triệu phú chữa bệnh cho người nghèo với chi phí rẻ khó tin

Bác sĩ triệu phú chữa bệnh cho người nghèo với chi phí rẻ khó tin

UAE – Bác sĩ Paithankar phát triển hệ thống khám chữa bệnh cho người lao động với mức phí rẻ hơn rất nhiều so với các cơ sở trong khu vực.

Từ cậu bé nghèo trở thành bác sĩ, tặng 500 tỷ đồng cho quê nhà

Từ cậu bé nghèo trở thành bác sĩ, tặng 500 tỷ đồng cho quê nhà

ẤN ĐỘ – Bác sĩ Bahuleyan từ bỏ cuộc sống giàu sang ở Mỹ trở về xây dựng bệnh viện, đường sá cho làng quê nghèo.


Share.