Kết nối với chúng tôi

Du lịch

48 giờ ở Hải Phòng

Được phát hành

on

Food tour hai ngày ở thành phố Hải Phòng với vô số món ăn ngon là hành trình phù hợp với du khách mê ẩm thực.

Vài năm gần đây, Hải Phòng nổi lên là một điểm đến ẩm thực trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thành phố cảng có các khu chợ, con phố bán vô số món ăn địa phương như bánh đa cua, bánh mì cay, sủi dìn, các loại ốc, bánh bèo, bánh đúc Tàu, giá bể, trà cúc, bánh mì pate, chè dừa dầm. Food tour hai ngày ở Hải Phòng được phóng viên VnExpress cùng anh Minh Nghĩa và Duy Tùng, người địa phương, gợi ý.

Ngày 1

Buổi sáng ở Hải Phòng bắt đầu với hành trình từ vườn hoa trung tâm. Hãy chọn món ăn đặc trưng nhất là bánh đa cua cho bữa sáng. Một số hàng bánh đa cua trên phố Cầu Đất được nhiều du khách đến Hải Phòng lựa chọn. Tuy nhiên, theo thổ địa, hãy thử các hàng bánh đa cua không tên tuổi.

“Đi dạo quanh các phố ở Hải Phòng, bạn sẽ bắt gặp nhiều hàng bánh đa cua đầu mỗi con ngõ nhỏ. Chỉ vài bộ bàn ghế, một tủ đựng đồ ăn nhỏ, nhưng những bát bánh đa cua ở đó thực sự là hương vị truyền thống”, anh Nghĩa cho hay.

Sau bữa sáng hãy thưởng thức trà cúc. Đây là món đồ uống phổ biến ở Hải Phòng và người địa phương thường nói “trà cúc được ưa chuộng hơn cà phê”. Trà cúc ngon có màu vàng ngả nâu đậm, thơm. Một cốc trà đúng điệu phải có đủ ba vị, đắng ngọt hơi ngai ngái của hoa cúc, ngọt thơm của cam thảo và vị chát của trà. Du khách có thể tìm thấy món này trên các phố như Phan Bội Châu, Minh Khai.

Hải Phòng có nhiều công trình kiến trúc Pháp như ga Hải Phòng, nhà hát lớn, bảo tàng, bưu điện thành phố. Nếu đến Hải Phòng ngày cuối tuần, bạn nên thử tour đi bộ miễn phí để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc, con người Hải Phòng. Tour định kỳ vào chiều thứ bảy, đi qua hồ Tam Bạc – tượng đài nữ tướng Lê Chân – Nhà hát Thành phố – Bảo tàng thành phố – Bưu điện thành phố – cầu Hoàng Văn Thụ – Bánh mì cay/No 1986 Cafe Đinh Tiên Hoàng. Đăng ký trước trên fanpage của Sở Du lịch Hải Phòng.

Hành trình tiếp theo là chợ Cát Bi, nơi được coi là “thánh địa” ăn vặt lớn nhất đất Cảng. Chợ nằm ở đường Lý Hồng Nhật, quận Hải An, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km. Khu ẩm thực rộng rãi và thoáng mát với đủ món như bánh bèo, giá bể, dồi sụn nướng, chè, ốc, bì bò thính, chè dừa dầm. Với khoảng 100.000 đồng, bạn đã có thể ăn no tại đây.

“Một lưu ý là khu ẩm thực chỉ mở cửa từ 15h nên du khách nên ăn lót dạ hoặc bố trí giờ ăn trong ngày phù hợp để có thể “ăn sạch sành sanh” ở chợ Cát Bi”, anh Tùng nói.

Sau một ngày food tour, buổi tối du khách hãy thư giãn bằng việc đến một số quán bar hay pub ở khu vực Văn Cao hoặc khu Vinhomes. Dù bạn thích phong cách nhẹ nhàng hay mạnh mẽ thì các địa chỉ như Mya Pub, Palma Pub, Pink Pub, Satan Sky, Sixsense Saloon đều có thể đáp ứng.

Ngày 2

Ăn sáng với bún cá cay. Đây là món ăn kết hợp các nguyên liệu đồng quê và biển cả như cá thu, cá trắm, cá rô, chả cá và cá chiên giòn. Một số địa chỉ tham khảo là Bún cá cay Lê Lợi, Thắng Tồ, Văn Cao. Lưu ý, các hàng này đều ở vỉa hè, và khá đông nếu bạn đi vào giờ cao điểm buổi sáng.

Điểm đến tiếp theo là biển Đồ Sơn cách trung tâm thành phố hơn 20 km. Khoảng 20 – 30 năm trước, khách du lịch miền Bắc thường tới Đồ Sơn trong các chuyến nghỉ hè. Biển Đồ Sơn không đẹp, nước không trong xanh, cát không trắng như các bãi biển miền Trung. Tuy nhiên, đến Đồ Sơn là tìm về ký ức, là không gian để thư giãn với gió biển và các địa điểm nổi tiếng.

Công viên Đồi Rồng là điểm đến mới với bãi biển nhân tạo, đem đến một trải nghiệm khác hẳn về Đồ Sơn. Ở đây có công viên nước sắp được khánh thành và nhiều góc sống ảo. Một số nơi khác nên ghé qua là tháp Tường Long, đền Cô Chín, rặng thị cổ dưới chân núi Ngọc, biệt thự Bảo Đại, Hòn Dấu Resort, đảo Dấu.

Bữa trưa, hãy chọn hải sản để tiếp tục hành trình food tour Hải Phòng. Hải sản ở Đồ Sơn tươi ngon, giá cả khá hợp lý, mỗi người khoảng 300.000 đồng có thể no nê. “Hiện tượng chặt chém ở Đồ Sơn đã giảm nhiều, nhưng bạn vẫn nên hỏi giá trước”, anh Nghĩa khuyên. Một số địa chỉ tham khảo: dãy hải sản bãi 295, hải sản Hoa Lan giữa bãi 1 và 2.

Cuối buổi chiều, quay lại thành phố Hải Phòng, du khách nên ghé vào một địa chỉ không thể bỏ qua dịp gần Trung thu, đó là cửa hàng bánh Trung thu Đông Phương trên phố Cầu Đất. Bánh mang đậm hương vị cổ truyền, là món quà Hải Phòng.

Lựa chọn thay thế: Du khách có thể chọn đi đồi Thiên Văn ở quận Kiến An, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km; đến huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm thành phố 15 km, thử món cuốn hành đặc sản, thăm Tuyệt tình cốc, di tích Bạch Đằng Giang. Ngoài ra, nếu thời gian dài hơn, du khách có thể ra đảo Cát Bà trong ngày, đi con đường xuyên đảo với nhiều cảnh đẹp, ăn hải sản và tắm biển.

Tâm Anh – Lê Tân


Tiếp tục đọc
Bấm để bình luận

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Du lịch

5 trải nghiệm đáng giá ở Lũng Cú

Được phát hành

on

Hà GiangNhiều du khách tới Lũng Cú chỉ để check-in cột cờ nhưng nơi đây còn nhiều trải nghiệm thú vị khác.

Lê Thu Hằng, ngoài 30 tuổi, đã đi hết 63 tỉnh thành Việt Nam và hơn 10 nước. Độc giả đến từ Hà Nội, vừa có gần một tháng ở Hà Giang, chia sẻ 5 trải nghiệm mà chị cho là đáng giá nhất tại nơi địa đầu tổ quốc.

Chụp ảnh ở các điểm check-in nổi tiếng

Lũng Cú có hai nơi thể hiện niềm tự hào dân tộc không thể không check-in, là cột cờ Lũng Cú và điểm cực Bắc.

Tháng 8/2018, UBND huyện Đồng Văn khánh thành “công trình cực bắc Tổ quốc” gồm lầu vọng cảnh và một số hạng mục phụ trợ, ở điểm cao nhìn xuống sông Nho Quế, thuộc khu vực Tò Mông, thôn Cẳng Tằng, xã Lũng Cú, cách cột cờ Lũng Cú 2,5 km theo đường chim bay. Việc này khiến nhiều người nhầm tưởng đó là cực Bắc.

Thực tế, điểm cực Bắc của Việt Nam là mỏm đá nhô ra bên bờ sông Nho Quế, thuộc địa giới thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú. Điểm cực Bắc cách cột cờ Lũng Cú 3,3 km đường chim bay, theo báo Hà Giang.

Xét về vị trí địa lý, lịch sử, cột cờ Lũng Cú, điểm cực Bắc xứng đáng được gọi là chốn phong thủy đắc địa ở Hà Giang, những nơi du khách không thể bỏ qua khi đến với vùng địa đầu đất nước.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một bộ ảnh ở làng văn hóa Lô Lô Chải dưới chân núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú khoảng 1 km. Đi dạo trong bản, bạn sẽ được chiêm ngưỡng không gian kiến trúc cổ kính giữa những triền đá tai mèo.

Nếu còn thời gian, bạn leo núi vãng cảnh chùa Lũng Cú, tham quan khu vực được gọi là cổng trời, cách trung tâm xã 1,5 km. Nơi đây là đỉnh núi cao, tầm nhìn rộng. Bạn có thể chụp ảnh không gian rừng núi bao la. Thời điểm lý tưởng nhất là mùa lúa chín hoặc mùa hoa tam giác mạch (tháng 10, 11).

Đi chợ phiên Lũng Cú

Thứ sáu hằng tuần có chợ phiên gần khu vực cột cờ. Đây là nơi trao đổi hàng hóa của bà con Lô Lô và Mông. Chợ có nhiều đồ lạ, đặc biệt là các loại thảo dược, những sạp hàng vải vóc, quần áo nhiều màu sắc. Vải may quần áo được trang trí họa tiết thêu tay tỉ mỉ. Chợ bán nhiều đồ ăn như bánh gạo nướng, bánh khoai, bánh rán, bánh bao. Các món này tương tự dưới xuôi nhưng dẻo thơm hơn. Giá mỗi món ăn từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng.

Tham gia lễ hội, đám cưới của người Lô Lô

Người Lô Lô có nhiều lễ hội truyền thống: lễ cúng tổ tiên, mừng lúa mới, cúng thần rừng.

Cúng tổ tiên là nghi lễ cổ truyền quan trọng nhất, lớn nhất của đồng bào Lô Lô đen, được tổ chức hằng năm vào ngày 25/7 Âm lịch. Trong ngày này, người dân mời thầy cúng đến làm lễ để nhớ ơn tổ tiên. Họ mặc những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, tham gia thi thể thao, giao lưu văn nghệ với các điệu múa bài hát mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân rất thân thiện. Du khách có thể tham gia lễ hội, quay phim chụp ảnh mà gia chủ không phiền lòng.

Thăm nhà trình tường

Nhà trình tường của người Lô Lô là kiến trúc độc đáo ở Lũng Cú. Khuôn viên nhà trình tường sử dụng rất nhiều đá: đá lát sân, đá làm hàng rào, đá kê đồ đạc. Nhà trình tường ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè. Hiện bản Lô Lô Chải còn nhiều homestay vẫn giữ kiến trúc này. Khách du lịch có thể đến đây ở một đêm, thức dậy buổi sớm mai trong không gian mát mẻ, yên tĩnh, đầy tiếng chim hót.

Thưởng thức đặc sản Lũng Cú

Lũng Cú có nhiều món ăn độc đáo như đậu chúa, mèn mén, bánh đá. Đậu chúa là món nước đậu phụ cô đặc nấu với rau cải. Thành phẩm là bát canh có rau cải, đậu cô lại mềm ngọt như tào phớ. Món ăn mát, thơm và bổ dưỡng.

Mèn mén là món bột ngô được chế biến theo công thức riêng, là cơm hằng ngày của người Mông. Bạn hãy thử ăn món mèn mén với nước canh để thấy hương vị độc đáo. Món ăn này cũng giúp du khách thấy được sự vất vả của người dân địa phương khi phải sống trong điều kiện khô hạn, chỉ trồng được ngô.

Món thứ ba là bánh đá, làm từ bột nếp, nặn thành bánh và có thể xắt lát. Bánh dùng để rán, nấu canh, nấu lẩu. Để thưởng thức những món này, bạn có thể vào các quán ăn (phải báo trước), mua đồ bán rong hoặc vào chợ phiên.

Thu Hằng


Tiếp tục đọc

Du lịch

Làm gì để khách Trung đến nhiều, tiêu nhiều ở Việt Nam?

Được phát hành

on

Khách Trung Quốc hiện không chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu khi đi du lịch, dù giai đoạn cao điểm từng có hàng chục nghìn khách đến Nha Trang mỗi ngày.

Nghiên cứu được đưa ra hôm 18/9 của Viện Nghiên cứu dữ liệu Big Data, Công ty du lịch trực tuyến Qunar có trụ sở tại Bắc Kinh, cho thấy các điểm đến châu Âu được khách Trung Quốc quan tâm nhiều hơn trước. Tại châu Á, Bangkok, Seoul, Tokyo, Kuala Lumpur, Singapore là 5 điểm đến hàng đầu của họ và không có điểm đến nào ở Việt Nam. Trong khi đó, khảo sát hồi giữa tháng 9 cũng cho thấy 80% số người Trung Quốc được hỏi muốn đi du lịch quốc tế trong một năm tới, mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.

CEO Công ty lữ hành quốc tế Fantasea Đào Việt Long nói trước dịch, Việt Nam là điểm đến yêu thích của khách Trung Quốc nhờ tài nguyên du lịch biển, khoảng cách địa lý, hoạt động xúc tiến của nhiều công ty du lịch lớn trên khắp Trung Quốc qua việc tổ chức các chuyến bay charter (thuê bao cả chuyến) đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc. Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có khoảng 20.000 khách Trung Quốc tới Nha Trang. Tuy nhiên, ngay cả khi đó Việt Nam chưa hấp dẫn được tệp khách hàng trung và cao cấp Trung Quốc.

Theo ông, khách Trung Quốc ưu tiên các điểm đến xa hoa, thuộc các nước phát triển, có sự khác biệt về văn hóa hoặc thỏa mãn nhu cầu giải trí, mua sắm. Du lịch Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu cơ bản, dịch vụ chưa đa dạng, chưa kích thích được nhu cầu mua sắm của khách Trung.

Việt Nam đang được coi là điểm đến giá rẻ do cách thức khai thác của ngành du lịch trước đây với những tour 0 đồng, tour giá rẻ đường bộ. Mức chi tiêu thấp còn xuất phát từ việc hầu hết các chương trình du lịch đều ngắn (4-5 ngày), phần lớn khách đi theo đoàn với dịch vụ trọn gói, ít chi tiêu bên ngoài.

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group kiêm chuyên gia trong lĩnh vực du lịch sang trọng, cho biết thêm trước dịch Việt Nam đón nhiều khách Trung nhưng dòng khách đến từ các khu vực giàu có, phát triển như Thượng Hải, Bắc Kinh ít.

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc cho thấy trong 6 tháng đầu năm, nước này có hơn 40 triệu lượt khách xuất ngoại, bằng 23% so cùng kỳ năm 2019, riêng tháng 6, lượng khách Trung Quốc đạt gần 42% so với cùng kỳ trước dịch. Khách đi quốc tế chủ yếu là doanh nhân, người thăm thân, du học sinh, trong đó, gần 94% đến châu Á.

Trong nửa đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai gửi khách đến Việt Nam với hơn 557.000 lượt, là phần nhỏ trong số hơn 40 triệu lượt khách Trung du lịch quốc tế. Nguyên nhân một phần có thể do “Việt Nam thuộc các nhóm nước được Trung Quốc mở cửa muộn hơn, từ 15/3”, ông Long nói.

Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay, trước dịch Trung Quốc nhiều năm liên tiếp giữ vị trí số một thế giới về mức chi tiêu khi du lịch nước ngoài. Dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Du lịch toàn cầu (GTERC) cho thấy, năm 2018 chi tiêu của khách Trung đi nước ngoài đạt 277 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng chi tiêu du lịch quốc tế của khu vực châu Á và 20% của thế giới.

Khách Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, đạt 1.850 USD một chuyến đi, nằm trong top ba khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau Australia (3.370 USD) và Singapore (2.440 USD). Chi tiêu trung bình của một khách Trung đến Việt Nam năm 2019 là 1.022 USD.

Trung Quốc là thị trường lớn, đa dạng về phân khúc khách hàng (từ thấp, trung đến cao cấp), đa dạng về đối tượng (khách du lịch, khách hội thảo và sự kiện, khách thương vụ, khách công vụ). Họ được đánh giá “dễ thích nghi”. Nhưng đây là cũng là thị trường tương đối nhạy cảm, đôi khi bị định hướng bởi các yếu tố chính trị, truyền thông, cũng là thị trường mang tính đám đông, phong trào, theo ông Long.

Với đại bộ phận khách Trung Quốc, ngoài những nhu cầu cơ bản của du lịch, họ quan tâm sự đến sự độc đáo, mới lạ, tính tiện nghi của điểm đến, hoạt động vui chơi giải trí. Họ có nhu cầu mua sắm cao, thích sự náo nhiệt.

Theo ông Phạm Hà, Trung Quốc là thị trường khách mà “nước nào cũng muốn”. Nhắc đến khách Trung là nhắc đến “số lượng”. Ông Hà cho rằng, sau dịch, Việt Nam cần thay đổi nội dung quảng bá, nâng cấp đất nước điểm đến sang trọng để thu hút tệp khách nhà giàu, chi tiêu cao.

“Chúng ta cần làm lại thị trường, tăng đường bay thẳng và nên miễn visa tạm thời như Thái Lan”, ông Hà nói.

Theo ông Đào Việt Long, để thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều hơn, công tác xúc tiến điểm đến đóng vai trò quan trọng nhất, đặc biệt sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh. Các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né vẫn là những “quân bài chiến lược”, cần được quảng bá rộng rãi và liên tục tại thị trường Trung Quốc.

Chính sách visa, thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch Trung Quốc cũng là yếu tố quan trọng. Theo ông Long, Thái Lan đang làm “rất quyết liệt” để thu hút khách từ thị trường tiềm năng này khi ban hành chính sách miễn thị thực tạm thời cho khách Trung Quốc trong 5 tháng.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần kiểm soát tour không đồng, tour giá rẻ bằng đường bộ nhằm thay đổi quan niệm của thị trường Trung Quốc về điểm đến Việt Nam. Các đơn vị lữ hành cần phải xây dựng sản phẩm mới thay cho những sản phẩm mang tính đại trà trước đây, tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm khách hàng, ngày tour dài hơn, nhắm vào đối tượng khách hàng nhóm nhỏ, có khả năng chi tiêu cao.

“Đây là phân khúc mới, trào lưu mới của thị trường sau thời gian dịch bệnh”, ông Long nói.

Phương Anh


Tiếp tục đọc

Du lịch

Múa lân dưới nước ở Bảo tàng Hải dương học – VnExpress

Được phát hành

on

Khánh HòaLần đầu tiên tại Bảo tàng Hải dương học biểu diễn múa lân dưới nước, thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng vào dịp Trung thu.

Bùi Toàn – Đỗ Nam

Độc giả chia sẻ Video đến [email protected] hoặc gửi thông tin, câu hỏi tại đây.

Nhịp sống
Thứ sáu, 29/9/2023, 06:00 (GMT+7)

Tiếp tục đọc
Advertisement

Xu hướng