Ngày 3/7, HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước của thành phố.

Theo báo cáo Thường trực HĐND TP Hà Nội, mặc dù thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch để khắc phục chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng có những chỉ số bị tụt lùi nhiều bậc so với năm trước.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để xảy ra quá hạn; kết quả giải quyết một số hồ sơ thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, lĩnh vực thành lập và hoạt động doanh nghiệp, trong 3 năm có hơn 16.000 hồ sơ bị chậm; lĩnh vực cấp phiếu lý lịch tư pháp chậm hơn 1.700 hồ sơ; thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai có hơn 300 hồ sơ bị chậm.

Chính những hạn chế trong thủ tục hành chính dẫn đến chậm triển khai những công trình trọng điểm và các dự án thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Cụ thể, Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai dài 21,7km, hiện mới giải ngân 7,1% kế hoạch vốn. Dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu có tổng mức đầu tư hơn 792 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2022-2025, nhưng đến tháng 5/2024 mới trình phương án kiến trúc và chưa rõ thời điểm triển khai.

Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đại biểu tổ Gia Lâm. Ảnh: Nguyễn Hợp

Nêu vấn đề tại hội trường, đại biểu Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội (tổ Gia Lâm) cho biết, trình độ cán bộ của Hà Nội không phải kém hơn so với các tỉnh mà hơn hẳn.

Theo ông Vũ Đức Bảo, công tác cán bộ luôn được Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP Hà Nội quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 3 giám đốc, trưởng các ngành và 6 chủ tịch huyện bị thay thế.

Các sở, ngành, địa phương sau khi bị thay thế lãnh đạo có rất nhiều tiến triển, đặc biệt là trong lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho rằng, vấn đề hiện nay của thành phố thuộc trách nhiệm các cơ quan tham mưu, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành thuộc thành phố.

“Tôi và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã dự một buổi thanh tra công vụ. Tại đây, Chủ tịch phải chỉ đạo thay thế một số chuyên viên, một số trưởng, phó phòng không làm việc, đùn đẩy, né tránh”, ông Bảo nói.

Ông Bảo đề nghị thủ trưởng các ngành và lãnh đạo quận, huyện phải xác định trách nhiệm của mình với tư cách người đứng đầu trong việc đôn đốc, kiểm soát công việc và giải quyết xử lý công việc của cấp dưới thuộc thẩm quyền.

Đề cập đến vấn đề cải cách hành chính, đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Đông Anh) đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Nội vụ trước thực tế một số chỉ số thành phần trong Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) còn thấp và đề nghị cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, về lĩnh vực cải cách hành chính, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP luôn dành sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả thực hiện các chỉ số cải cách hành chính của TP Hà Nội có chuyển biến tích cực, được Trung ương đánh giá cao.

Về các giải pháp khắc phục chỉ số PAR INDEX, PAPI, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, thành phố đã có kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu khắc phục những chỉ số thành phần còn hạn chế, tồn tại của năm trước.

Phó Chủ tịch Hà Nội: Làm việc bằng trái tim sẽ tạo được niềm tin của người dân

Phó Chủ tịch Hà Nội: Làm việc bằng trái tim sẽ tạo được niềm tin của người dân

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, nếu cán bộ, công chức làm việc bằng trái tim, chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tăng lên, đồng thời sẽ tạo được niềm tin, sự hài lòng của người dân.


Share.