Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: European).

Trong tuyên bố hôm 27/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng, các nước thuộc EU đang nỗ lực tăng cường công nghiệp quốc phòng và tái vũ trang quân đội sau nhiều năm đầu tư kém hiệu quả.

“Chúng tôi ước tính cần có thêm khoản đầu tư quốc phòng khoảng 500 tỷ euro trong thập niên tới”, bà nhấn mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan điều hành EU không cung cấp thông tin chi tiết về nguồn tiền dự kiến sẽ đầu tư. “Chúng tôi không thấy bảng tính rõ ràng, chúng tôi không thấy thông tin chi tiết, đây là nguồn tiền từ trên trời rơi xuống hay sao”, một nhà ngoại giao EU cho biết.

Vẫn chưa có sự rõ ràng về cách EU sẽ tài trợ cho khoản đầu tư này, trong đó có các lựa chọn gồm từ nguồn ngân sách quốc gia hoặc trái phiếu quốc phòng chung của EU.

Cũng chưa rõ liệu EU có tính đến chiến lược vay chung hay không, tương tự như khối này từng áp dụng để huy động ngân sách cho chương trình phục hồi sau đại dịch toàn cầu Covid-19.

“Một số quốc gia, bao gồm Pháp và Estonia, ủng hộ sử dụng trái phiếu châu Âu (Eurobonds). Nhưng Đức và Hà Lan lại phản đối”, một quan chức EU cho biết.

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen nhận định rằng, “không có lựa chọn nào dễ dàng nhưng mọi phương án đều phải được xem xét bằng ý chí chính trị để quyết định những việc cần làm cùng nhau, nhưng chúng phải được xem xét một cách nghiêm túc”.

Các nước EU đã tăng chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ kể từ khi bán đảo Crimea  sáp nhập về Nga năm 2014. Xu hướng đó đã tăng tốc kể từ sau khi xung đột Ukraine bùng nổ vào năm 2022, với sự gia tăng mạnh về số lượng các nước EU đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của NATO.

Cơ quan quốc phòng của khối cho biết các nước EU đã chi tổng cộng 240 tỷ euro cho quốc phòng vào năm 2022. Tuy nhiên, chi tiêu quốc phòng của khối gia tăng những năm gần đây vẫn không đáng kể so với Trung Quốc và Nga. 

Vì vậy, EU đang tìm cách bổ nhiệm ủy viên chuyên giải quyết vấn đề này với nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng trên toàn khối.

Share.