Vì thế, cải cách tiền lương lần này không chỉ đơn thuần là tăng lương bình thường mà là cải cách chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo với một mức lương cụ thể, rõ ràng. 

Sau này, chúng ta không phải hỏi lương đồng chí A hay lương của đồng chí B ngạch, bậc như thế nào rồi lấy hệ số nhân với lương cơ sở để ra số lương tuyệt đối là bao nhiêu nữa, rất phức tạp và phiền phức.

Một điểm đáng chú ý nữa là, khi thực hiện chính sách tiền lương mới, tất cả cơ chế thu nhập đặc thù cũng được bãi bỏ hết. Việc này được thực hiện theo nguyên tắc là khi chuyển sang áp dụng bảng lương mới, nếu thấp hơn tiền lương hiện nay sẽ được bảo lưu ít nhất bằng mức lương cũ. Tất cả những chính sách tiền lương mới đều nhằm hướng đến việc làm sao cán bộ, công chức, viên chức, người dân tham gia vào sự nghiệp đổi mới và khi sự nghiệp đổi mới thành công thì bản thân họ phải được thụ hưởng.

Còn nói đất nước phát triển, tăng trưởng GDP liên tục, mà cán bộ, công chức, viên chức, người dân không được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới thì ý nghĩa của đổi mới cũng giảm đi, nhất là sau thời gian bạo bệnh do dịch Covid-19, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp bị bào mòn. 

Chúng ta phải xác định chi cho con người cũng là chi cho đầu tư phát triển. Vì vậy, dù ngân sách còn khó khăn nhưng chúng ta cũng phải quyết tâm thực hiện cải cách tiền lương. Thực tế, chúng ta đã thống nhất được tư tưởng, chủ trương, có tính toán chắc chắn, căn cơ để chuẩn bị được 560.000 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương từ giai đoạn 2024 – 2026.

Share.