Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử văn hóa.

Trong đó, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là di tích có số thu công đức nhiều nhất cả nước trong năm qua, với 220 tỷ đồng. 42% số thu này (93 tỷ đồng) đã được chi cho các hoạt động cộng đồng.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Danh thắng nổi tiếng này là điểm đến của du khách bốn phương.

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam. Ảnh: Trần Tuyên

Cao 284m, núi Sam là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của TP Châu Đốc. Tương truyền cách đây khoảng 200 năm, khi phát hiện và thấy sự linh thiêng của tượng Bà (tọa trên đỉnh núi), người dân quanh vùng đã thỉnh tượng xuống chân núi để tiện cho việc thờ cúng. 

Rất nhiều thanh niên trai tráng cố khiêng tượng xuống núi nhưng đều bất thành. Sau đó, theo lời của một bà đồng, bà con đã tiến cử 9 thiếu nữ đồng trinh đến khiêng mới đưa được tượng xuống núi.

Nhưng khi rước đến nơi lập miếu hiện tại, bức tượng trở nên nặng trĩu và không thể di chuyển tiếp. Người dân nơi đây cho rằng bà chọn vị trị này để an vị. Từ đó đến nay, khách thập phương kéo đến viếng ngày một đông.

núi sam 5.jpg
Toàn cảnh Miếu Bà Chúa Xứ. Ảnh: BQL Khu du lịch quốc gia núi Sam

Theo chính quyền địa phương, ban đầu, Miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi miếu dần khang trang hơn.

Đến năm 1870, miếu được xây lại, thu hút khách thập phương đến chiêm bái. Năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông.

Phần mái của ngôi miếu được lợp ngói xanh màu ngọc bích, tường ốp gạch men, các khung cửa bằng gỗ quý được chạm trổ hoa văn công phu. Khu vực chánh điện cao rộng, vừa uy nghi vừa ấm cúng. 

miếu bà 6.jpg
Tượng Bà tại khu vực chánh điện. Ảnh: BQL Khu du lịch quốc gia núi Sam

Tượng Bà cao hơn 1m, được đặt giữa chánh điện. Theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret, tượng Bà thuộc loại tượng thần Visnu, tạc dáng người ngồi quý phái, vương giả. Chất liệu tượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, có thể được tạc vào cuối thế kỷ VI sau Công nguyên.

Tuy nhiên, đến nay, nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn là còn là điều bí ẩn.

Hiện Miếu Bà được thiết kế đèn nghệ thuật lộng lẫy, lung linh về đêm, tựa như đóa sen nở rực giữa bầu trời.

W-miếu bà 07.jpg
Người dân mang trái cây, heo quay, giấy tiền, vàng mã… dâng cúng Bà. Ảnh: Trần Tuyên

Chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ tỉnh Vĩnh Long) cho biết gia đình chị thường đến Châu Đốc viếng Miếu Bà vào dịp đầu năm mới và một số ngày rằm, mùng 1 để cầu sức khoẻ, bình an.

“Nơi đây không chỉ linh thiêng mà còn mang vẻ đẹp yên bình, giúp chúng tôi xua tan những căng thẳng trong cuộc sống” – chị Tuyết chia sẻ.

W-miếu ba 04.JPG.jpg
Nhiều người cầu nguyện phía sau tượng Bà. Ảnh: Trần Tuyên

Bà Huỳnh Hoa Hường – Phó giám đốc Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Sam – cho biết ước tính 6 tháng đầu năm nay, khách đến tham quan đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 5,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn số tiền công đức từ du khách đã được sử dụng cho các dự án an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cả nước hiện có 31.211 di tích lịch sử văn hóa, 15.324 di tích (49%) có số liệu thu, chi tiền công đức, tài trợ. Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo).

Đặc biệt, có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng. Có 7 di tích thu được nhiều nhất, với trên 25 tỷ đồng tiền công đức, bao gồm: Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) 220 tỷ đồng; Đền Bảo Hà (Bảo Yên, Lào Cai) 71 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) 34 tỷ đồng; Đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) 28 tỷ đồng; Đền Hùng (Phú Thọ) 26 tỷ đồng; Đình La Khê (Hà Đông) 28 tỷ đồng và Đền Trình chùa Hương (Mỹ Đức) 33 tỷ đồng.

Bật mí tiền công đức: Cả nước thu 4.100 tỷ, có di tích thu 220 tỷ đồng năm 2023Tổng số tiền các di tích thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng. Quảng Ninh có số thu là trên 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích) 4 tháng đầu năm 2023, ước thu cả năm trên 200 tỷ đồng.


Share.