Kết nối với chúng tôi

Du lịch

Góc khuất của con cái các blogger du lịch

Được phát hành

on

Trong một bức ảnh đăng trên Instagram, gia đình 4 người nhà Morrisons tạo dáng tươi tắn trong lễ hội Mardi Gras ở New Orleans, Mỹ, thu hút ngưỡng mộ của nhiều người.

Một bức ảnh khác, bốn người ngồi trên ghế sofa của khách sạn. Bố và mẹ cụng ly champage. Tất cả đều mỉm cười trước ống kính. Đó là những hình ảnh mà người khác thường thấy khi vào trang cá nhân của gia đình Morrisons. Họ được ví như những “đặc vụ bí mật” khi có hai cuộc sống: gia đình đơn thuần sống tại vùng ngoại ô bang Arizona, Mỹ, vào những ngày thường và các nhà thám hiểm thế giới vào cuối tuần.

Nhà Morrions có kênh riêng trên YouTube, American Travel Family, với hơn 11.000 người theo dõi các chuyến đi của họ tới các điểm đến các nơi như London, Cộng hòa Domnica, Disneyland.

Hầu hết mọi người đều biết những đứa trẻ có các chuyến đi bất tận cùng cha mẹ tới mọi nơi trên thế giới, học hỏi điều mới mẻ nên để lại bình luận như “Tôi rất ghen tỵ với các bạn” hoặc “Một chuyến đi tuyệt vời”. Nhưng ít người biết được cuộc sống của những đứa trẻ thường xuyên được cha mẹ đưa đi du lịch cũng có mặt tối.

Chris McCarty, sinh viên đại học Washington, đã phát động chiến dịch Quit Clicking Kids vào năm 2022 nhằm ngăn chặn người lớn sử dụng hình ảnh con cái và đưa chúng lên mạng xã hội để kiếm tiền. McCarty cho rằng trẻ em xứng đáng được hưởng quyền riêng tư và chúng quá nhỏ để đưa ra quyết định về việc cho phép bố mẹ đưa ảnh mình lên mạng.

Các blogger du lịch toàn thời gian là một trong những trường hợp McCarty nhắm tới. Đây là các bậc cha mẹ dành phần lớn thời gian đưa con cái đi du lịch, ghi lại cuộc sống, điểm đến, hành trình chuyến đi của gia đình và đăng lên mạng. Có gia đình đi theo kiểu sang chảnh, có người đưa con rong ruổi trên các cung đường bằng xe tải. Những người sáng tạo nội dung như thế này rất phổ biến trên thế giới, họ dễ dàng kiếm được số tiền lên đến 6-7 chữ số mỗi năm nhờ doanh thu quảng cáo.

Số tiền này thường được cha mẹ sử dụng để trang trải cuộc sống, tiết kiệm. Nhưng theo McCarty, những đứa trẻ cũng cần được chia hoa hồng và được gửi vào tài khoản ủy thác trong ngân hàng.

Điều ít người biết về cuộc sống của con cái các blogger du lịch

Con cái của những gia đình là blogger du lịch thường xuyên được cha mẹ đăng ảnh lên mạng. Video: CNN

Tháng 5/2023, Văn phòng Tổng Y sĩ Mỹ đưa ra một lời khuyên về mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của trẻ em. “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến tác hại đối với sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi. Với quá nhiều trẻ em, việc sử dụng mạng xã hội đang ảnh hưởng đến giấc ngủ và thời gian gặp gỡ quý báu của chúng với gia đình, bạn bè”, Tổng Y sĩ Vivek Murthy, người phụ trách về y tế cộng đồng Mỹ, nói.

Stacey Steinberg, giám đốc Trung tâm Trẻ em và Gia đình tại Đại học Luật Levin thuộc Đại học Florida, nói các bậc cha mẹ có quyền quyết định điều gì tốt nhất cho con cái họ. Tuy vậy, Steinberg cũng chỉ ra việc trẻ em xuất hiện trong các bức ảnh hay video gia đình đi du lịch để phục vụ mục đích kiếm tiền của bố mẹ không khác gì những trẻ nhỏ phải làm việc trong trang trại của những thế kỷ trước.

Brooke Morrison, người mẹ kiêm người điều hành kênh YouTube American Travel Family, cho biết bắt đầu công việc hiện tại từ năm 2020. Khi đó, con trai Parker 13 tuổi còn con gái McKenzie 10 tuổi. Hai vợ chồng đã trích 15% thu nhập kiếm được để gửi vào tài khoản ủy thác cho con. Hiện tại, con gái cô chủ động với việc tự tạo ra video và thích thú với việc đứng trước ống kính. Do đó, Brooke sẽ trả tiền công cho con vài USD một video.

“Không phải gia đình nào cũng giống chúng tôi. Nhiều cha mẹ chỉ nhìn thấy tiền và lợi dụng con cái để tăng thu nhập”, Brooke nói.

Caz Makepeace, người điều hành Y Travel Blog cùng với chồng Craig, nói sử dụng kênh YouTube của gia đình để dạy hai cô con gái về cuộc sống. Họ trả tiền cho bọn trẻ và dạy chúng cách thương lượng. “Bọn trẻ ghét việc tôi mặc cả với chúng chuyện tiền nong. Nhưng tôi muốn dạy chúng rằng nếu lũ trẻ không bảo vệ được giá trị bản thân thì không ai khác giúp được chúng”, Makepeace nói.

Hiện tại, khi các con lớn hơn, hai vợ chồng Makepeace bắt đầu thực hiện nhiều chuyến đi chỉ có hai người. Họ muốn con cái có thời gian nghỉ ngơi trong việc sáng tạo nội dung cũng như đa dạng hóa video, tiếp cận nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Anh Minh (Theo CNN)


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Du lịch

Hạ Long – Cát Bà được gì sau khi UNESCO vinh danh?

Được phát hành

on

Hạ Long – Cát Bà được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới giúp quần thể “nâng lên tầm thế giới” và khai thông tình trạng “ngăn sông cấm chợ” giữa hai khu vực.

Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận quần thể vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới hôm 16/9. Theo Cục Di sản Văn hóa, quần thể này được UNESCO công nhận bởi chứa đựng nhiều khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên, bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ và các đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với những đặc điểm karst (phong hoá) liên quan như mái vòm và hang động. Cảnh trí ngoạn mục không bị tác động của các đảo có thảm thực vật che phủ, hồ nước mặn, đỉnh nhọn núi đá vôi với vách dựng đứng nhô lên trên biển cũng là một phần lý do.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhận định Hạ Long – Cát Bà được công nhận di sản thiên nhiên là “sự kiện mang ý nghĩa to lớn”. Sau 8 năm, Việt Nam mới lại có một di sản thế giới được UNESCO công nhận (năm 2015 vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai).

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nói sự kiện lần này “là niềm vinh dự lớn”, giúp tên tuổi của quần đảo Cát Bà “nâng tầm thế giới”, thu hút thêm nhiều khách quốc tế trong tương lai.

Ông Lê Khắc Nam nói chiến thắng lần này góp phần “nối dài thành tích” mà Hải Phòng đạt được. Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004, vịnh Lan Hạ được Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới xếp vào top những vịnh biển đẹp nhất thế giới năm 2020.

Cát Bà vốn là một điểm đến hút khách. Vào các dịp nghỉ lễ dài như 30/4 hay 2/9, ở đây thường có tình trạng tắc đường, kín phòng do khách đổ về quá đông. 4 ngày nghỉ dịp Quốc khánh vừa qua Hải Phòng ước đón 185.000 lượt khách, trong đó khách chủ yếu đổ về Đồ Sơn và Cát Bà, theo Cổng tin tức thành phố Hải Phòng. Năm 2022, Cát Bà đón 2,3 triệu lượt khách trên tổng số 7 triệu lượt của toàn TP Hải Phòng. Tuy nhiên, phần lớn là khách nội địa.

“Khách quốc tế rất thích vịnh Hạ Long. Sau khi Cát Bà trở thành điểm đến di sản thế giới, chắc chắn khách quốc tế đến Hạ Long sẽ ghé tiếp Cát Bà”, ông Nam nói về lợi ích trong tương lai của ngành du lịch Hải Phòng.

Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính nhận định sự kiện Hạ Long – Cát Bà trở thành tài sản chung của thế giới đóng góp, bồi đắp “rất lớn” cho hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam. Theo ông Chính, giờ đây mỗi khi nhắc tới tên các di sản hàng đầu trong nước, chúng ta có Hạ Long – Cát Bà, thương hiệu điểm đến mới.

Trong khảo sát tháng 12/2021 của TAB về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời Covid-19, nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn lớn nhất của 64% số người được hỏi. Xu hướng khám phá thiên nhiên (56%) tăng nhiều so với lần khảo sát trước đó. Như vậy, Hạ Long – Cát Bà đáp ứng được cả hai mong đợi của khách là nghỉ dưỡng biển và khám phá thiên nhiên.

“Chắc chắn quần thể di sản này sẽ có sức hút mạnh mẽ vì đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch”, ông Chính nói.

Đối với những người làm du lịch, đây là cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, tăng doanh thu. Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, doanh nghiệp kinh doanh du thuyền trên vịnh Lan Hạ, nói du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hơn, trọn vẹn hơn khi hai điểm đến trở thành di sản kép.

“Sắp tới có nhiều triển lãm, hội chợ du lịch ở nước ngoài, UNESCO công nhận Hạ Long- Cát Bà lần này cùng việc nới rộng visa là hai điều chúng tôi sẽ đề cập khi quảng bá du lịch Việt Nam, trong lúc mùa cao điểm khách nước ngoài đang bắt đầu”, ông Hà nói thêm.

Ông Nguyễn Hồng Nhật, Tổng giám đốc APC Group, đơn vị có một du thuyền cao cấp hoạt động trên vịnh Lan Hạ và hai chiếc trên vịnh Hạ Long, hy vọng việc UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới sẽ giúp các thủ tục hành chính giữa Quảng Ninh và Hải Phòng được khơi thông, tạo động lực phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng nên sớm tiên lượng chuyện khách đổ xô đến sẽ dẫn đến tình quá tải, ảnh hưởng môi trường. “Chúng ta cần phát triển nhưng cũng cần giữ gìn di sản, tránh để UNESCO thu hồi danh hiệu”, ông Chính nói.

Tâm Anh – Phương Anh


Tiếp tục đọc

Du lịch

Kỳ Đài hơn 200 năm tuổi của triều Nguyễn

Được phát hành

on

Theo sử sách, cột cờ trước đây làm bằng gỗ cao hơn 30 m song bị bão đánh gãy nên dưới thời vua Thành Thái được thay bằng ống gang. Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn gãy. Năm 1948, cột cờ được xây lại bằng bê tông cốt sắt với chiều cao 37 m. Nền Kỳ Đài lát gạch vuông và gạch vồ, có hệ thống thoát nước mưa.

Ngày 23/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tung bay trên đỉnh Kỳ Đài thay cho lá cờ hình quẻ ly của triều đình nhà Nguyễn. Ngày 26/3/1975, lá cờ dài 12 m, rộng 8 m của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam lại được kéo lên Kỳ Đài, đánh dấu sự kiện Thừa Thiên – Huế được giải phóng.

Tiếp tục đọc

Du lịch

Quán phở đỏ Xín Mần tráng tay ở Hà Nội

Được phát hành

on

Phở bò A Đỏ là sự kết hợp giữa bánh phở tráng tay chủ quán học cách làm ở Xín Mần, Hà Giang, và nước dùng của món phở Hà Nội.

Tìm một hàng phở tráng tay ở Hà Nội đã khó, hàng phở sử dụng bánh phở đỏ của người Xín Mần (Hà Giang) gần như không có. Anh Nguyễn Tuấn Anh (42 tuổi) đã nhiều lần đến tìm gặp một gia đình làm bánh phở đỏ gia truyền ở thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, để học công thức.

Đầu năm 2023, quán phở bò A Đỏ khai trương ở số 9 Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình (Hà Nội), diện tích khoảng 60 m2. Biển hiệu là những tấm gỗ màu nâu sẫm với họa tiết và phông chữ màu đỏ, cam nhạt, kết hợp đèn lồng đỏ pha chút hoài cổ.

Ngay trước cửa quán là quầy chế biến phở được làm bằng gỗ cùng màu với biển hiệu. Bên cạnh quầy là một nồi hấp bằng inox dùng tráng bánh phở trực tiếp. Một thanh inox vắt ngang quầy hàng để phơi những chiếc bánh phở vừa mới ra khuôn, chờ nguội.

Khoảng 8h, bên ngoài, một số xe máy đã được dựng trước cửa quán, một số phải đỗ nhờ mặt bằng nhà bên cạnh. Bên trong, một nữ nhân viên liên tục tráng bánh trên nồi hấp trong khi một nam nhân viên chan nước dùng và bưng ra bàn phục vụ khách. Sau khi khách thưởng thức phở và ra quầy thanh toán, chủ quán đều hỏi cảm nhận của họ về món phở.

“Những ngày đầu, món phở chưa được ngon như bây giờ”, anh Tuấn Anh nói. Do đó, anh thường xuyên nhờ khách đánh giá, góp ý, kết hợp với cảm nhận cá nhân và kinh nghiệm của mình để điều chỉnh hương vị. Sau nhiều lần thay đổi, đến nay món phở đã hợp khẩu vị nhiều thực khách và nhận được những lời khen.

Kỹ thuật và các nguyên tắc tráng bánh được giữ nguyên nhưng nguyên liệu có phần thay đổi, anh Tuấn Anh cho biết. Hồi tháng 7, anh sử dụng 4 loại gạo để làm bánh phở. Nay anh đã bổ sung một loại gạo mới. 5 loại gạo này gồm ba loại gạo trắng và hai loại gạo đỏ trồng ở vùng Xín Mần được gọi là gạo huyết rồng. Gạo đỏ nhập từ Hà Giang kết hợp với hai loại gạo thường dùng trong các món bánh cuốn, bánh phở ở Hà Nội để giữ lại một phần hương vị quen thuộc với thực khách.

Công đoạn làm bánh phở tuy không quá cầu kỳ nhưng mất nhiều thời gian. 5 loại gạo được trộn đều, ngâm tối thiểu 6 tiếng rồi mới xay mịn với nước làm thành bột tráng bánh. Người làm múc một gáo bột đổ lên lớp vải mỏng căng trên mặt nồi hấp, dùng đáy gáo dàn đều bột rồi úp vung lại. Sau khoảng hai phút, bánh phở chín, dùng một thanh gỗ cuốn bánh nhấc lên và phơi trên thanh chắn ngang quầy hàng. Bánh nguội sẽ được gấp thành bản nhỏ hình chữ nhật và thái tay thành sợi.

Điểm đặc biệt là bột tráng bánh có màu trắng nhưng khi hấp chín lại chuyển sang màu đỏ nhạt. Màu đỏ của bánh là màu tự nhiên của hai loại gạo đỏ Hà Giang, không sử dụng chất tạo màu, anh Tuấn Anh cho biết.

Quán sử dụng thịt bò ta được nhập trong ngày từ Hoài Đức (Hà Nội), “giá đắt hơn mặt bằng chung một chút nhưng đảm bảo vệ sinh thực phẩm và ngon hơn”, chủ quán nói. Món thịt sốt vang được anh Tuấn Anh cho biết “chế biến theo công thức riêng”. Thịt tươi thái con chì, tẩm ướp gia vị, trong đó có một loại lá thơm để tạo nên mùi hương riêng. Phần xương bò được sử dụng làm nước dùng, ninh trong hơn 22 tiếng cùng quế, hồi, gừng, hành, sá sùng, như nước phở Hà Nội.

Để chế biến một bát phở bò, bánh phở thái sợi sẽ được chần trong một nồi nước dùng riêng để sợi phở tơi và quyện nước phở. Sau đó cho vào các nguyên liệu khác như thịt bò, hành lá, chan thêm nước dùng là hoàn thành. Thông thường, bánh phở sẽ được tráng và thái trước một lượng nhất định, đặt trong khay inox. Thịt bò thường chỉ được thái sau khi khách gọi món để đảm bảo độ tươi.

Món anh Tuấn Anh tự tin không quán nào ở Hà Nội có là phở đỏ trộn, gồm bánh phở trộn nước sốt cùng xà lách, dưa chuột, cà rốt được bóp sơ với dầu mè để làm mềm, trong khi thịt bò được xào với hành tây, giá, tỏi. Trên cùng rắc thêm lạc, hành khô và rau mùi.

Do bánh phở đỏ được tráng và thái bằng tay nên dày hơn sợi phở trắng thông thường và kích thước từng sợi không đều nhau. Đối với món nước, sợi phở quyện nước dùng, dai, không bị đứt gãy khi gắp, có vị ngọt của gạo, đậm hơn phở thường. Bánh phở đỏ kết hợp nước dùng ngọt thanh của món phở Hà Nội tạo nên hương vị vừa quen thuộc, vừa mới lạ. Thịt bò tươi nên chắc khi nhai, trong khi thịt bò sốt vang mềm và thơm.

Phở trộn lại mang đến hương vị khác nhờ nước sốt chua ngọt, thịt bò xào thấm gia vị, quyện với hương thơm của tỏi, hành lá, rau mùi. Các loại rau giúp giảm vị béo của mỡ bò tiết ra khi xào, đồng thời cho cảm giác tươi giòn trong miệng.

Chủ quán thái từng lát thịt thăn nguyên tảng khi khách gọi món nên giữ được độ kết dính của thịt tươi. “Bánh phở, thịt, nước dùng đều thơm, ngon và có vị đặc trưng”, ông Đỗ Xuân Phương (56 tuổi, quận Tây Hồ) cho biết. Ông và các con là khách quen của quán từ khi mở bán.

Quán mở cửa từ 6h đến 14h và từ 18h đến 22h hằng ngày. Giờ cao điểm sáng từ 8h đến 10h, giờ ăn trưa (12h – 13h30) và giờ ăn tối (19h – 20h). Trung bình một ngày, quán bán được khoảng 60 bát. Giá bán một bát dao động 45.000 – 60.000 đồng. Cũng có khách mua riêng bánh phở nhưng anh Tuấn Anh chỉ bán số lượng ít (2 – 3 bánh).

Quán có diện tích không quá rộng và ít chỗ để xe. Đồng thời, chế biến một bát phở đỏ tốn thời gian hơn phở thông thường do các công đoạn đều làm thủ công. Để không phải chờ đợi lâu, thực khách nên tránh đến vào giờ cao điểm.

Khách đến quán đa phần là người địa phương, khách quen từ đầu vì “thấy tráng bánh trực tiếp, vệ sinh đảm bảo”. Bên cạnh đó, cũng có những khách mới, đến để thưởng thức món bánh phở đỏ truyền thống của người Xín Mần (Hà Giang), chủ quán nói.

Bài và ảnh: Quỳnh Mai


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng