Doanh nghiệp (DN) này là Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (Công ty Cát Tường) ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Đây là công ty nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu tại khu vực ĐBSCL, đã tạo dựng được chuỗi liên kết từ vùng trồng, hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) và thị trường tiêu thụ, đáp ứng tiêu chuẩn đưa nông sản Việt vào Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới.

Giữa năm 2020, Công an tỉnh Tiền Giang có quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến đơn tố giác của đối tác với Công ty Cát Tường và 1 năm sau đó, cũng chính cơ quan này ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, hoạt động của Công ty Cát Tường trong tình trạng “đóng băng”, kéo theo nhiều hệ lụy chưa thể giải quyết.

Cho rằng có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế, nên Công ty Cát Tường đã gửi đơn đến Cục điều tra của Viện KSND Tối cao, các cơ quan tố tụng và nhiều cơ quan Trung ương để cầu cứu.

Vừa hợp tác đã đổ vỡ

Theo hồ sơ, ông Đoàn Văn Sang (Tổng giám đốc) và Trần Văn Sang (Chủ tịch HĐTV Công ty Cát Tường) thông qua một người bạn đã quen biết với ông Nguyễn Hồng Chương (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (gọi tắt là Công ty Hồng Lĩnh), tại huyện Bình Chánh. Biết Công ty Cát Tường sở hữu giống thanh long vỏ vàng, ruột trắng, tai xanh nên ông Chương đã tới tham quan và đề cập hợp tác.

Ông Đoàn Văn Sang – Tổng giám đốc Công ty Cát Tường. Ảnh: Linh An

Trên cơ sở đó, cuối tháng 4/2019, bên A là Công ty Cát Tường do ông Đoàn Văn Sang làm đại diện và bên B là Công ty Hồng Lĩnh do ông Chương làm đại diện, ký thoả thuận hợp tác kinh doanh. Hai bên góp vốn thành lập liên doanh sản xuất, chế biến trái cây.

Bên A cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm. Bên B cung cấp tài chính, quỹ đất, cơ sở hạ tầng. 

Thoả thuận nêu, bên A góp vốn bằng giống cây thanh long vỏ vàng, ruột trắng, tai xanh, trị giá 610 tỷ đồng. Bên B góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất 500ha, hạ tầng trên đất, giá trị 510 tỷ đồng và nguồn tài chính 610 tỷ đồng. Thoả thuận còn nêu, bên B có trách nhiệm ứng trước cho bên A 150 tỷ đồng trong thời hạn 90 ngày kể từ khi ký hợp tác.

Trong 1 tháng, Công ty Hồng Lĩnh chuyển cho Công ty Cát Tường 90 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, cuối tháng 5/2019, một liên doanh mới ra đời, là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông nghiệp công nghệ cao Hồng Lĩnh Cát Tường, vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Trần Văn Sang làm đại diện pháp luật. Trong đó, ông Nguyễn Hồng Chương nắm 70% cổ phần, 30% còn lại chia đều cho ông Trần Văn Sang, Đoàn Văn Sang.

khoi to vu an 5.png
Công an tỉnh Tiền Giang ra quyết định khởi tố vụ án, sau đó 1 năm có quyết định tạm đình chỉ điều tra vì yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, nhưng chưa có kết quả. Dù đã hết hạn điều tra, việc tạm đình chỉ trên đã “treo” 3 năm nay. Ảnh: Linh An

Sau đó, Công ty Cát Tường cử cán bộ kỹ thuật, chuyển xơ dừa, phân vi sinh, trụ thanh long; đến giữa tháng 8/2019 đã chuyển 84.300 hom giống trong tổng số 3 triệu hom giống như thoả thuận ký kết, đến địa điểm khu đất mà Công ty Hồng Lĩnh chỉ định trồng tại tỉnh Bình Thuận. Nhưng khi vừa triển khai, 2 bên xảy ra tranh chấp.

Cụ thể, theo Công ty Hồng Lĩnh, họ chưa nghiệm thu số giống mà Công ty Cát Tường chuyển đến. Còn phía Công ty Cát Tường phát hiện ra khu đất mà Công ty Hồng Lĩnh đưa vào góp vốn bị UBND tỉnh Bình Thuận thanh tra, chỉ ra sai phạm sử dụng sai mục đích, không phù hợp với quy hoạch và bị buộc khôi phục lại hiện trạng.

Có dấu hiệu ‘hình sự hoá tranh chấp kinh tế’?

Sau thời gian trên, Công ty Cát Tường và Công ty Hồng Lĩnh có trao đổi qua lại bằng văn bản. Phía Công ty Cát Tường nhiều lần có thư mời đại diện Công ty Hồng Lĩnh làm việc trực tiếp để giải quyết vấn đề liên quan đến hợp đồng, nhưng không nhận được sự hợp tác. 

Ngược lại, phía Công ty Hồng Lĩnh ủy quyền cho 1 cá nhân tới Tiền Giang để đòi 90 tỷ đồng đã chuyển. Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Chương, đại diện Công ty Hồng Lĩnh có đơn tố cáo ông Trần Văn Sang, Đoàn Văn Sang đến Công an tỉnh Tiền Giang.

khoi to vu an 1.png
Trụ sở công ty Cát Tường . Ảnh: Tư liệu
khoi to vu an 3.png
Công ty Cát Tường từng là DN xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Tư liệu. 

Tiếp đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã mời ông Trần Văn Sang, Đoàn Văn Sang lên làm việc và có quyết định tạm hoãn xuất cảnh với 2 ông này. Đến tháng 5/2020, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên cơ sở tố cáo của ông Chương…

Trong 1 năm triệu tập các đương sự làm việc nhiều lần, gia hạn điều tra, đến tháng 5/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang có thông báo tạm đình chỉ điều tra vụ án và “treo” suốt 3 năm nay.

Ông Đoàn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tường chia sẻ: “Từ khi chúng tôi bị ‘kéo’ vào vụ án rồi tạm đình chỉ, đến nay những hệ lụy thật khủng khiếp. Các đầu mối xuất khẩu nông sản của chúng tôi đi nước ngoài phần nhiều huỷ bỏ, DN hoạt động cầm chừng, nhiều tài sản bán tháo bán đổ, máy móc hoen rỉ… 

Chúng tôi nỗ lực hàng chục năm trời để vươn tầm, đưa nông sản VN ra thế giới, nhưng lại “chết đứng” ngay tại quê nhà thế này. Đau lắm!”.

khoi to vu an 2.png
Sau khi Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố, rồi đình chỉ vụ án, Công ty Cát Tường rơi vào tình thế ngặt nghèo, dây chuyền công nghệ như đống sắt vụn. Ảnh: Linh An

Ông Đoàn Văn Sang cho rằng, việc khởi tố vụ án đã khiến Công ty Cát Tường không thể kiện Công ty Hồng Lĩnh ra toà và nhiều hệ lụy kéo theo, dẫn đến DN thiệt hại về kinh tế hơn 2.500 tỷ đồng

Bởi tại thời điểm trên, hàng ngàn nông dân địa phương canh tác theo loại giống, theo kỹ thuật và được Cát Tường bao tiêu đầu ra cũng “điêu đứng”. Thương lái Trung Quốc xuất hiện ép giá, mua rẻ khiến nhiều hộ nông dân, nhà vườn cũng sống dở, chết dở. 

Về vấn đề pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, đây rõ ràng là tranh chấp hợp đồng kinh tế. Bởi cả hai bên đã thực hiện 1 phần của thoả thuận hợp tác kinh doanh, 1 bên đã chuyển tiền và 1 bên đã chuyển hom giống đến địa điểm trồng nhưng chỉ mới bắt đầu thì xảy ra tranh chấp và 2 bên đều có những thiệt hại nhất định.

Theo luật sư, việc khởi tố vụ án lừa đảo là vội vàng, có thể gây ra hệ lụy rất lớn và đi ngược lại tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan tố tụng trung ương về việc không hình sự hoá quan hệ kinh tế, dân sự, ảnh hưởng đến môi trường ổn định phát triển kinh tế của địa phương, của đất nước.

“Thương hiệu nông sản Việt vào được thị trường Mỹ, đi được châu Âu… tạo được uy tín, chất lượng hàng đầu, ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng rất đáng tiếc cho một thương hiệu như thế lại ‘gặp nguy’ ngay trên quê hương của mình, trong một vụ án mà theo góc nhìn của tôi, có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế khá rõ. Hậu quả, thiệt hại này ai phải gánh chịu”, luật sư Trường nhấn mạnh.

Bài 2: Những ‘kỳ án’ khiến doanh nghiệp nông sản hàng đầu VN trước nguy cơ phá sản


Share.