LỜI TOÀ SOẠN

Khóa tu mùa hè là một trong những sinh hoạt đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem là một Phật sự hướng về giới trẻ, góp phần cùng nhà trường, gia đình, xã hội tạo ra một sân chơi lành mạnh trong dịp hè.

Về mặt pháp lý, mỗi khóa tu cần có chủ đề, xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo đúng tôn chỉ hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phù hợp với văn hóa – lối sống, góp phần hoàn thiện nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho giới trẻ, đặc biệt là con em Phật tử.

VietNamNet giới thiệu loạt bài xoay quanh khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ đang được tổ chức rộng rãi hiện nay.

Khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, nhiều chùa mở các khóa tu mùa hè thu hút số lượng lớn người tham gia. Trong đó, các khóa tu thường hướng đến đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên.

Bên cạnh những khóa tu được các bậc chân tu vận hành và thuyết giảng, không ít phản ánh về việc một số “đối tác” của nhà chùa biến khóa tu thành công cụ kinh doanh, truyền bá tư tưởng mê tín, độc hại…

Liên quan đến vấn đề băn khoăn xoay quanh khóa tu mùa hè, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ quan điểm với PV VietNamNet.

PGS. TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

Cha mẹ muốn con cái tham gia khóa tu

Thực tế, việc tham gia các khóa tu, trong đó có khóa tu mùa hè đều do phụ huynh chủ động đăng ký, lựa chọn địa điểm… Điều này xuất phát từ niềm tin tôn giáo, hy vọng con cái hấp thụ các giá trị đạo đức do những bậc chân tu truyền giảng.

PGS.TS Trần Thành Nam nhận định: “Đúng là nhiều cha mẹ cho con tham gia các khóa tu mùa hè do có niềm tin tôn giáo. 

Họ có thể đã thực hành theo một số giá trị đạo đức của tôn giáo đó. Vì vậy, họ mong muốn, khi cho con tham gia các khóa tu, con cũng có thể được truyền cảm hứng bởi những cao tăng đắc đạo. 

Qua đó, con họ sẽ tiếp nhận được những giá trị đạo đức chân thiện mỹ và chuyển hóa nhận thức, thái độ và hành vi”.

Ngày nay, cha mẹ ngày càng bận rộn, thiếu sự quan tâm đến con trẻ. Vì thế, giới trẻ dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại và tiếp cận với những nội dung không phù hợp trên không gian mạng.

Trong bối cảnh đó, phụ huynh nghĩ việc cho con tham gia các khóa tu cũng là cách thức để con cai nghiện mạng xã hội, trò chơi điện tử…

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc đăng ký cho con tham gia khóa tu mùa hè cũng có thể bị tác động bởi tâm lý đám đông và quảng cáo trên không gian mạng. 

“Nhiều video của nhà sư nói về đạo hiếu, vai trò của việc thực hành các giá trị đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh rất phổ biến trên mạng xã hội. 

Điều này có tác động đến tâm lý của các phụ huynh trẻ tuổi. Họ mong muốn con được tham gia, gặp gỡ những thần tượng của mình trên mạng”, ông Nam phân tích.

Một số phụ huynh cho con tham gia các khóa tu thể hiện sự bất lực trong việc giáo dục con cái. Họ hy vọng các bậc chân tu có thể giáo hóa, thay đổi suy nghĩ của con.

PGS.TS Trần Thành Nam phân tích dưới góc độ tâm lý: “Việc cho con tham gia khóa tu thể hiện khoảng cách tâm lý giữa cha mẹ và con cái hiện nay ngày càng xa.

Cha mẹ chỉ ở cạnh con về mặt không gian, nhưng dường như không đồng hành về mặt cảm xúc, không thể hiểu những suy nghĩ và giá trị của con cái.

Cá biệt, một số phụ huynh chia sẻ với tôi, họ không thể nói chuyện với con quá 3 câu. Thậm chí, nếu muốn con làm gì, họ phải nói ngược lại thì con mới làm đúng ý.

Vì vậy, cha mẹ mong con tham gia khóa tu về sự biết ơn, lòng hiếu thảo như một cách thức tốt giúp chuyển hóa hành vi, nhận thức của con cái”.

Chùa Hoằng Pháp thường xuyên tổ chức các khóa tu. Ảnh: Ngọc Lài

Một vài khóa tu không thể thay đổi hành vi

Các khóa tu mùa hè thường tập trung vào giáo dục lòng hiếu thảo, lòng từ bi và lối sống lành mạnh. 

Thế nhưng, cha mẹ đừng lầm tưởng rằng những giá trị, thói quen hành vi tốt của trẻ có thể hình thành ngay sau vài ngày ngồi nghe thuyết trình, sinh hoạt, tụng kinh, thực hành chú tâm theo kiểu nhà chùa.

“Việc tham gia khóa tu có thể giúp các em vài ngày không tiếp xúc với điện thoại. Tuy nhiên, khi trở về gia đình, các em chắc chắn sẽ ‘tái nghiện’ nếu không có sự quan tâm của cha mẹ.

Cha mẹ cần hiểu rằng, nếu cha mẹ không tiếp tục tạo điều kiện cho con thực hành những giá trị và thói quen hành vi mới tại gia đình, thì cho dù con có tham gia rất nhiều khóa tu, cũng không thể thay đổi.

Nếu cha mẹ không thể làm gương, hoặc không có và không thực hành những giá trị mình mong muốn hình thành ở con qua các khóa tu, thì chắc chắn không thể biến nó thành những giá trị hay hành vi bền vững của con.

Vì vậy, người ta mới nói, tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

Đấy là chưa kể nguy cơ từ những khóa học không phải do các nhà sư chân chính vận hành và thuyết giảng. Nếu khóa tu đến từ những “đối tác” của nhà chùa thì có thể truyền tải những tư tưởng độc hại, mê tín dị đoan. 

Từ đó, trẻ có tư duy lệ thuộc vào các thế lực thần bí, thiếu cố gắng phấn đấu rèn luyện trong thực tế.

Nếu sau một khóa tu, các con về nhà thể hiện sự hiếu thảo với cha mẹ một, hai lần vì sợ thần Phật trừng phạt, sợ bị mất lộc thì đó không phải sự hiếu thuận đúng nghĩa”, ông Nam nêu quan điểm.

Khuôn viên chùa Hoằng Pháp rộng rãi, yên tĩnh. Ảnh: Ngọc Lài

Chưa kể, những khóa tu mùa hè như hiện nay tác động lớn đến tư tưởng, tinh thần của thế hệ trẻ, nhưng không được kiểm định chất lượng chặt chẽ như các chương trình giáo dục.

Từ đó, hoạt động này phát sinh nhiều kẽ hở, có thể dẫn đến việc truyền bá những tư tưởng độc hại, mê tín dị đoan. Theo ông Nam, trẻ em trong giai đoạn non nớt mà bị tuyên truyền những niềm tin mê tín sẽ khiến cho các con “lo lắng vô căn cứ”. 

Lúc nào, các em cũng bị ám ảnh phải thực hiện một nghi lễ tôn giáo nào đó, phải cúng dường nếu không sẽ gặp vận rủi, không thể may mắn.

Cuộc sống của những đứa trẻ sẽ mất tự do và thiếu chủ động do luôn phải kiêng kỵ, thiếu phản biện logic mà đổ thừa do ảnh hưởng của lực lượng thần bí. Thay vì duy trì năng lượng và tâm thế tích cực cho công việc, các em lại “thả trôi” và phó mặc vào việc hành lễ, cúng dường.

“Chúng ta cần nghĩ đến việc quản lý ‘thị trường’ giáo dục kỹ năng – đang mang lại nguồn thu rất lớn – một cách bài bản. Trong đó, chúng ta phải giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng để đảm bảo sự an toàn, không gây hại cho cộng đồng.

Các khóa tu mùa hè cũng cần được quản lý như vậy. Chúng ta cần có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành để đánh giá chất lượng chương trình, giảng viên và hiệu quả thực chứng của các khóa tu.

Nhiều vụ việc quảng cáo khóa tu miễn phí nhưng sau đó, người tham gia phải nộp phí mua kinh sách, trang phục, trả tiền ăn ở đi lại… Một số khóa tu biến tướng thành dịch vụ kinh doanh được tổ chức bởi các “đối tác” của nhà chùa”, PGS.TS Trần Thành Nam gợi ý giải pháp.

Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích khi cho con cái tham gia các khóa tu. Tuy nhiên, phụ huynh cần cân nhắc điều kiện của gia đình, phân tích lợi hại… trước khi cho con tham gia.

Cha mẹ tranh cãi nảy lửa chuyện cho con vào chùa dự khóa tu mùa hè

Chuyện cho trẻ tham gia khóa tu mùa hè tại các chùa gần đây gây nhiều tranh cãi. Có người ủng hộ, đưa ra nhiều lợi ích, có người lại cho rằng đó là hình thức không phù hợp với lứa tuổi của các con.

‘Khóa tu’ ở nơi đặc biệt, trẻ không phải ngồi hàng giờ tụng kinh

“Mùa hè là lúc con trẻ được nghỉ ngơi vui chơi. Chúng tôi không muốn tạo thêm áp lực học hành mệt mỏi thân tâm cho con trẻ, nên ở đây các con không phải ngồi hàng giờ nghe học giáo lý hay tụng kinh”.

Lời gan ruột của người mẹ sau khi gửi con vào chùa tham dự khóa tu mùa hè

Không ít các gia đình lựa chọn cho con em mình tham dự khóa tu ở chùa với mong muốn con trưởng thành, tự lập, được lắng nghe những bài thuyết giảng của các thầy trong nhà chùa.


Share.
Exit mobile version