Tàu vũ trụ Starliner của Boeing bị hoãn phóng do sự cố kỹ thuật (Ảnh: Reuters).

Sáng nay (7/5), Boeing cùng NASA lên kế hoạch cho lần phóng thử tên lửa có sự tham gia của phi hành đoàn, với đích đến là Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tuy nhiên, sự cố xảy ra ở van dẫn giai đoạn thứ hai của tên lửa đã khiến chuyến bay đã bị hoãn trong ít nhất 24 giờ.

Sự cố trên được NASA thông báo khoảng 2 tiếng trước giờ phóng, tại thời điểm mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ. Tuy nhiên, các kỹ thuật viên đã không kịp khắc phục sự cố để đảm bảo an toàn cho chuyến bay.

Phi hành đoàn gồm 2 thành viên, là Barry Wilmore (61 tuổi) và Sunita Williams (58 tuổi) dù đã sẵn sàng cho lần phóng thử, nhưng cũng phải ngậm ngùi rời con tàu sau thông báo của NASA.

Sứ mệnh mang tên Thử nghiệm chuyến bay của phi hành đoàn (CFT) hướng tới cột mốc quan trọng, thậm chí có thể được xem là chuyến bay lịch sử của ngành hàng không Mỹ.

Đó là bởi nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, tàu Starliner do Boeing sản xuất được sử dụng trong sứ mệnh có thể được phê duyệt để bay lên không gian thường xuyên hơn theo Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA.

Đây được xem là “ánh sáng nơi cuối con đường” đối với Boeing, trong bối cảnh hãng hàng không tới từ Mỹ ghi nhận khoản lỗ hoạt động lên tới 31,9 tỷ USD trong vòng 5 năm qua.

Chuyến bay lịch sử của Boeing bị hoãn do trục trặc kỹ thuật - 2

Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ Boeing Starliner đưa người lên vũ trụ (Ảnh: Boeing).

Trước đó, hành trình của tàu Starliner mang mã hiệu CST-20 chở các phi hành gia đến ISS đã rất được mong đợi, dù gặp trục trặc và bị trì hoãn nhiều lần.

Cụ thể, ngay trong lần phóng đầu tiên vào tháng 12/2019, Starliner đã gặp phải một loạt sự cố ngay sau khi cất cánh, khiến nó bị mắc kẹt ở quỹ đạo và không thể đạt được độ cao cần thiết.

Ở lần phóng thử thứ 2, tàu Starliner thực hiện thành công. Nhưng khi bắt đầu chuyển sang chuyến bay có phi hành gia, thì tàu Starliner lại luôn “trễ hẹn” vì những lý do khác nhau.

Đây cũng là lần phóng đầu tiên của phi hành đoàn trên tên lửa Atlas V, và cũng là sứ mệnh có phi hành gia đầu tiên sử dụng tên lửa thuộc dòng Atlas kể từ chương trình Sao Thủy vào đầu những năm 1960.

Theo giới chuyên môn, bởi những lý do này nên chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn của Boeing Starliner tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, và việc bị hoãn phóng là điều đã nằm trong dự tính.

Starliner không phải tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên chở các phi hành gia lên ISS. Tuy nhiên, sự thành công của tàu vũ trụ này có thể đánh dấu một bước ngoặt mới, qua đó tạo thế cạnh tranh với những sứ mệnh tương tự được thực hiện bởi SpaceX.

Share.