Kết nối với chúng tôi

Du lịch

Cấp e-visa tất cả các nước, du lịch Việt được gì?

Được phát hành

on

Việc Việt Nam cấp e-visa cho tất cả các nước giúp ngành du lịch tăng vị thế cạnh tranh nhưng cũng cần nhanh chóng tìm cách giữ chân khách ở lại lâu hơn, theo chuyên gia.

Từ hôm nay Việt Nam cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, thời hạn e-visa được nâng từ 30 lên 90 ngày. Bên cạnh đó, chính phủ kéo dài thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực. Trước đó, Việt Nam cấp e-visa cho công dân từ 80 điểm đến.

“Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy, hút khách quốc tế, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày”, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nói về lợi ích của các chính sách thị thực mới tại “Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững” sáng nay tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á, từ trước du lịch Việt luôn “tắc nghẽn ở khâu visa”, khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Việc nới lỏng hiện nay giúp ngành tháo gỡ được hai vấn đề chính: khách có đủ thời gian ở lại lâu hơn và đáp ứng nhu cầu khách đi sang nước thứ hai, thứ ba rồi vẫn quay lại Việt Nam trước khi về.

“Đây là cơ hội để chúng ta cân bằng giữa cung và cầu, cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận nhiều hơn các cơ hội đầu tư, phục hồi du lịch, kinh tế sau dịch”, ông Quỳnh nói.

Thống kê hoạt động du lịch 7 tháng đầu năm từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy Trung Quốc đứng thứ hai trong top 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, với gần 740.000 lượt trên tổng 6,6 triệu lượt. Tuy nhiên, khi khai thác thị trường khách Trung Quốc, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với đối thủ nặng ký như Thái Lan, Singapore, Philippines, theo Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng. Ba quốc gia này đều đã nâng thời hạn lưu trú cho khách du lịch từ 30 ngày trở lên, tạo cơ hội hút khách quốc tế trước đó.

“Việc thay đổi chính sách visa giúp du lịch Việt Nam tăng vị thế cạnh tranh so với nhiều đối thủ, đặc biệt là những chương trình liên tuyến Đông Dương”, bà Hoàng nói.

Cũng theo bà Hoàng, chính sách mới là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển các chương trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế. Từ đó, khách dễ dàng tham quan theo tuyến du lịch nghỉ dưỡng hoặc xuyên Việt, kết nối tour ba nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia), giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng thu ngoại tệ. Chính sách visa mới còn là động lực với khách quốc tế muốn du lịch Việt Nam, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, New Zealand – vốn mất nhiều thời gian trong việc di chuyển.

“Chính sách mới khiến chúng tôi phấn khởi vì đón được nhiều khách hơn nhưng cũng có nhiều trăn trở, lo lắng như làm sao để khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, tăng sức hút để khách quay lại”, Giám đốc công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên chia sẻ.

Ông Tuyên cho biết các doanh nghiệp đang đối mặt các khó khăn như: chiến dịch quảng bá điểm đến chưa thực sự hiệu quả, các tỉnh thành đều có sản phẩm du lịch na ná nhau, giá hành trình cao trong khi chuỗi cung ứng du lịch chưa thống nhất.

“Chúng ta có hơn 20 chợ đêm nổi tiếng tại Việt Nam nhưng chưa có chợ đêm nào tạo được thương hiệu hoặc ngang hàng với các chợ đêm khác tại các nước trong khu vực”, ông Tuyên nói.

Với kinh nghiệm 25 năm trong ngành và có cơ hội đến học hỏi cách làm du lịch nhiều quốc gia, ông Tuyên lại cho rằng giá không bao giờ là vấn đề cản trở du khách. “Khách muốn bỏ ra số tiền lớn nhưng họ không cảm thấy hài lòng với dịch vụ mà họ nhận lại”.

“Chúng ta nên gạt chuyện giá sang một bên”, theo ông Tuyên. Thay vào đó các địa phương cần tập trung tạo ra sản phẩm đặc thù, đặc sắc của vùng miền nhằm thu hút du khách.

Chính sách visa mới tạo điều kiện thuận lợi hơn để đón khách quốc tế nhưng các con số tăng trưởng “có thể không quá ấn tượng ngay trong năm nay” vì khách quốc tế, đặc biệt thị trường Âu – Mỹ thường đặt tour trước đó nửa năm. Dù vậy, theo bà Hoàng, Việt Nam có thể đón 10-11 triệu lượt khách trong năm nay và có thể kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ như trước dịch vào năm sau.

Tuy nhiên, để đạt được điều này, các công ty du lịch cũng cần phối hợp với các đối tác để thiết kế thêm chương trình du lịch mới, làm mới sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị tới các thị trường nguồn. Du lịch Việt cũng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, nâng cao công tác quản lý điểm đến từ trung ương đến địa phương để đem lại cho khách du lịch những trải nghiệm đúng như mong muốn ban đầu của họ.

“Chúng ta còn rất nhiều việc để làm nếu muốn hút khách và nâng cao khả năng cạnh tranh”, Cục trưởng Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nói.

Phương Anh


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Du lịch

Làng bè sắc màu trên sông Châu Đốc

Được phát hành

on

An GiangHơn 160 bè nuôi cá trên đoạn sông Châu Đốc dài hơn 1 km được sơn màu sắc rực rỡ nhằm thu hút khách du lịch.

Dự án sắc màu hóa làng cá bè ở khu vực ngã ba sông Châu Đốc do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang thực hiện nhằm tạo điểm nhấn mới cho sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 161 lồng bè nuôi cá trải dài hơn 1 km được phủ lên màu sắc theo thứ tự đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Vị trí của làng cá bè nằm trên tuyến tham quan tìm hiểu, trải nghiệm đời sống sông nước và văn hóa cộng đồng người Chăm An Giang.

Làng bè nằm trên sông Châu Đốc, một nhánh của sông Hậu, thuộc thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, giáp ranh với TP Châu Đốc. Nuôi cá nước ngọt trong lồng bè là nghề truyền thống, nét đặc trưng của vùng đầu nguồn sông Mekong. Du khách có thể tham quan làng bè bằng ghe, trải nghiệm cuộc sống trên những bè cá.

Nơi thực hiện dự án nằm cạnh cầu Cồn Tiên, du khách khi qua cầu dễ dàng nhận thấy. Về đêm, những ánh đèn màu tạo nên một làng bè lung linh soi mình trong nước.

Châu Đốc cách TP HCM khoảng 200 km, là một trong hai thành phố của An Giang. Ngoài làng bè, thị trấn Đa Phước còn nổi tiếng với làng Chăm dọc quốc lộ 91 C và sông Hậu. Nơi đây có hai thánh đường nổi tiếng là Ehsan, Sunnah với kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm.

Làng Chăm ở Đa Phước bình quân mỗi tháng đón khoảng 3.000 lượt khách. Hiện tại, làng có hai bến thuyền phục vụ du lịch. Trong làng trưng bày các khung dệt thổ cẩm, có điểm bán hàng lưu niệm với những sản phẩm truyền thống của đồng bào địa phương.

Ngọc Tài


Tiếp tục đọc

Du lịch

Quảng Nam chấn chỉnh các khách sạn tự nhận ‘4, 5 sao’

Được phát hành

on

Nhiều cơ sở lưu trú tại thành phố Hội An bị thanh tra do tự giới thiệu là khách sạn “4 hoặc 5” sao khi chưa được cơ quan chức năng công nhận.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết Sở đã tiến hành thanh tra các cơ sở lưu trú du lịch tại thành phố Hội An hôm 11/9, phát hiện một số khách sạn chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú nhưng gắn sao, sử dụng từ ngữ quảng cáo có thể gây hiểu nhầm.

Các khách sạn chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú nhưng có “gắn sao” hoặc quảng cáo “4 sao”, “5 sao” gồm Le Pavillon Luxury Hoi An Resort & Spa, Allegro Hoi An Little Luxury Hotel & Spa, Koi Resort & Spa Hội An, Bellerive Hoi An Hotel & Spa. Khách sạn Le Pavillon Luxury Hoi An Resort & Spa chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch nhưng gắn 4 ngôi sao trên biển hiệu bằng đá (hiện đã tháo dỡ) trước cổng và thực hiện quảng cáo (hạng 4 sao) trên website khách sạn và các trang giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều khách sạn tuy chưa được công nhận hạng cơ sở lưu trú nhưng giao dịch trên các trang thương mại điện tử chuyên về du lịch, lữ hành như Booking, Agoda, Traveloka được “gắn sao”.

Đoàn kiểm tra kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, hoạt động quảng cáo. Các khách sạn không sử dụng từ ngữ gây nhầm lẫn về hạng sao khi chưa được công nhận, không sử dụng các từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất” hoặc mang ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.

Nói với VnExpress, nguồn tin từ Booking cho biết xếp hạng chất lượng của các khách sạn trên Booking.com được tổng hợp nhiều yếu tố liên quan các đối tác sở hữu cơ sở lưu trú qua nền tảng. Các yếu tố đánh giá có thể thay đổi theo thời gian và được kiểm duyệt định kỳ. Cơ sở lưu trú giao dịch trên Booking không tự xếp hạng sao mà được xếp hạng dựa trên các dữ liệu họ cung cấp về cơ sở lưu trú của mình và đánh giá của khách đã nghỉ tại đó.

Trưởng phòng Marketing Little Hoi An Group Phạm Hồng Phước cho biết công ty “không thể kiểm soát” nhận xét của khách hàng vì “khách khi tới trải nghiệm, chấm 5/5 trên thang điểm chấm sao của các nền tảng nước ngoài cho dịch vụ của chúng tôi là hoàn toàn có thật”. Tuy nhiên, ông Phước nói công ty đã thực hiện chỉ đạo từ chính quyền địa phương, sửa đổi các từ ngữ quảng cáo tránh gây hiểu nhầm.

Đây không phải lần đầu các khách sạn tại Việt Nam mắc lỗi về quảng cáo với những từ ngữ gây hiểu nhầm. Hồi tháng 3, hai khách sạn ở Khánh Hòa đã bị chính quyền xử phạt 10 triệu đồng vì “tự ý phong hạng 4 sao” để quảng cáo.

Một cán bộ Cục Du lịch Quốc gia cho biết theo quy định của Luật Du lịch 2017, các cơ sở quản lý du lịch địa phương (sở văn hóa, thể thao và du lịch) thực hiện xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch 1-3 sao và kiểm tra điều kiện. Cục Du lịch quốc gia sẽ xếp hạng 4-5 sao. Các cơ sở lưu trú khi đủ điều kiện sẽ nộp đơn xin cấp xếp hạng, không được tự ý xếp hoặc nâng hạng sao.

Cục Du lịch Quốc gia sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch đã xếp hạng, thu hồi quyết định công nhận hạng của một số cơ sở không duy trì chất lượng, thông báo và đưa ra khỏi danh sách những cơ sở có quyết định công nhận hạng hết hiệu lực.

Phương Anh – Đắc Thành


Tiếp tục đọc

Du lịch

Mùa lá vàng, lá đỏ ở Nhật Bản năm nay bắt đầu từ khi nào?

Được phát hành

on

Tôi có kế hoạch đi Nhật mùa thu này, muốn biết thời gian cụ thể lá chuyển màu vàng – đỏ ở từng vùng để lên lịch trình cụ thể.

Tháng 11 tôi và gia đình có kế hoạch đi du lịch Nhật Bản. Mọi năm tôi thấy có lịch khá chi tiết về thời điểm lá chuyển vàng – đỏ ở các thành phố tại Nhật Bản, nhưng năm nay tôi tìm mà chưa thấy. Liệu tôi có thể tham khảo được ở đâu?

Độc giả nào có chia sẻ giúp để tôi lên lịch trình cụ thể. Xin cảm ơn.

Mỹ Anh

Trả lời

Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO) vừa công bố thời gian xuất hiện lá vàng – đỏ ở các thành phố của Nhật Bản mùa thu 2023 nhằm phục vụ du khách có kế hoạch du lịch. Dự báo này dựa trên thông tin từ Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, song có thể thay đổi tùy vào tình hình thời tiết.

Năm nay, mùa thu ở Nhật Bản bắt đầu từ cuối tháng 10 và kết thúc vào giữa tháng 12. Theo đó, sự chuyển màu lá của từng vùng cũng khác nhau, tùy thuộc vào nhiệt độ, độ cao và vĩ độ. Hokkaido, Miyagi, Akita, Niigata là một số tỉnh được dự báo mùa thu lá vàng đến muộn hơn so với năm ngoái. Tokyo, Osaka, Hiroshima, Fukuoka là những vùng đón mùa lá vàng đỏ đúng giữa mùa thu.

Thời gian lá vàng – đỏ đạt đỉnh điểm tại mỗi khu vực thường kéo dài từ 2 tuần đến một tháng, phụ thuộc thời tiết. Do đó, du khách nên bám sát lịch của từng vùng để sắp xếp lịch trình hợp lý.

Theo JNTO, mùa thu là thời điểm tuyệt vời nhất cho chuyến du lịch Nhật Bản bởi thời tiết “không quá nóng cũng không quá lạnh”, thuận tiện cho mọi hoạt động du lịch. Ngoài ra, mùa thu còn có nhiều món ăn đặc sản theo mùa hay các trải nghiệm hòa mình cùng thiên nhiên để du khách khám phá.

Lịch ngắm lá vàng lá đỏ ở Nhật Bản:

Thành phố Tỉnh Thời gian lá đổi màu
Kushiro Hokkaido 16/10
Sapporo Hokkaido 28/10
Nagano Nagano 12/11
Akita Akita 12/11
Aomori Aomori 13/11
Niigata Niigata 15/11
Sendai Miyagi 21/11
Hiroshima Hiroshima 22/11
Kanazawa Ishikawa 24/11
Chiyoda Tokyo 28/11
Nagoya Aichi 28/11
Osaka Osaka 1/12
Fukuoka Fukuoka 1/12
Kochi Kochi 2/12
Kagoshima Kagoshima 15/12

Vân Khanh


Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng