Trung tuần tháng 6, chị Thương đăng lên mạng xã hội phiếu đăng ký dự thi đại học năm 1979 của mẹ chồng.

Lá phiếu đã sờn hết các mép giấy nhưng còn nguyên màu mực xanh, nét bút viết tay ngay ngắn, thẳng tắp như in. Các trường thông tin được kẻ ô vuông vức, khoa học, thể hiện sự kỳ công của người thực hiện.

“Mình mà sinh vào thời đó chắc phải ngồi hết mùa hè để viết phiếu đăng ký dự thi đại học mất”, chị Thương bày tỏ.

Phiếu đăng ký dự thi đại học năm 1979 của nhà giáo Hồ Thị Ngoạn (Ảnh: NVCC).

Chủ nhân của lá phiếu tên Hồ Thị Ngoạn, sinh ngày 10/6/1962, đăng ký dự thi khối B, khoa sinh kỹ, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Phiếu viết ngày 15/3/1979.

Thời điểm đó, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là một tỉnh, gọi tên là Nghệ Tĩnh. Cơ quan phụ trách các trường đại học là Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tách từ Bộ Giáo dục năm 1965.

Trong phần nguyện vọng, người đăng ký dự thi chọn nguyện vọng 2 là Trường Trung cấp Ngân hàng Thanh Hóa.

Tuy vậy, chủ nhân lá phiếu không phải dùng đến nguyện vọng 2 vì đã trúng tuyển nguyện vọng 1, trở thành sinh viên sư phạm với số điểm trúng tuyển là 13,5, dư 1,5 điểm so với điểm chuẩn vào Đại học Sư phạm Vinh khi đó.

Cô nữ sinh 18 tuổi Hồ Thị Ngoạn ngày ấy nay là nhà giáo về hưu Hồ Thị Ngoạn, sống tại quê nhà Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Con dâu khoe phiếu dự thi đại học năm 1979 của mẹ chồng và chuyện chưa kể - 2

Chân dung cô Hồ Thị Ngoạn (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô Ngoạn cho biết mình là 1 trong 21 học sinh của trường cấp 3 huyện Quỳnh Lưu đỗ đại học năm 1979. Thi đại học thời đó không có áp lực, không có ôn luyện, ai cảm thấy có khả năng thi thì thi.

“Cô không đi ôn luyện ở đâu vì không có thầy cô nào dạy ôn thi đại học. Ngày hai buổi thì 1 buổi học ở trường, 1 buổi đi cấy, không có cả thời gian tự học ở nhà. 

Cả huyện có một hiệu sách nhỏ nhưng ngoài sách giáo khoa và sách truyện thì gần như không có sách tham khảo. Tài liệu học tập càng hiếm, chỉ có quyển sách bài tập và một quyển sách bổ túc văn hóa để ôn”, cô Ngoạn nói.

Nhà cô Ngoạn neo người. Bố đi chiến trường B, mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống nghèo khó, vất vả. Tuy vậy, Quỳnh Lưu quê cô là đất học, người dân trong vùng dù nghèo khó đến đâu vẫn cho con cái học hành, chỉ khi không có khả năng học mới phải bỏ.

Song, do điều kiện học tập thiếu thốn, hành trình “học chữ thoát nghèo” không hề dễ dàng. Nhiều bạn bè của cô Ngoạn bỏ học sau khi tốt nghiệp cấp 2 vì không có khả năng thi đỗ cấp 3. Riêng cô Ngoạn được tuyển thẳng vào cấp 3 nhờ thành tích học sinh giỏi. 

Điểm trúng tuyển vào đại học thời đó rất thấp. 16-17 điểm là đủ điểm đi học ở nước ngoài. 12 điểm khối B (toán, hóa, sinh) đỗ trường Y. Cô Ngoạn được 13,5 điểm, xong đăng ký sư phạm vì bạn bè rủ rê.

“Ba cô cũng khuyên cô nên theo nghề Y. Cô gầy yếu, sức khỏe kém, học Y phù hợp hơn. Nhưng hồi đó cô rất nhát, sợ máu, sợ kim tiêm. Học sinh thì không có hiểu biết gì về ngành nghề, không được ai tư vấn. Bạn bè rủ nhau thi sư phạm thì thi thôi. Trong hiểu biết của mình cũng chỉ biết mỗi nghề dạy học”, cô Ngoạn tâm sự.

Hỏi cô Ngoạn có tiếc nuối vì đã chọn làm giáo viên dạy sinh học thay vì làm bác sĩ không, cô bảo: “Chưa từng bạn ạ. Vì dạy học là nghề cô thực sự yêu thích”.

Sau khi ra trường, cô Ngoạn được phân về Đồng Tháp công tác. 3 năm sau, cô xin chuyển ra Nghệ An, dạy cách nhà 10km.

Vì giáo viên cấp 3 dư thừa nên cô Ngoạn được phân xuống dạy cấp 2. Một năm sau cô xin chuyển về trường cấp 2 gần nhà là Trường năng khiếu Quỳnh Lưu, sau này đổi tên là Trường THCS Hồ Xuân Hương.

Tình yêu với nghề dạy học và tình thương với những đứa trẻ nghèo hiếu học đã khiến cô Ngoạn gắn bó với nghề giáo hơn 30 năm cho đến lúc về hưu. Cô đi qua những thăng trầm, gian khổ của nghề, với đồng lương ít ỏi, thiếu thốn của một giáo viên dạy sinh mà chưa từng nuối tiếc hay ân hận.

Cô Hồ Thị Ngoạn bên chồng và các con, cháu (Ảnh: NVCC).

Nhiều năm liền, cô đảm trách công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh cho trường Hồ Xuân Hương và huyện Quỳnh Lưu, đào tạo ra nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Cô cũng tham gia vào công tác chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An như tập huấn, làm thanh tra, chấm thi, coi thi, ra đề thi…

Cô Ngoạn được tặng bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì những cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Một điều thú vị là người con trai thứ hai của cô Ngoạn theo nghề Y dù không phải chủ đích ban đầu.

Anh học chuyên lý Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), đạt giải Ba học sinh giỏi vật lý quốc gia, trúng tuyển vào Đại học Bách Khoa Hà Nội theo đúng nguyện vọng. Tuy nhiên vì thi thêm khối B để “dự phòng”, anh đỗ cả Đại học Y Hà Nội.

Ở phút cuối cùng chọn trường đại học, con trai cô Ngoạn đã chọn học Y và hiện là bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Share.
Exit mobile version