Giờ đây, cảng Chu Lai đã trở thành điểm đến quen thuộc trên bản đồ hàng hải, “đầu mối” quan trọng trong chuỗi cung ứng tại vùng trọng điểm miền Trung.

Tận dụng lợi thế vị trí chiến lược, phát triển tiềm năng

Nằm ở vị trí chiến lược, kết nối thông suốt với các tuyến đường huyết mạch trên hệ thống hạ tầng giao thông tại Quảng Nam và miền Trung, cảng Chu Lai có nhiều thuận lợi trong việc kết nối liên vùng và khu vực như: kết nối 2km với trục ngang, gồm các tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường ven biển (kết nối Đà Nẵng, Hội An, sân bay Chu Lai) và đường Hồ Chí Minh; kết nối trục dọc gồm Quốc lộ 14E, Quốc lộ 14B, Quốc lộ 14D… Các tuyến đường này có lượng xe lưu thông, vận chuyển hàng hóa ở mức cao, bởi nằm trên trục đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh phía nam Lào – Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Cảng này chính là cửa ngõ quan trọng, bảo đảm kết nối nội vùng và liên vùng theo các trục đường ven biển, hành lang kinh tế Đông – Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế. 

Chu Lai  2.jpg

Theo Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tập trung phát triển các lĩnh vực như: hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics. Cùng với chiến lược phát triển của tỉnh trong lĩnh vực hàng hải như: đầu tư tuyến luồng mới Cửa Lở kết nối vào các khu bến lân cận gắn với khu phi thuế quan, khu công nghiệp, cảng hàng không, ga đường sắt; đồng thời hình thành trung tâm logistics đa phương tiện; cảng Chu Lai sẽ ngày càng phát triển khi được định vị trở thành trung tâm cảng biển – dịch vụ logistics container tại miền Trung, Tây Nguyên.

Chu Lai  3.jpg

Mặt khác, miền Trung được xem là trung tâm của các ngành công nghiệp gia công sản xuất, xuất khẩu như: dệt may, giày dép, gỗ và nội thất, kim loại và nhóm ngành công nghiệp chủ chốt khác như: công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, các ngành công nghiệp nặng, dầu khí và năng lượng; có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như: THACO Chu Lai, Bắc Chu Lai, Tam Thăng (Quảng Nam), VSIP, Dung Quất (Quảng Ngãi)… Vì vậy, cảng Chu Lai có nhiều lợi thế và cơ hội để phát huy vai trò mũi nhọn, trở thành trung tâm logistics, kết nối giao thương thế giới của khu vực.

Phát huy vai trò mũi nhọn trong chuỗi hoạt động logistics 

Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam), Bờ Y (Kon Tum), vùng Đông Bắc Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) được vận chuyển đến cảng Chu Lai bằng đường bộ, sau đó kết nối tuyến vận tải biển tới các nước Đông Bắc Á, châu Âu, châu Mỹ… và ngược lại. Theo đó, cảng Chu Lai là trung điểm trong chuỗi logistics đa phương thức từ vận tải đường bộ – cảng biển – vận tải biển; tạo kết nối quan trọng và xuyên suốt giúp quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận tiện hơn, tối ưu lợi nhuận và tăng lợi thế cạnh tranh. 

Mới đây, THILOGI – đơn vị sở hữu cảng Chu Lai đã đăng ký thành công và được chấp thuận gia nhập vào Ủy ban Hàng hải Liên bang chính phủ Hoa Kỳ (FMC), trở thành nhà vận tải trung gian cho tuyến thương mại Việt Nam – Mỹ và ngược lại. Việc THILOGI được trực tiếp ký hợp đồng với các hãng tàu sẽ giúp cảng Chu Lai phát triển thêm các tuyến dịch vụ đến thị trường châu Mỹ, phục vụ hiệu quả các doanh nghiệp tại miền Trung và những vùng lân cận. 

Chu Lai  4.jpg

Đại diện doanh nghiệp FDI xuất khẩu hàng qua cảng Chu Lai cho biết: “Với tuyến dịch vụ Chu Lai – châu Mỹ thông qua các cảng trung chuyển trong nước và quốc tế, Chu Lai Port đã giúp hàng hóa của chúng tôi tiếp cận thị trường Mỹ một cách thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm; đồng thời góp phần đẩy mạnh thông thương hàng hóa đến thị trường Âu, Mỹ của các doanh nghiệp FDI”.

Ông Phan Văn Kỳ – Tổng giám đốc Cảng Chu Lai khẳng định: “Cảng đang mở rộng dịch vụ, tăng cường kết nối với các hãng tàu quốc tế nhằm đa dạng tuyến hàng hải đến thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, Canada… khơi thông luồng hàng xuất khẩu từ khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Bên cạnh đó, nhờ quỹ đất rộng lớn sẵn có, cảng Chu Lai có lợi thế trong việc mở rộng hệ thống kho bãi đáp ứng nhu cầu lưu trữ các mặt hàng có dư địa phát triển mạnh trong thời gian tới. Từ đó, thu hút được đa dạng nguồn hàng nhất là hàng nông – lâm – khoáng sản như: tinh bột sắn, cà phê, cao su, quặng… xuất nhập khẩu qua cảng”.

Chu Lai  5.jpg

6 tháng đầu năm 2024, cảng Chu Lai đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng cho trang thiết bị, phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng gồm: hệ thống cẩu mới, hiện đại với công suất lớn (cẩu giàn STS và cẩu khung RTG); sơ mi rơ moóc chuyên dụng phục vụ vận chuyển hàng hóa; mở rộng diện tích kho, bãi cùng hệ thống rửa xe tự động và trạm cân… 

Dự kiến đến cuối tháng 7/2024, cảng Chu Lai sẽ hoàn thiện và đưa vào khai thác khu bến mới – bến cảng nước sâu 5 vạn tấn, tiếp nhận tàu container có tải trọng lên đến 50.000 DWT, ứng dụng công nghệ hiện đại trong vận hành và khai thác cảng biển nhằm thực hiện chiến lược xây dựng cảng xanh, thông minh, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. 

Đậu Linh


Share.